ĐBQH lo dừng tăng lương khiến tính “dưỡng liêm” giảm sút

Thứ Bảy, 13/06/2020 11:47

|

(CAO) Cần giải pháp căn cơ là tiết kiệm chi tiêu chống lãng phí đầu tư công có hiệu quả, chống thất thu, chống tham nhũng, tiêu cực trong mọi lĩnh vực.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay (13/6), đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) bày tỏ sự đồng tình với đề xuất tạm dừng tăng lương của Chính phủ, song cho rằng chỉ nên coi đây là giải pháp tình thế, không phải giải pháp căn cơ.

“Cán bộ công chức không hào hứng, không yên tâm với việc dừng tăng lương vì với diễn biến giá cả thì không tăng lương thực chất là giảm thu nhập giá trị lương danh nghĩa bị thấp xuống, tính dưỡng liêm bị giảm sút” – bà Xuân phản ánh.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) thảo luận tại Hội trường

Giải pháp căn cơ, theo đại biểu Xuân, chính là tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí đầu tư công có hiệu quả, chống thất thu, chống tham nhũng, tiêu cực trong mọi lĩnh vực .

Phân tích kỹ hơn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 chắc chắn đã tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của cả nước và chắc chắn giai đoạn phục hồi sau dịch cũng sẽ cần rất nhiều nguồn lực.

Vì lẽ đó, đại biểu Thắng ủng hộ việc chưa tăng lương cơ sở, lương hưu. “Đây là quyết định ảnh hưởng tới thu nhập của hàng triệu người dân là sự hy sinh cần thiết” – đại biểu Thắng nêu quan điểm.

Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, đại biểu của Quảng Trị tin rằng quyết định chưa tăng mức lương cơ sở để dành nguồn lực cho những mục tiêu cấp bách khác, dù còn có những băn khoăn, nhưng sẽ được ủng hộ.

Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Thắng cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ tác động của vấn đề này và báo cáo rõ việc hoãn tăng lương cơ sở sẽ kéo dài bao lâu, nguồn lực dành ra được là bao nhiêu và sẽ sử dụng vào những mục tiêu nào để nhân dân được biết và ủng hộ.

“Cần xem nguồn lực này là sự hy sinh, đóng góp có trách nhiệm của những người hưởng lương với quốc gia, với dân tộc, rất đáng được ghi nhận, song chỉ là giải pháp trong ngắn hạn” – Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Trị nói và đề nghị cần có chính sách khác phù hợp với người có hoàn cảnh khó khăn, người hưởng lương hưu.

Trước phiên thảo luận, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội tờ trình về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế trong đó có nội dung dừng tăng lương.

Tờ trình nêu rõ, Nghị quyết số 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 quy định: "Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/ tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020".

Nhằm chia sẻ những khó khăn chung của người dân và doanh nghiệp, thực hiện Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội trước mắt chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020; đồng thời thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp ưu đãi người có công cùng với thời điểm điều chỉnh tăng lương cơ sở mới.

Tuy nhiên, tại tờ trình, Chính phủ không nói cụ thể thời điểm điều chỉnh tăng lương cơ sở mới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang