Vụ Hồ Duy Hải: “Đừng đổ tội cho các đại biểu làm rối vấn đề”

Thứ Hai, 15/06/2020 09:38

|

(CAO) Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu quan điểm trước những tranh luận xung quanh vụ án Hồ Duy Hải đang được dư luận xã hội quan tâm tại phiên thảo luận sáng nay (15/6) về tình hình kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nhưỡng cho biết, những ngày qua, ông nhận được nhiều tin nhắn của cử tri, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu nói “chưa bao giờ thấy niềm tin cho nền tư pháp Việt Nam thấp như lúc này”.

Dẫn chiếu đến vụ án Hồ Duy Hải, đại biểu Nhưỡng chia sẻ: “Tôi đã thức cả đêm để xem từng bản ảnh của vụ án và phát hiện rất nhiều vấn đề sai sót về tố tụng, thấy cần lên tiếng”. Từ nhận thức về trách nhiệm như vậy, ông Nhưỡng cho rằng “đừng đổ tội cho các đại biểu Quốc hội đi làm rối vấn đề, sự việc”.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Theo ông Nhưỡng cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa với công tác tư pháp.

Tuy nhiên, nhận định trên của ông Nhưỡng, theo nhiều đại biểu là mang tính chủ quan. Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp lưu ý không nên vì một vụ việc mà đánh giá về nền tư pháp chưa tốt.

Thừa nhận ngành tư pháp có thể có những khuyết điểm, có những sai sót, nhưng theo đại biểu Hồng, không phải vì thế mà nhìn nhận nền tư pháp tiêu cực như vậy.

“Cần khắc phục những khuyết điểm, tồn tại đó để tốt hơn, để đưa nền tư pháp tốt lên. Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận theo hướng như thế”.

Đại biểu Nguyễn Công Hồng tranh luận lại với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Tương tự, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đánh giá, cái nhìn của ông Nhưỡng là sự phủ nhận sạch trơn các thành quả khác của ngành tư pháp.

Nêu lại thông tin từ đại biểu Nhưỡng là “nhận định đó là nhận định qua một số cá nhân” đại biểu Cương lưu ý cần nhìn nhận thế nào cho đúng về việc này.

“Nếu nhận định qua tiếp nhận thông tin thì có được coi là có cơ sở không?” – ông Cương đặt vấn đề. Đại biểu cho biết, từng nhận được nhiều đề nghị từ phóng viên về đánh giá vụ việc, tuy nhiên do không được nghiên cứu hồ sơ, không được nghiên cứu từ đầu đến cuối nên đã không thể phát biểu.

Điều này, theo ông Cương, cũng đặt ra một vấn đề nữa là cơ chế thông tin cho đại biểu như thế nào. “Phải làm sao để đại biểu biểu có thể tiếp cận thông tin một cách chính thống, chứ để phát biểu của mình vô tình xúc phạm đến phát biểu của đại biểu khác là không nên” – ông Cương nêu quan điểm.

Tranh luận trở lại, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cảm ơn đại biểu Cương đã đề ra vấn đề về cơ thông tin cho các đại biểu. Nhân chuyện này, ông Nhưỡng phản ánh “có tình trạng chặn đường thông tin đến đại biểu”.

Phản ảnh này lập tức được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển “chỉnh”. “Tôi xin khẳng định với đại biểu Nhưỡng là không có bất cứ chủ trương nào cho phép chặn đường thông tin đến đại biểu. Nếu đại biểu nắm được, đề nghị đại biểu cung cấp thông tin để chúng tôi xử lý” – ông Hiển yêu cầu.

Tại phiên thảo luận diễn ra cuối tuần trước, vụ án Hồ Duy Hải đã được Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị đưa ra làm dẫn chứng phản ánh cho “những nghi ngờ, bức xúc, nghi vấn trong nhân dân và dư luận về tính đúng đắn phán quyết của toà án cũng như những vi phạm trong hoạt đồng tố tụng”.

Nhìn nhận “có thể đây là phần nổi của tảng băng chìm đang bào mòn lòng tin của người dân”, đại biểu của Quảng Trị cho rằng đó cũng là hồi chuông để thôi thúc Quốc hội quyết liệt hơn nữa trách nhiệm giám sát của mình để đảm bảo pháp luật được thượng tôn, niềm tin nhân dân vào nền tư pháp được củng cố, góp phần làm trong sạch cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tranh luận với đại biểu Thắng về việc này, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang), Phó Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM lưu ý, khi xét xử hội đồng xét xử phải đọc hồ sơ, đưa ra và kiểm tra chứng cứ, qua các lời khai và tranh tụng tại phiên toà rồi mới đưa ra phán quyết đúng đắn của hội đồng phán xử.

“Không nên chỉ qua một vài trang giấy hoặc bình luận của báo để nhận định quyết định của toà là không đúng. Hiện nay có nhiều thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước đòi tam quyền phân lập nên cần hết sức cảnh giác” – Phó Chánh án tòa cấp cao tại TPHCM khuyến cáo.

Ông Phong thông tin, Hiến pháp quy định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Quan điểm này của đại biểu Phong gặp phản ứng mạnh mẽ từ ông Thắng. Khẳng định phát biểu tại nghị trường của đại biểu là xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm vì dân, vì công lý, vì trách nhiệm xây dựng chung, trong đó có cả cơ quan tư pháp” , đại biểu Thắng lo ngại ý kiến của đại biểu Phong “vô hình trung dẫn dắt suy nghĩ là ĐBQH nói theo báo chí, dư luận phản động, dễ dẫn tới tổn thương tư cách ĐBQH”.

Tái khẳng định diễn đàn Quốc hội là diễn đàn của nhân dân mà ĐBQH là người đại diện, đại biểu Thắng nhấn mạnh đây không phải diễn đàn riêng cho ngành nào. Ông Thắng cũng nêu rõ, việc ông dẫn ra các vụ án gây xôn xao dư luận và sự hoài nghi trong nhân dân là có thật.

“Tôi không đánh giá việc xử lý là đúng hay sai mà chỉ là nêu kiến nghị để ngành tòa án, cơ quan tư pháp tự soi lại, kiểm tra lại, rà soát lại có đúng như dư luận hay không. Nếu không đúng thì đó là điều rất hạnh phúc, chưa tốt thì làm cho tốt để tạo niềm tin cho nhân dân” – ông Thắng nêu rõ.

Cũng bày tỏ sự không tán thành quan điểm của đại biểu Phong về việc các thế lực thù địch có thể lợi dụng chuyện vụ án Hồ Duy Hải để chống phá, đại biểu Trương Trọng Nghĩa trích lại lời căn dặn của Bác Hồ rằng: “Có những cán bộ tưởng rằng nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình thì sẽ có hại vì kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền, giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền. Nếu không muốn kẻ địch phản bác mình thì không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm...”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang