Kỷ niệm 44 năm thành lập Báo Công an TPHCM (15/6/1976 - 15/6/2020):

“Xin cảm ơn Báo Công an TPHCM đã giải oan cho tôi!"

Thứ Hai, 15/06/2020 08:22  | Văn Cương

|

(CATP) Hơn 20 năm gắn bó với nghề báo qua hàng trăm bài phóng sự, điều tra, không ít lần tôi đã nhận được những lời tri ân đầy xúc động như thế!

Càng đáng nhớ, đáng quý hơn khi tất cả xuất phát từ các nông dân tay lấm chân bùn, những người buôn gánh bán bưng không may phải gánh nỗi ức oan, rơi vào vòng xoáy khiếu kiện, đáo tụng đình. Ba vụ án điển hình dưới đây, với tôi là ba kỷ niệm đẹp và cũng là phần thưởng đáng quý nhất trong cuộc đời người cầm bút.

CÁN BỘ ĂN HỐI LỘ, DÂN NGHÈO BỊ BẮT OAN

Tôi làm việc tại Báo CATP từ năm 1998, đến nay đã 22 năm. Thế mạnh của tôi là ở mảng điều tra, với nhiều loạt bài được dư luận đánh giá cao. Một trong những loạt bài đầu tiên gây ấn tượng mạnh mẽ, làm động lực cho tôi dấn thân, dùng ngòi bút chống tiêu cực chính là viết về vụ án oan xảy ra tại Tiền Giang 19 năm trước.

Nạn nhân là ông Võ Văn On (ngụ ấp 6, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), bị em trai Võ Văn Sau (tên nhân vật đã được thay đổi) hãm hại, với sự giúp sức đắc lực của ông cán bộ “5 chỉ” biến chất.

Ông On và Sau được chia mỗi người 4,5 công ruộng liền nhau tại ấp 7, Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy. Năm 1983, ông Sau nhượng phần đất này cho ông On. Năm 1987, do gặp khó khăn nên ông On cắt bán 3,5 công; còn lại 5.337m2 ông được UBND huyện Cai Lậy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Tháng 6-1990, ông On đem 5.337m2 đất cầm cho ông Sau lấy 20 chỉ vàng trong vòng 3 năm. Đến hẹn, ông On đưa vàng chuộc đất, nhưng người em không cho. Ngày 15-5-1995, UBND huyện Cai Lậy ra quyết định (QĐ) buộc ông Sau phải cho ông On chuộc lại đất.

Ông Sau khiếu nại và thật bất ngờ, ngày 20-7-1997, UBND tỉnh Tiền Giang ra QĐ 2103/QĐ-UB buộc ông On phải giao 5.337m2 đất cho ông Sau. Bị oan, gia đình ông On liên tục kêu cứu khắp nơi với hàng chục lá đơn, nhưng không được giải quyết. Oái oăm thay, ngày 15-5-2001, ông On bị Công an (CA) huyện Cai Lậy khởi tố, bắt tạm giam về tội “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”.

Vợ ông On là bà Nguyễn Thị Phỉ đã đến Báo CATP kêu cứu và trình bày: Ngay khi ông Sau khiếu nại, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó phòng xét khiếu tố, Thanh tra Nhà nước tỉnh Tiền Giang - đã về địa phương xác minh. Sau đó, ông Dũng mời bà làm việc, “gợi ý” nếu có 10 triệu đồng thì mọi chuyện sẽ êm xuôi. Nhà nghèo, lấy đâu ra số tiền lớn nên ông On gặp nạn, bà nghi ông Dũng đã “ăn” của ông Sau.

Hàng loạt nhân chứng từ người dân cho đến cán bộ ấp, xã khi tiếp xúc với PV đều khẳng định đất của ông On, cả dòng họ thân tộc cũng khẳng định như thế. Ông On tính tình hiền lành, sống chan hòa với bà con, bỗng dưng bị ngồi tù oan.

Bức xúc trước hoàn cảnh này, sau một thời gian tìm hiểu, PV đã có bài điều tra Vì sao ông Võ Văn On bị bắt giam? đăng trên Báo CATP ngày 9-8-2001. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo cơ quan chức năng xác minh sự việc. Sau thời gian vào cuộc, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - CA Tiền Giang đã khởi tố ông Sau về tội “đưa hối lộ” cho phó phòng Dũng. Trước đó, ông Dũng bị khởi tố tội “nhận hối lộ” liên quan đến nhiều vụ khác. Sau khi gạ phía ông On không thành, ông Dũng quay sang nhận 5 chỉ vàng 24k của ông Sau, rồi đề xuất UBND tỉnh giải quyết cho ông này.

Không chỉ được trả tự do sau 3 tháng tạm giam, ông On còn được giải oan, gia đình nhận lại đất canh tác. Đã 19 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của người nông dân rưng rưng lệ nhòa trong niềm vui sướng: “Vợ chồng tôi suốt 9 năm đi kiện với biết bao tủi nhục, lụy phiền, kể cả việc bị tù oan, may nhờ PV Báo CATP đưa vụ việc ra ánh sáng, giúp tôi được giải oan, gia đình được trả lại đất để có nơi canh tác, nuôi mười mấy miệng ăn. Họ hàng thân tộc, kể cả bà con làng xã, rất biết ơn và nhớ mãi Báo CATP vì đã cứu sống cả gia đình tôi trong bước đường cùng...”.

BẢN ÁN “BỐN KHÔNG”

Theo các cơ quan tố tụng tỉnh Bạc Liêu, 14 giờ ngày 21-7-2000, Trần Thị Lệ Hoa (SN 1955, ngụ xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) dùng tay bóp miệng mẹ nuôi là cụ Nguyễn Thị Hai đang nằm trên võng, rồi đổ thuốc trừ sâu vào. Cụ Hai kháng cự và tri hô, được hàng xóm đến đưa đi cấp cứu và xuất viện sau đó 1 tuần. Ngày 22-4-2001, cụ Hai qua đời vì bệnh già.

Ngày 15-2-2005, Cơ quan CSĐT - CA tỉnh Bạc Liêu ra QĐ khởi tố bà Hoa về tội “giết người”. Tại phiên xử sơ thẩm ngày 9-1-2006, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bạc Liêu, do thẩm phán Đặng Quốc Khởi ngồi ghế chủ tọa, tuyên phạt bị cáo Trần Thị Lệ Hoa 7 năm tù. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM mở phiên xử ngày 28-4- 2006, do thẩm phán Tô Chánh Trung (từng là cán bộ TAND tỉnh Bạc Liêu) ngồi ghế chủ tọa, tuyên y án sơ thẩm.

Bà Trần Thị Lệ Hoa và chồng tại Tòa soạn Báo CATP

Bà Hoa liên tục kêu cứu. Từ những tài liệu, chứng cứ thu thập được, PV đã thực hiện 2 bài viết đăng trên Báo CATP tháng 6 và tháng 9-2006, chỉ rõ 2 bản án đã tuyên theo kiểu “bốn không”, kết án oan cho bà Hoa.

Xác định là vụ án giết người nhưng cơ quan tố tụng không lập biên bản hiện trường, không xác định bà Hoa đổ thuốc sâu bằng dụng cụ gì, không tiến hành giám định vật chứng là cái áo và chiếc khăn của cụ Hai, nhưng lại kết luận có “dính” thuốc trừ sâu; không trưng cầu giám định cụ Hai có ngộ độc hay không mà lại tin vào lời khai của “nhân chứng” Lê Thị Tuyết Mai nghe “lóm” từ người khác thuật lại.

Trong khi tại cơ quan điều tra, các phiên tòa sơ, phúc thẩm, bà Hoa đều khai thống nhất là cụ Hai uống thuốc sâu tự tử, nhưng bà kịp thời phát hiện, can ngăn chứ không hề đổ thuốc ép cụ Hai uống.

Thấy rõ hai bản án bộc lộ oan sai, Ban Nội chính Trung ương 2 lần đề nghị xem xét lại toàn diện bản án. Tòa án nhân dân tối cao đã ra QĐ giám đốc thẩm vào đầu tháng 4-2007, tuyên hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm với 7 điểm chưa được làm rõ.

Trong đó đáng chú ý, vì sao vụ việc xảy ra từ năm 2000 nhưng đến năm 2005 cơ quan điều tra mới khởi tố vụ án, lý do kéo dài quá lâu? Ông Khưu Minh Quý - CA xã Châu Thới - là người lấy lời khai bà Hoa tại xã này, kết thúc lúc 17 giờ 5 ngày 21-7- 2000; lấy lời khai của cụ Hai tại bệnh viện tỉnh (cách xã Châu Thới khoảng 10km) lúc 17 giờ 15. Ông Quý thực hiện được không khi 2 biên bản ghi cách nhau chỉ 10 phút?

Tương tự, cùng thời điểm lúc 8 giờ ngày 2-3-2001 tại Đội CSĐT - CA huyện Vĩnh Lợi, điều tra viên Dương Thanh Me cũng lấy lời khai của cả cụ Hai lẫn bà Hoa thì có khách quan không? Trong hồ sơ vụ án có bản di chúc do cụ Hai lập ngày 12-7-2000, cho bà Hoa hưởng thừa kế, chỉ 9 ngày sau thì xảy ra vụ việc. Nếu bị ép uống thuốc sâu, tại sao cụ Hai cho đến khi qua đời vẫn giữ nguyên quyền thừa kế cho bà Hoa?...

Do không đủ chứng cứ kết tội nên vụ án được đình chỉ điều tra, bà Hoa đã được minh oan, xin lỗi công khai. Có mặt tại tòa soạn, bà Hoa rưng rưng: “Xin cám ơn PV, ngàn lời tri ân Báo CATP đã giải oan cho tôi và gia đình...”.

ÁN “LẠ” CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ TỐ TỤNG

Sở dĩ gọi là án “lạ” vì sau gần 41 tháng tiến hành tố tụng, vụ án có đến 3 lần thay đổi điều tra viên, 3 lần thay đổi kiểm sát viên, 6 kết luận điều tra, 4 cáo trạng, nhiều lần hoãn phiên xử... Báo CATP đã có nhiều bài phản ánh, trước sau vẫn khẳng định vụ án bị làm sai lệch bản chất, dẫn đến truy tố người vô tội, tha bổng kẻ phạm tội.

Vụ án với tình tiết rất đơn giản: 15 giờ ngày 9-7-2003, Bành Hổ (ngụ P5Q. Gò Vấp) sau khi uống bia đã cầm dao đến nhà ông Lục Dùng (ngụ cùng phường, bán heo quay ở chợ Gò Vấp) gây hấn. Bành Thắng - anh Hổ - can ngăn, lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát. Em Thắng là Bành Tài và Bành Hổ cầm dao chạy đến chém trúng mặt, vai ông Dùng.

Thấy chồng bị chém, bà Hồ Bích Diệu can ngăn, bị Bành Phước - em Thắng - cầm cây đánh vào mặt và lưng. Cháu Lục Minh - con Lục Dùng - bị Tài lấy tuýp sắt đánh trúng lưng và Hổ cầm dao chém nhưng tránh được, bỏ chạy.

Còn ông Dùng sau khi bị chém đã đuổi theo Tài đến nhà giật bể cửa kiếng, ném 2 cục đá nhỏ vào Bành Phước, nhưng trúng ôtô. Ông Dùng được cấp cứu với thương tật 13% vĩnh viễn, bà Diệu và Lục Minh mỗi người bị 1%.

Ông Lục Dùng (lúc còn sống) và vợ bên quầy bán vịt, heo quay

Ngày 20-11-2003, Cơ quan CSĐT - CA quận Gò Vấp ra kết luận điều tra (KLĐT) lần 1, đề nghị truy tố Bành Tài, Bành Hổ tội “cố ý gây thương tích”. Theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Q. Gò Vấp, ngày 16-2-2004 Cơ quan CSĐT có KLĐT lần 2 đề nghị truy tố Tài, Hổ về tội “cố ý gây thương tích”; Bành Thắng, Bành Phước và Lục Dùng tội “gây rối trật tự công cộng (TTCC). Theo yêu cầu của VKSND, cơ quan CSĐT lần lượt có thêm 3 bản KLĐT.

Từ 5 bị can, VKSND Q.Gò Vấp yêu cầu đình chỉ điều tra 3 bị can, chỉ còn lại Hổ và ông Dùng. Sau đó, VKSND Q.Gò Vấp nhận ra ông Dùng không phạm tội “gây rối TTCC”, thay vì đình chỉ, ngày 30-11-2005, viện xoay sang yêu cầu cơ quan CSĐT điều tra bổ sung lần thứ 5 để làm rõ hành vi “cố ý làm hư hỏng tài sản”. Dù Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ cho phép điều tra bổ sung tối đa đến lần thứ 4 nhưng dưới áp lực của ông “viện”, ông Dùng tiếp tục bị điều tra tội danh mới.

Ngày 31-7-2006, cơ quan điều tra có KLĐT lần 6, khẳng định “Lục Dùng không cố ý để gây ra hư hỏng xe nên chỉ chịu trách nhiệm về phần dân sự”. Vậy mà ngày 30-8-2006, VKSND Q.Gò Vấp ra cáo trạng lần 4, truy tố ông Dùng tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Qua Báo CATP, biết được ông Dùng là người Hoa, mù chữ, trụ cột trong gia đình nuôi 4 con nhỏ, bị tai nạn giao thông cùng chứng bệnh hiểm nghèo nên có đến 5 luật sư tự nguyện hỗ trợ. Xem xét toàn diện vụ án, nhận thấy chứng cứ buộc tội Lục Dùng của VKSND Q. Gò Vấp thiếu cơ sở, nên tại phiên tòa ngày 10-1-2007, TAND Q. Gò Vấp tuyên phạt bị cáo Bành Hổ 18 tháng tù cho hưởng án treo; Lục Dùng vô tội. Tại phiên xử phúc thẩm, TAND TPHCM tiếp tục tuyên ông Dùng không phạm tội.

Thoát khỏi vòng xoáy tố tụng và thân phận bị can, ông Dùng cùng vợ tiếp tục công việc thường nhật, nuôi bốn con khôn lớn, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vì căn bệnh hiểm nghèo...

Bình luận (0)

Lên đầu trang