"Cát tặc" - nỗi ám ảnh triền miên ở ĐBSCL:

Bài 2: Đường đi của cát lậu

Thứ Tư, 17/06/2020 08:56

|

(CATP) Cát lậu sau khi được tập kết về bãi sẽ được đưa đi đâu tiêu thụ? Người dân sống ven sông Tiền, đoạn qua huyện Chợ Mới (An Giang) thắc mắc, nhưng chưa có lời giải. Trong khi đó, diện tích đất canh tác cặp bờ sông của họ đang ngày càng bị khoét sâu vào trong. Người dân bất lực và đau đớn sau nhiều năm chịu đựng nạn "cát tặc" lộng hành.

Những bãi cát "chui" khổng lồ

Chia sẻ nỗi lo về nạn "cát tặc" với người dân, phóng viên Báo Công an TPHCM bí mật tìm cách tiếp cận những bãi cát khổng lồ, nhưng người dân xung quanh cảnh báo: "Chú đừng lại đó! Có người canh, lại gần là nó đánh. Nguy hiểm lắm!". Chúng tôi liền tiến về phía bến đò Bình Thành để sang sông. Đò lưu thông được một đoạn, nhìn về phía bờ xã Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới, An Giang) thấy rõ những bãi cát khổng lồ nằm ven sông Tiền. Lúc đó, vẫn có sẵn những chiếc sà lan cỡ lớn neo đậu.

Quay lại xã Mỹ Hiệp, chúng tôi ghé một quán ven đường hỏi thăm về mấy bãi cát trên, một người địa phương không ngần ngại cho biết: Mấy bãi cát lớn ở đằng kia, tôi nghe nói là của doanh nghiệp có phép đàng hoàng. Nhưng thực tế thì doanh nghiệp đàng hoàng sao lại toàn lấy cát vào ban đêm? Cách đây một tháng, họ còn làm dữ lắm, tối đến là ghe đi lấy cát ì xèo như cái chợ ở đầu mé sông của ấp Trung Châu. Đầy ghe thì họ chạy lại đây bơm lên, nhanh lắm!".

Anh Thanh đang ngồi cùng, tiếp lời: "Mỗi bãi cát khổng lồ vậy, chứ họ lấy chưa đầy một tuần là đầy, chất cao như núi. Nhưng khi sà lan lại chở đi thì khoảng 3 ngày là hết. Không biết họ đưa về đâu tiêu thụ. Chỉ khổ là dân ở đây ngày này qua tháng nọ chịu cảnh lần hồi mất đất mà không biết phải làm sao!".

Những bãi cát nằm bên bờ đất lở

Báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Chợ Mới, trên địa bàn xã Mỹ Hiệp có 3 bãi, vựa kinh doanh cát sông. Trong đó, có 2 bãi được cấp phép, bãi còn lại là trái phép. Từ đầu năm 2020 đến nay, các ngành chức năng của huyện kiểm tra, phát hiện 5 vụ khai thác cát sông trái phép, với 10 đối tượng vi phạm. Nhưng sau những vụ bắt giữ này, người dân lại tiếp tục kêu cứu vì "cát tặc" vẫn lộng hành.

Mặt khác, việc ngành chức năng chậm xử lý những bãi cát "chui" là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "cát tặc" hoạt động mạnh thời gian qua ở huyện Chợ Mới. Hậu quả là nguy cơ sạt lở nghiêm trọng đất cồn. Điển hình như cồn Chủ Quân, nơi tiếp giáp giữa sông Vàm Nao và một nhánh của sông Tiền. Vài năm trước, cồn này được bồi lắng rất tốt. Từ tháng 10-2019, cồn Chủ Quân bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo người dân nơi đây, vào tháng 10-2019, địa phương cho doanh nghiệp thuê đất cồn Chủ Quân để lập 2 bãi tập kết cát. Trên danh nghĩa giấy tờ là thuê đất chứa cát để bán, nhưng thực tế là khi trời tối, họ cho ghe ra hút cát trái phép dưới lòng sông rồi đưa vào 2 bãi này để trữ. Đến sáng, cát được bơm xuống những chiếc sà lan neo đậu sẵn, đưa đi tiêu thụ.

"Việc này diễn ra liên tục, làm tình trạng sạt lở ở cồn của chúng tôi diễn ra nhanh chóng" - Một người dân nói. Vừa rồi, những bãi tập kết cát tại cồn Chủ Quân bị ngành chức năng buộc chấm dứt hoạt động. Nhưng hậu quả từ nạn khai thác cát trái phép, làm sạt lở cồn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân nơi đây là quá rõ.

Biển báo "Khu vực sạt lở nguy hiểm" tại xã Mỹ Hiệp, nhưng cách đó khoảng 100m, "cát tặc" vẫn ngang nhiên khai thác

Chưa kể nạn khai thác, kinh doanh cát lậu hoạt động công khai còn có lỗi không nhỏ từ cơ quan chủ quản. Tháng 6-2019, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang ra quyết định kỷ luật ông Trần Đặng Đức (Giám đốc Sở TNMT tỉnh An Giang). Theo đó, từ năm 2013 - 2018, Sở TNMT tham mưu cho UBND tỉnh cấp 12 giấy phép khai thác cát sông cho 8 đơn vị, thời gian khai thác từ 6 giờ đến 18 giờ. Trong đó, có cấp phép khai thác cát sông cho Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thái Bình.

Giấy phép số 01/GP-UBND ngày 11-8-2014 của UBND tỉnh An Giang cấp cho DNTN Thái Bình khai thác cát bằng phương pháp lộ thiên, tại mỏ cát trên sông Hậu, diện tích khu vực khai thác là 49,87 héc-ta, công suất khai thác 80.000m3/năm, thời hạn khai thác là 6 năm, hết hạn vào năm 2020. Nhưng khi kiểm tra doanh nghiệp này, ngành chức năng tỉnh An Giang phát hiện, Giấy phép số 01/GP-UBND đã được ông Trần Đặng Đức tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép không quy định thời gian hoạt động khai thác cát sông. Việc này tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác cát cả ngày lẫn đêm trên sông Hậu, bị người dân tại xã Bình Thạnh (huyện Châu Thành) và xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) phản đối, vì sạt lở bờ sông nghiêm trọng.

Trên sông Tiền và sông Hậu, hiện nay các phương tiện được tỉnh An Giang hoặc Đồng Tháp cấp phép khai thác cát có tình trạng lấn tuyến qua địa bàn của nhau. Do đoàn kiểm tra không được trang bị thiết bị định vị để xác định ranh giới hành chính nên khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.

Món lợi lớn nằm giữa lòng sông

Người dân huyện Chợ Mới, nhất là bà con có đất ở hoặc canh tác ven sông Tiền rất hiểu cảnh những ghe neo đậu ở bến sông, rồi hút cát, bơm lên bãi cát để sà lan chở đi khắp nơi tiêu thụ.

"Sà lan chiếc nào cũng lớn, khoảng 100 khối trở lên chứ không ít. Nhưng khi nó cập bãi là cát được xả xuống liền, rồi tiếp tục chạy về khắp các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phân phối cho các cửa hàng vật liệu xây dựng và công trình" - Một người dân nói.

Do bị tiêu hao lượng cát sông rất lớn, lòng sông bị khoét sâu, dòng chảy thay đổi, gây ra nhiều vụ sạt lở nguy hiểm. Khi sạt lở xảy ra, nhiều hộ dân trong khu vực nguy hiểm được di dời, đời sống khó khăn, vất vả.

Có thể nói, nạn khai thác cát trái phép và thiếu quản lý chặt chẽ từ ngành chức năng là kẽ hở để không ít doanh nghiệp "núp bóng" nạo vét lòng sông, khai thác cát bãi bồi, lập khu sinh thái, phục vụ các công trình.... được dịp tận thu nguồn lợi "khủng" từ cát sông.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở An Giang mà tràn lan khắp các tỉnh ĐBSCL. Hậu quả, thời gian qua có nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, tổn hại đến đời sống, kinh tế của nhân dân và ngân sách Nhà nước. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm về tình trạng này?

Vài vụ bắt giữ phương tiện, đối tượng khai thác cát trái phép có làm cho "cát tặc" sợ mà chùn tay không? Như ngày 9-6-2020, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây khai thác cát trái phép quy mô lớn trên tuyến sông Tiền, đoạn giáp ranh giữa huyện Cái Bè (Tiền Giang) và huyện Long Hồ (Vĩnh Long), bắt giữ 12 phương tiện có tải trọng từ 300 - 1.000 tấn và 32 đối tượng.

Theo đó, Công ty Thương mại thủy sản Vĩnh Long đã lợi dụng hình thức nạo vét, đắp đê bao chống lũ trên phần đất được UBND tỉnh Vĩnh Long cho lập dự án đầu tư, khai thác du lịch sinh thái đất bãi bồi trên sông Tiền, để tổ chức khai thác cát trái phép đem bán. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 - 15.000m3 cát bị khai thác, thu lợi từ 450 triệu đến 1 tỷ đồng.

Bãi cát và ghe hút cát "nghỉ ngơi" vào ban ngày

Ông Nguyễn Hoàng Sơn (ngụ cồn Én, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới) bức xúc: "Giá cát từ bãi tập kết lên sà lan cũng cao lắm, dao động từ 200 - 220 ngàn mỗi mét khối. Mỗi ngày, có hàng chục lượt sà lan trọng tải tối thiểu 100 mét khối ra vào bãi lấy cát, hỏi sao đất nơi này không sạt lở cho được?".

Tuy nhiên, cát không phải là tài nguyên vô hạn. Theo Hội Thủy lợi TPHCM, hiện nay lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn khoảng 28 triệu tấn/năm. Thế nhưng giấy phép cho khai thác cát toàn vùng lên đến 20 triệu tấn/năm. Điều này cũng góp phần gây mất cân bằng phù sa, sạt lở bờ nghiêm trọng.

Ngoài ra, việc phát triển mạnh của nhiều công trình xây dựng tạo nhu cầu rất lớn về cát. Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tháng 3 và những ngày đầu tháng 4-2020, giá cát xây dựng tăng gấp 2, 3 lần, hiện đang ở mức rất cao, có lúc tiệm cận 500.000 đồng/m3.

Nguồn cát thực tế được cấp phép khai thác chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, chủ yếu cung cấp cho các thành phố, đô thị lớn. Nhu cầu về cát càng cao thì lợi nhuận càng lớn, cũng là lúc "cát tặc" lộng hành khắp nơi, mặc cho tình hình sạt lở ở ĐBSCL diễn biến phức tạp, khó lường.

(Còn tiếp)

Bài 1: Đêm mật phục
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang