Băng “cho số đánh đề” lừa khắp 54 tỉnh thành, “ẵm” 40 tỷ đồng

Chủ Nhật, 14/06/2020 18:06

|

(CAO) Cục Cảnh sát Hình sự-Bộ Công an phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố đã triệt phá một đường dây tội phạm công nghệ cao quy mô lớn, hoạt động hầu khắp cả nước trong suốt vài năm qua.

Chỉ với 1 thủ đoạn cực kỳ đơn giản: cho số để đánh lô đề, chơi xổ số, đường dây tội phạm này đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn người khắp 54 tỉnh, thành và chiếm đoạt trên 40 tỷ đồng.

Lòng tin mù quáng

Đến nay, Cục CSHS-Bộ Công an và Công an các địa phương đã bắt giữ 24 đối tượng, làm rõ trên 100 vụ, số tiền chứng minh nhóm này chiếm đoạt trên 40 tỷ đồng, trong đó, riêng Công an tỉnh Bạc Liêu đã triệt phá, khởi tố 21 đối tượng, làm rõ 81 vụ lừa đảo tại 24 tỉnh, TP trên cả nước.

Trước đó, từ đầu năm 2017, Công an tỉnh Bạc Liêu được Cục CSHS yêu cầu phối hợp xác định thông tin tố giác tội phạm của 1 người phụ nữ cư trú trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, người phụ nữ này bị 1 nhóm nam giới giả danh nhân viên Công ty xổ số kiến thiết miền Bắc dụ dỗ, lừa đảo trên 3,1 tỷ đồng.

Trước đó, Công an tỉnh Bạc Liêu cũng đang thu thập thông tin để điều tra về một vụ án có thủ đoạn tương tự. Xác minh đơn thư, Công an tỉnh Bạc Liêu xác định đây có thể là một tổ chức tội phạm liên tỉnh, trong đó những tên đầu sỏ là người địa phương.

Xét thấy đối tượng trong đường dây thuộc nhiều địa bàn nên Công an tỉnh Bạc Liêu đã xác lập chuyên án, tung những trinh sát hình sự, phòng chống tội phạm công nghệ cao giỏi nhất phối hợp với nhiều địa phương để tập trung điều tra.

Chỉ cần chiếc laptop, điện thoại, các đối tượng đã thực hiện hàng ngàn phi vụ lừa đảo bởi lòng tin mù quáng của nạn nhân

Xác định đây là 1 chuyên án nghiêm trọng, càng để lâu thì càng ảnh hưởng đến tình hình ANTT, ban chuyên án sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tìm ra phương thức bóc gỡ đường dây lừa đảo liên tỉnh này. Qua đó, trinh sát phát hiện, các đối tượng lừa đảo này sử dụng mạng viễn thông qua hệ thống ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, bọn chúng vào website của các ngân hàng rồi tìm kiếm tài khoản khách hàng có lượng tiền lớn, sau đó tìm cách chiếm đoạt tài sản. Phương thức các đối tượng này thường sử dụng là giả danh nhân viên Công ty xổ số kiến thiết miền Bắc gọi điện làm quen với các bị hại. Trong lúc chuyện trò, nắm được tâm lý nạn nhân nghe giọng điệu tỏ ra là “người quen cũ”, cũng sẽ không biết mình có từng tiếp xúc qua công việc làm ăn, qua các mối quan hệ xã hội hay không, và khi bị hại nhầm lẫn đó là người nào đó, đối tượng lập tức xưng tên đó.

Qua quá trình trò chuyện, các đối tượng dùng các chiêu tung hỏa mù như hỏi thăm sức khỏe, tình hình làm ăn, từ đó chiếm được lòng tin của bị hại. Trên cơ sở thu thập thông tin của bị hại, đối tượng vờ bật mí cho bị hại biết hiện tại Công ty đang phối hợp với Bộ Công an đánh sập các đường dây lô đề ở địa phương, trong chương trình này, công ty sẽ chuyển tiền cho người tham gia, do bản thân là người của công ty nên không thể tham gia được, “vì anh là người quen biết nhiều năm, tôi giới thiệu anh cho Công ty”.

Khi nắm bắt được tín hiệu hợp tác của “con mồi”, đối tượng tiếp tục tung thêm mồi nhử, chúng khẳng định, công ty sẽ chuyển tiền rồi cho số, người chơi chỉ việc đi đặt, nếu trúng sẽ được 50%, còn 50% thì chuyển cho công ty để làm từ thiện. Nhiều người lúc đầu không tin, đối tượng vẫn tiếp tục cho số ngẫu nhiên.

Trong số rất nhiều người được cho số thì cũng có người trúng nên sẽ tin tưởng đối tượng. Khi đó, đối tượng sẽ chuyển số của người này cho đối tượng khác đóng vai “lãnh đạo công ty”, bị hại được thông báo phải tự bỏ tiền đặt cược vì công ty đã hết chương trình, khi trúng vẫn được chia 50%, 50% sẽ chuyển về công ty. Bị hại lúc này do đã tin tưởng nên đồng ý. Lúc này, chúng yêu cầu bị hại góp vốn vào công ty với lý do tránh trường hợp khi công ty cho số, lúc trúng thưởng lại không chịu chuyển 50% như thỏa thuận. Với hình thức lừa đảo này, hàng ngàn nạn nhân đã mắc bẫy.

Các đối tượng: Đặng Văn Hà, Trần Chí Hướng, Trần Văn Linh (từ trái qua phải, hàng trên)

Điểm “tập kết” của dòng tiền lừa đảo

Từ những thông tin của Cục CSHS cung cấp số tiền 3,1 tỷ đồng của người phụ nữ Hà Nội được rút tại cây ATM trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, tất cả trinh sát trong ban chuyên án được lệnh giám sát các cây ATM 24/24h. Qua đó phát hiện 1 đối tượng nam giới, lúc đi xe máy SH, lúc đi Nouvo, đeo khẩu trang kín mặt để đi rút số tiền 3,1 tỷ đồng trên.

Ban chuyên án quyết định phối hợp với các ngân hàng trích xuất dữ liệu camera an ninh, kết hợp thu thập thông tin ở các thùng chứa rác ở các cây ATM để thu thập, tiến hành trưng cầu giám định dấu vết đường vân để lại của đối tượng, thu thập hình ảnh, củng cố chứng cứ. Từ đây, 1 đường dây lừa đảo liên tỉnh qua hệ thống viễn thông, ngân hàng dần hé lộ.

CQĐT xác định có 2 nhóm đối tượng, dù lúc đầu đều chung 1 nhóm, nhưng do ăn chia không đều nên tách ra. Từ 2 nhóm này lại tách ra rất nhiều nhóm nhỏ, nhưng vẫn đan xen lẫn nhau, giữa đối tượng này với nhóm khác vẫn có sự liên kết. Qua điều tra, xác định các tài khoản ATM sau khi nhận tiền của bị hại gửi, các đối tượng giao dịch chuyển khoản rút tiền mặt đa số tại trụ ATM trước một ngân hàng có phòng giao dịch tại tỉnh Bạc Liêu.

Qua hoạt động trinh sát, ban chuyên án xác định người thực hiện giao dịch rút tiền từ các tài khoản trên là nam giới. Đường dây này do đối tượng Đặng Văn Hà (SN 1982) và Trần Văn Linh (SN 1971), cùng ngụ tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cầm đầu. Đặc biệt, các đối tượng đều là hàng xóm và bà con thân thích, cùng hợp tác với nhau lừa đảo nên việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ thông thường như gọi hỏi sẽ không có giá trị, do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của nhóm.

Tuy nhiên, để triệt phá được 1 đường dây lừa đảo đã khó, bóc gỡ đường dây lừa đảo công nghệ cao khó hơn rất nhiều, trong khi với đường dây này, càng điều tra lại càng thấy liên quan đến nhiều địa phương trong cả nước.

Trong lúc công tác điều tra tưởng chừng rơi vào bế tắc thì bất ngờ ngày 27-3-2017, có 1 giao dịch chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản nhận của Đặng Văn Hà, địa chỉ ở xã Vĩnh Mỹ 3, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Cục CSHS lập tức chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu để điều tra, làm rõ.

Từ thông tin nắm được, Phòng CSHS đề nghị Phòng CSGT Công an tỉnh Bạc Liêu tra cứu xem Đặng Văn Hà đứng tên đăng ký sử dụng bao nhiêu ô tô, xe máy. Kết quả, Hà có 2 xe máy, 1 SH màu đỏ BS 94K1-50.888, trùng khớp với đặc điểm chiếc xe Hà dùng đi rút tiền tại trụ ATM trước phòng giao dịch ngân hàng ở Hòa Bình.

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo.

“Cất vó”

Từ những chứng cứ có được, ban chuyên án lần lượt bắt giữ đối tượng Đặng Văn Hà, Trần Văn Linh và đàn em, thu giữ nhiều phương tiện viễn thông như điện thoại, laptop, tiền mặt…Tại CQĐT, trước những chứng cứ không thể chối cãi, các đối tượng trong đường dây lừa đảo đã cúi đầu nhận tội

Theo lời khai của các đối tượng, Đặng Văn Hà và Trần Văn Linh đã sử dụng thủ đoạn cho các đối tượng ở 24 tỉnh thành tổ chức lừa đảo với số tiền chiếm đoạt ban đầu hàng chục tỷ đồng, trong đó Hà có nhiệm vụ lập tài khoản ngân hàng và trực tiếp đi rút tại các cây ATM.

Qua tra cứu, các đối tượng thực hiện hàng chục ngàn giao dịch, lừa khoảng 5.000-6.000 người bị hại. Các đối tượng thừa nhận hầu như những tài khoản này dùng để lừa đảo, chứ không có ai làm ăn với chúng hết.

Kết thúc giai đoạn 1 của chuyên án, sau 2 ngày xét xử, chiều 20-6-2019, HĐXX TAND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên phạt bị cáo Đặng Văn Hà, Trần Văn Linh cùng 12 đồng phạm tổng cộng 179 năm tù, trong đó Linh 19 năm tù, Hà 17 năm tù.

Đến thời điểm này, Công an các địa phương đã bắt giữ 24 đối tượng, làm rõ trên 100 vụ, số tiền chứng minh nhóm này chiếm đoạt trên 40 tỷ. Do thời hạn điều tra đã hết, nhiều bị hại không thể làm rõ được, Công an tỉnh Bạc Liêu đã chuyển tài liệu cho các tỉnh thành khác tiếp tục điều tra, xử lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang