Shisha biến tướng: Hiểm họa khôn lường với giới trẻ

Thứ Tư, 03/06/2020 09:59  | Hải Văn

|

(CATP) Sau thời gian tạm lắng, hiện nay không ít bạn trẻ ở TPHCM quay trở lại sử dụng shisha.

Để tận hưởng cảm giác "phiêu" và khẳng định đẳng cấp sành điệu với bạn bè, nhiều cậu ấm, cô chiêu sẵn sàng "đốt" tiền triệu trong làn khói trắng.

Hiện có không ít loại shisha sử dụng tinh dầu trôi nổi, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là shisha độn (chứa các độc tố độc hại, gây nghiện), ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng.

"PHIÊU" CÙNG KHÓI SHISHA

Shisha còn gọi là thuốc lào Ả Rập, ra đời từ hơn 400 năm trước. Thiết bị hút shisha có một hoặc nhiều thân, thường làm bằng thủy tinh, dùng để hút như hút thuốc lá. Trong đó, khói được lọc và làm lạnh bằng nước. Xuất phát từ Ấn Độ, sau đó shisha trở nên phổ biến tại Trung Đông và dần dần được biết đến ngày càng nhiều ở Bắc Mỹ, châu Âu, Úc và Brasil.

Shisha du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm nay, trở thành trào lưu "hot" của những cậu ấm, cô chiêu thừa tiền, rửng mỡ. Trước đây, shisha chủ yếu được sử dụng trong các vũ trường, quán bar, karaoke..., nhưng nay xuất hiện tràn lan tại nhiều quán trà chanh, quán bia, thậm chí cả quán nước vỉa hè.

Vừa ghé vào một quán nhậu bình dân trên đường Nguyễn Văn Lượng (Q.Gò Vấp), nhóm bạn trẻ cả nam lẫn nữ khoảng chục người liền đặt một bình shisha ra bàn. Họ nhanh chóng bỏ thuốc lá vào chén, phủ miếng giấy bạc lên trên bình shisha, gắp than bỏ vào đốt.

Để làm tăng độ "phê” trong lúc thưởng thức, họ cắt vài miếng trái cây, lá bạc hà và viên đá lạnh, cho vào bình shisha. Sau khi có khói trong bình, họ bắt đầu cầm vòi hút rất khí thế. Từng cột khói dài ngoằng phả ra từ miệng, mũi các cậu ấm, cô chiêu, làm không gian quán nhậu trở nên mờ mờ, ảo ảo. Để giải cơn thèm shisha, lâu lâu lại có một vài khách từ các bàn xung quanh đến xin... hút ké.

Sau khi trở thành nơi tập trung dân ăn nhậu, đường Phạm Văn Đồng qua các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp cũng trở thành địa điểm tụ tập của dân ghiền shisha. Từ chập choạng tối, ghé một số quán trên tuyến đường này, không khó để thấy cảnh hàng trăm bạn trẻ quây quần bên bàn đèn shisha cùng làn khói trắng.

Lúc ghé quán T., chúng tôi suýt ngộp thở vì khói thuốc lá thường, thuốc lá điện tử lẫn shisha phả ra ngùn ngụt. Quán này được trang trí bằng ánh sáng mờ ảo, tiếng nhạc xập xình mang phong cách của những quán bar, vũ trường, càng làm tăng sự phấn khích cho dân ăn nhậu, hút shisha.

Trong khuôn viên nhỏ hẹp của quán, nhiều nhóm khách xôm tụ xung quanh các bàn đèn hút shisha, cười nói rôm rả. Từng làn khói trắng đặc quánh phả vào không khí, làm không ít người khác cũng đờ đẫn nếu vô tình hít phải. Ngoài các cậu ấm, một số cô chiêu cũng không ngần ngại cầm vòi shisha rít khí thế. Có người ôm ngực, ho sặc sụa, mắt lim dim, mặt tái bợt.

Đường Phạm Văn Đồng (TPHCM) đang trở thành nơi tụ tập của các thanh niên ghiền shisha

Sau khi gọi xong đồ uống, một nam nhân viên của quán liền tiếp thị các loại shisha, từ shisha điện tử đến shisha truyền thống, loại nào cũng có. Tùy theo sở thích của mình, khách có thể chọn shisha với các hương vị khác nhau, như: cam, nho, táo, bạc hà, sô cô la, cà phê... Nam nhân viên đang huyên thuyên quảng cáo hương vị của các loại shisha thì một đôi nam nữ còn khá trẻ, mới ngồi ở bàn bên cạnh, ngoắc sang gọi một bình shisha hương vị táo pha bạc hà, bia và đồ nhắm.

Nhân viên của quán nhanh chóng lấy ra bộ bàn đèn thủy tinh cao khoảng 4 tấc, vòi dài hơn một mét. Anh nhân viên vừa mồi shisha xong, đôi nam nữ liền ngậm miệng vòi, lấy sức rít thật mạnh từ bình shisha đang nóng hổi, rồi phà vào không trung. Kéo xong đợt thứ nhất, đôi nam nữ tiếp tục bặp môi kéo các hơi tiếp theo. "Bắn" được hơn chục "bi", họ bắt đầu gà gà, lâng lâng như "phê” thuốc phiện.

Sau lưng đôi nam nữ trên, gần chục thanh niên khác mặt "búng ra sữa" cũng thi nhau chuyền vòi shisha hút lấy hút để. Sau khi lấy sức kéo một hơi thật dài, một cô gái trong nhóm thanh niên này liền ém đụn khói shisha vào lồng ngực, rồi ngửa cổ dồn đám khói shisha ra hai lỗ mũi. Chốc chốc, cô gái này mở miệng ngáp ngáp, làm cột khói shisha bay ra tạo thành những hình thù quái lạ. Đôi lúc bị sặc khói, cô gái lại ôm ngực, ho sặc sụa, chảy nước mắt lẫn nước mũi. Anh Bình (cũng ghiền shisha) ghé tai tôi lẩm bẩm: "Hàng Trung Quốc hoặc người ta độn thêm cỏ mới "sốc" vậy, chứ hàng truyền thống thì êm và nhẹ hơn".

Tiếp tục ghé một quán bia khác nằm gần ngã tư Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi cách đốt shisha rất nảy lửa. Vừa bước vào quán, chúng tôi bị "tra tấn" ngay bởi tiếng nhạc chát chúa phát ra từ cặp loa "khủng", tiếng cười nói hô hố cùng đủ loại khói thuốc lá, khói shisha tỏa ra nghi ngút. Trên nền vỉa hè trước quán, từng nhóm bạn trẻ vây lấy bàn đèn, miệng ngậm vòi, rít liên tục, khói bay mù mịt.

Một nhóm thanh niên tại quán này khoét rỗng ruột một trái thơm thay cho chén đất shisha truyền thống, sau đó bỏ thuốc vào để hút. Không rõ họ có trộn thứ gì vào thuốc không, nhưng nhóm thanh niên tỏ ra rất phấn khích với bình shisha "độ”, bởi chỉ cần rít vài hơi là có người đã lâng lâng. Sau mỗi lần "phê”, có người lắc lư, uốn éo theo nhịp đập liên hồi của tiếng nhạc xập xình như những con thiêu thân. Càng về khuya, các quán bia, quán nhậu kiêm shisha tại đây chật cứng người.

HIỂM HỌA KHÔN LƯỜNG

Được xem là nơi tập trung đông dân nghiện shisha nhất TPHCM, khu "phố Tây" ở Q1 có hàng chục nhà hàng, quán bar, quán nhậu lớn, nhỏ bán shisha. Khoảng 8 giờ tối, "phố Tây" bắt đầu nóng hừng hực bởi lượng khách gồm cả người Việt lẫn người nước ngoài đổ về, mỗi lúc một đông.

Tiếng nhạc dập ầm ầm, kèm theo tiếng hát hò của khách tạo nên không khí vui nhộn ngất trời. Trên những bộ bàn ghế của các quán sá, bên cạnh các chai bia, chai rượu là những bộ dụng cụ hút shisha, với nhiều kiểu dáng kỳ lạ, chỉ chờ khách vào vít cần "nuốt" khói.

Shisha, "bóng cười" được giới trẻ sử dụng ở "phố Tây" (Q1)

Chúng tôi ghé một quán bar nơi có gần chục bàn shisha đang được các bạn trẻ "đốt" tự bao giờ. Tôi lân la tới bàn shisha có 3 cặp nam nữ còn trẻ để bắt chuyện. Một thanh niên trong nhóm tên Duy Hải cho biết, nhóm bạn của anh là sinh viên của nhiều trường đại học tại TPHCM. Quen nhau qua mạng, họ phát hiện ra sở thích hút "cỏ Ả Rập", nên lâu lâu cả nhóm lại ra "phố Tây" vít cần, xả stress.

Xung quanh quán, chúng tôi nhận thấy "tín đồ” của loại hình giải trí "đốt phổi" này có đủ thành phần. Từ người trong nước đến người nước ngoài, từ những gã choai choai tóc nhuộm xanh - đỏ, những cô gái mặc đồ "thiếu vải" cho đến những người lớn tuổi tóc ngả muối tiêu, thậm chí có cả phụ nữ mang bầu cũng đến thưởng thức khói shisha, bất chấp những tác hại mà khói shisha mang lại.

Là cô chiêu con của một đại gia bất động sản ở Q2, nữ sinh viên Thanh H. ăn chơi có tiếng cho biết, tuần nào cô cũng cùng nhóm bạn đến "phố Tây" đốt shisha và hít "bóng cười". "Ngày nào không làm vài khói thì trong người thấy bứt rứt, nhớ "em" nó lắm!" - H. kể.

Theo H., để shisha thêm đậm đặc, có độ "phê” cao, dân chơi thường độn thêm sữa, rượu hoặc "hàng trắng". Khi lên giảng đường học, Hương thường kè kè theo bình shisha điện tử, lúc nào "vã thuốc" thì mang ra kéo vài hơi. Cũng vì cuốn theo làn khói shisha mà cô nàng bị "đúp" lại một năm đại học vì nợ tín chỉ, nợ môn học.

Theo anh Bình, nhiều loại shisha hiện nay không còn nguyên bản thuốc lào Ả Rập, mà bị biến tướng phức tạp. Trên thị trường hiện nay xuất hiện các mặt hàng thuốc shisha trôi nổi, chủ yếu là hàng Trung Quốc.

Khi hút những mặt hàng không rõ nguồn gốc này, người sử dụng dễ bị đau đầu, buồn nôn, lãng trí, nếu dùng nhiều có thể dẫn tới tử vong. Ngoài ra, đối tượng hít shisha đa phần là các bạn trẻ, việc nhận thức những tác hại từ shisha rất mập mờ, chưa kể dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ vào tệ nạn xã hội.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Ung thư Hoa Kỳ, shisha và thuốc lá điện tử có tác hại đối với sức khỏe con người không khác gì thuốc lá truyền thống. Trong lượt hút shisha kéo dài một tiếng, mỗi người có thể hít nhiều gấp 100 - 200 lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotine so với hút một điếu thuốc lá.

Nếu lạm dụng quá liều và phối trộn các hương liệu có hàm lượng nicotine cao thì rất dễ gây nghiện. Loại thuốc này là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư, hô hấp, trong đó có ung thư phổi, vòm họng, thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não... và nhiều hiểm họa khác về sức khỏe.

Bình luận (0)

Lên đầu trang