MÙ QUÁNG THEO TÀ ĐẠO
So với các bạn cùng trang lứa trong làng, Kưnh là thanh niên lanh lợi, khoẻ mạnh. Khi vừa nghỉ học và lập gia đình, các đối tượng FULRO đã tìm cách liên hệ với Kưnh để xúi giục từ bỏ đạo truyền thống, đi theo tà đạo.
Cũng giống như nhiều người dân khác ở làng Ket Krot, trước những lời hứa hẹn đường mật, Kưnh nghe theo một cách mù quáng. Sau thời gian đi theo, các đối tượng bắt Kưnh bỏ lao động sản xuất, bỏ gia đình, bỏ buôn làng, trốn lên rừng tụ tập hoạt động cầu nguyện.
Vào một đêm mưa gió năm 2012, Kưnh và 2 người cùng làng là Lũp (SN 1972), Jưr (SN 1964) âm thầm khăn gói rời làng. Lúc đi, đứa con đầu lòng của Kưnh chưa đầy 1 tuổi. Cả 3 người ra đi mà không một lời từ biệt vợ con. Kưnh được phong là cầm đầu nên dẫn Lũp và Jưr cứ hướng dãy núi Jơ Mông mà đi.
Dù đã gần 9 năm nhưng những ký ức ngày đó Kưnh vẫn nhớ như in. "Đi đến bìa rừng là rạng sáng. Sợ bị bắt nên chúng tôi không dám dừng chân mà cắm đầu hướng về đỉnh núi. Đi trong rừng đến lúc không nhìn thấy mặt trời, chúng tôi mới dừng chân nghỉ và ăn uống. Đêm đó, chúng tôi mắc võng ngủ lấy lại sức để mai đi tiếp. Phải mất rất nhiều ngày trong rừng, chúng tôi mới tìm được chỗ để ở tạm".
Công an thăm hỏi Kưnh, Lũp, Jưr
Để có thể tồn tại lâu dài trong rừng, Kưnh cùng 2 thuộc cấp thích nghi khá nhanh. Người được phân công tìm rau rừng, người đi bắt ếch nhái, chuột, cá, đặt bẫy thú. Để không bị phát hiện, 3 đối tượng thường tránh xa các khu vực con suối, trừ khi đi lấy nước. Cả ba cũng thay đổi chỗ ở liên tục. Những năm đầu, không nơi nào các đối tượng ở quá 3 tháng.
Ngày nào cũng như ngày nào, sáng dậy, Kưnh, Lũp và Jưr đọc kinh. Sau đó cả ngày, 3 người lại loay hoay trong rừng tìm cái ăn, đến tối lại đọc kinh. Ngủ thì nơi mắc võng, nơi chặt cành cây làm giường. Đêm đến, 3 người thay nhau đỏ lửa cả đêm để xua đuổi thú dữ.
"Ở lâu trên rừng, nhiều thứ thiếu thốn nên bất chấp nguy hiểm, tôi đánh liều quay về rẫy của mình cạnh bìa rừng để tìm vợ tiếp tế. Tôi nấp trong bụi rậm, chờ vợ đi lên rẫy để gặp. Lần gặp đầu tiên, tôi bắt vợ tiếp tế cho gạo, mấy cục pin con thỏ và mắm muối. Khi vợ chuẩn bị đầy đủ thì treo đồ lên một cành cây. Thấy an toàn, tôi mới xuống lấy", Kưnh cho biết.
Để cho các đối tượng trong tổ chức liên hệ, Kưnh dùng pin con thỏ chế thành nguồn điện xạc điện thoại. Sau đó, đối tượng tìm trong rừng những nơi nào có sóng để đến đó nghe điện thoại. Điện thoại chỉ duy nhất liên hệ với các đối tượng theo tà đạo, không gọi cho vợ con hay anh em.
Ngoài ra, quá trình hoạt động trên rừng, 3 đối tượng này tiếp tục móc nối, lôi kéo một số cơ sở trong làng Ket Krot tiếp tục lén lút nhóm họp tà đạo trái pháp luật, tiếp tế, nuôi giấu số kẻ lẩn trốn; đồng thời liên lạc, nhận sự chỉ đạo của các đối tượng theo "tà đạo Hà Mòn" ở Kon Tum để tiếp tục hoạt động.
Hang đá - nơi 3 đối tượng lẩn trốn
Ròng rã 9 năm trời sống trong rừng, Kưnh và 2 thuộc cấp đã nhiều lần đối mặt với những trận ốm tưởng chừng không qua khỏi. "Sốt rét thì ai cũng mắc liên tục. Người nào cũng gặp những trận ốm nằm liệt cả tuần. Không có thuốc men, người ở cạnh chỉ nấu canh rau rừng và thịt chuột cho ăn tạm, nhưng may mắn đều qua khỏi", ông Lũp nghẹn ngào.
Nghe Lũp nói, ông Jưr ngồi bên hai hàng nước mắt cứ rơi: "Từ khi lên rừng, không có ngày nào là không nhớ vợ, nhớ con, nhớ làng. Không nói ra nhưng ai cũng nhận thấy mình đã chọn sai con đường. Tuy nhiên, quay đầu lại thì không ai dám, vì về sợ bị xa lánh, sợ bị bắt. Nhiều đêm tôi nằm nghĩ, chắc mình sẽ chết già ở trên rừng này".
Tiếp lời, Kưnh cho biết gần 9 năm sống trong rừng, các đối tượng không gặp được một bóng người. Cho đến ngày bị bắt, khi áp giải xuống núi, được ăn cơm, được uống nước ngọt mà không nhớ ra vị gì nữa. Khi về làng, nhiều người không nhận ra mình. Và mình cũng không nhận ra làng Ket Krot, trong 9 năm ấy làng đã thay đổi quá nhiều.
NIỀM VUI BẤT NGỜ
Khoảng 3 giờ sáng 19-3, tổ công tác gồm 7 cán bộ của Bộ Công an, Phòng An ninh Đối nội (Công an Gia Lai), Công an huyện Mang Yang bất ngờ ập vào hang đá nơi Kưnh, Lũp, Jưr đang lẩn trốn.
Đại úy Hoàng Thái Sơn, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Mang Yang (Tổ trưởng tổ công tác) cho biết, tổ công tác 20 giờ tối xuất phát. Để tránh bị phát hiện, không ai được dùng đèn pin mà mò mẫm bám theo nhau đi trong rừng. Đến 3 giờ sáng, sau khi vượt qua nhiều đồi dốc, vực thẳm, tổ công tác tiếp cận được nơi nghi các đối tượng lẩn trốn. Nguyên cả ngày đó, tổ công tác khảo sát địa hình, quan sát động tĩnh của các đối tượng.
Kưnh phụ giúp vợ con việc nương rẫy
"Vì sợ động, anh em trong tổ công tác nhịn đói nguyên ngày. Cả tổ lên phương án chờ các đối tượng ngủ say sẽ ập vào bắt. Còn bắt vào ban ngày, xung quanh hang đá các đối tượng ẩn nấp là vực thẳm nên sẽ khó khăn. Đến 1 giờ 30 phút, tổ công tác chia 2 cánh bao vây hang đá.
Tuy nhiên, gần đến hang đá, gặp tình huống bất ngờ, Lũp đi soi ếch về rọi đèn pin xung quanh. Rất may tổ công tác đã kịp thời ẩn mình trong bụi rậm. Và 2 giờ sau, khi tổ công tác ập vào hang đá, 3 đối tượng đã không kịp phản ứng", đại úy Sơn nhớ lại.
Với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, Kưnh, Lũp, Jưr đã không bị truy tố. Mới đây, Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với các cơ quan chức năng đưa đối tượng ra kiểm điểm, giáo dục trước nhân dân. Sau đó, Công an Gia Lai đã bàn giao các đối tượng cho cấp ủy chính quyền địa phương, hệ thống chính trị và gia đình để quản lý tại cộng đồng.