Khi con kênh "kêu cứu":

Kỳ 1: Ai "chôn sống" những dòng kênh?

Thứ Hai, 06/07/2020 12:01

|

(CATP) Dù được xem là nguồn tài nguyên đặc biệt của thành phố, đóng vai trò quan trọng trong tiêu thoát nước, chống ngập, nhưng mạng lưới hơn 1.000km sông, rạch tại TPHCM luôn phải đối mặt với nhiều đe dọa, như: tình trạng lấn kênh, lấp rạch trái phép vẫn diễn ra, rác thải sinh hoạt tràn lan...

ĐỨT "MẠCH MÁU" TIÊU THOÁT NƯỚC

Theo thống kê, hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 70 khu vực xảy ra tình trạng sông, rạch dùng để giao thông đường thủy bị lấn chiếm; 39 tuyến kênh, rạch có chức năng thoát nước cũng đang đối mặt với nạn lấn chiếm nghiêm trọng. Ngoài ra, 400 điểm, đoạn sông, kênh, rạch khác bị san lấp trái phép. Tuy nhiên, con số sông, kênh, rạch bị lấn chiếm, san lấp lậu thực tế còn cao hơn nhiều.

Tổng chiều dài kênh rạch (chưa tính sông) tại TPHCM là hơn 900km, chiếm 16,8% diện tích toàn thành phố. Những kênh, rạch vốn nổi tiếng từ hàng trăm năm trước, nay đã và đang bị "bức tử" có thể kể đến, như: các rạch Ruột Ngựa, Bà Đen, Văn Thánh...

Một bãi xà bần, rác đổ lấp hàng ngàn mét đất ao hồ, lấp luôn con rạch cạnh bên ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2

Trước kia, rạch Bà Đen nằm ở khu vực P4 (Q8), nơi nổi tiếng với địa danh Đồng Diều. Tuy nhiên, rạch này hiện nay chỉ còn là hoài niệm trong trí nhớ của nhiều người địa phương, vì hầu hết diện tích đều đã bị lấn chiếm. Rạch Bà Đen vốn là một nhánh thoát nước sinh hoạt, tưới tiêu chảy ra kênh Xáng và rạch Ông Lớn.

Trưa 12-6-2020, chúng tôi có mặt tại nơi trước kia là rạch Bà Đen. Tại đây, nhiều nhà xưởng, kho hàng và nhà dân kiên cố đã chiếm diện tích rạch. Hậu quả là mỗi khi mưa lớn hay triều cường cao, đường Cao Lỗ ngập lênh láng, dù những năm gần đây, khu vực này có nhiều dự án chung cư cao tầng ồ ạt được xây dựng, đường được trải nhựa, hệ thống thoát nước được nâng cấp... Do không còn rạch Bà Đen giúp tiêu thoát nước, khu vực đường Cao Lỗ vẫn chưa biết khi nào mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng ngập tồn đọng.

Chủ bãi xe container vừa san lấp thêm 10.000m2 để mở rộng bãi

Tương tự, rạch Xáng đoạn chảy từ kênh Đôi vào, nằm song song với đường Phạm Thế Hiển (Q8) cũng bị lấn chiếm nặng nề. Trước đây, rạch Xáng tuy nhỏ, nhưng đầy sức sống. Một nhánh len lỏi trong khu dân cư đến tận đường Đỗ Ngọc Quang - Huỳnh Thị Phụng, nhánh còn lại hòa cùng rạch Bén đổ ra rạch Ông Lớn. Nhánh dẫn vào khu dân cư đến nay đã gần như bị "bức tử" hoàn toàn, khi tình trạng cắm cọc, cơi nới nhà, đổ rác, xú uế trực tiếp, khiến con rạch "mất tích" khỏi thực tế.

Rạch Ruột Ngựa cũng có một đoạn gần như bị xóa xổ, do nạn lấn chiếm nghiêm trong trong quá trình đô thị hóa. Người dân sống ven rạch này mặc sức cắm cọc, cơi nới... Len lỏi qua ba quận 8, 6 và Bình Tân, rạch Ruột Ngựa từng là tuyến đường thủy di chuyển chính của người dân nơi đây. Rạch này còn là một "mạch máu" nhỏ trong hàng trăm kênh, rạch chằng chịt có nhiệm vụ tiêu thoát nước của thành phố. Sau khi tình trạng lấn chiếm rầm rộ, rạch Ruột Ngựa đứt hẳn dòng chảy ra gần kênh Đôi, chỉ còn một đầu nối với kênh Lò Gốm, đoạn song song với Đại lộ Võ Văn Kiệt. Nhiều gia đình sinh sống ven rạch Ruột Ngựa từ đó phải bỏ nghề vận chuyển hàng hóa, do rạch quá cạn vì rác thải, không còn di chuyển được nữa.

Một số đoạn rạch, nhánh kênh khác cũng đã và đang bị "bức tử", như: các rạch Bà Láng (Q.Bình Thạnh), Ba Tuy (Q.Gò Vấp), Tam Đệ, Cây Me (Q7), Ông Lớn, kênh Đôi (Q8)...

Chủ bãi xe container vừa san lấp thêm 10.000m2 để mở rộng bãi

SAN PHẲNG RẠCH LÀM BÃI GIỮ XE CONTAINER

Quanh khu vực P.Thạnh Mỹ Lợi (Q2), dễ dàng bắt gặp nhiều bãi xà bần đổ trái phép, nhiều bãi rác tự phát chứa đầy rác thải sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, tại một bãi đất trống cuối đường Nguyễn Khoa Đăng đang tồn tại rất nhiều rác thải xây dựng, chất thành từng đống. Qua tìm hiểu, phóng viên xác định nơi đây từng là một nhánh của rạch Kỳ Hà, hiện đã bị lấp gần như hoàn toàn.

Ngoài ra, tại bãi đất trên ngang nhiên tồn tại một công ty kinh doanh vận tải là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Hiếu Thành. Sau nhiều ngày quan sát, phóng viên ghi nhận các xe tải của Công ty Hiếu Thành nhiều lần thực hiện hành vi đổ rác thải xây dựng trái phép tại khu vực này, góp phần lớn vào việc san phẳng con rạch "xấu số". Mỗi ngày trôi qua, khu đất này lại càng được mở rộng, rác và xà bần cứ thế chực chờ lao xuống dòng nước bên dưới, khiến con rạch ngày càng "chết ngộp".

Không còn dấu vết của rạch Bà Đen tại khu vực Đồng Diều (P4, Q8)

Theo ông T. (sinh sống tại khu vực trên), nhóm đối tượng đổ trái phép rác thải xây dựng san lấp kênh rạch đã thuê mặt bằng tại đây từ khoảng một năm nay, dựng căn nhà tạm mà nay là trụ sở Công ty Hiếu Thành. Dù trước đây, người dân có thói quen xấu là đem rác ra rạch này để vứt, nhưng việc đổ lượng lớn xà bần chở bằng xe tải, ngày này qua ngày khác, khiến con rạch đến nay gần như "chết" hẳn. Ông T. cho biết, công ty đổ rác xây dựng trái phép chủ yếu vào đêm khuya những ngày cuối tuần.

Tình trạng "bức tử" kênh, rạch bằng rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng đã diễn ra rầm rộ tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố nhiều năm nay, trở thành công cụ thu lợi "khủng" của một số đối tượng. Tuyến rạch từ sông Rạch Chiếc chảy đến đường Võ Chí Công (P.Phú Hữu, Q9) đã không còn, sau nhiều đợt "bức tử" bằng rác của những chủ bãi đậu xe container.

Đi dọc tuyến đường Võ Chí Công, dễ dàng thấy nhiều bãi đỗ xe container dọc hai bên đường với quy mô lớn hoặc rất lớn. Bãi đỗ nào cũng trên dưới 300 xe container. Nhiều xe còn đậu ngay trên đường khiến người dân phải lái xe, đặc biệt là xe máy lưu thông cùng xe container cực kỳ nguy hiểm. Chúng tôi trao đổi với anh H (tài xế có xe đỗ tại một bãi xe trên đường Võ Chí Công). Anh nói: "Tôi mới đậu xe ở đây được 2 năm rưỡi. Hồi trước, khu này cũng ít bãi xe lắm, toàn là đất ruộng, hồ nước rồi kênh, rạch. Đâu chừng 3, 4 năm nay là bãi xe container "mọc" đầy hai bên đường, ruộng hay kênh, rạch mất sạch. Được cái là đậu xe ở đường này thì tiện cho tôi lấy hàng và đi lại".

Công ty Hiếu Thành ngang nhiên đổ rác thải xây dựng, xà bần "bức tử" một nhánh rạch Kỳ Hà

Chúng tôi bắt chuyện với một chủ bãi trên đường Võ Chí Công, hỏi thuê chỗ đỗ xe container. Ông H. (chủ bãi đỗ xe P.S) cho biết, giá đỗ mỗi xe container là 2,4 triệu đồng/tháng, còn muốn thuê đất thì dao động từ 23.000 - 25.000 đồng/m2. Do có vị trí thuận lợi, xe container khi xuất bãi hay trở về đều thuận tiện, dễ dàng quay xe, nên giá thuê tại đây đắt hơn so với những bãi xe xung quanh.

Khi được hỏi về diện tích bãi xe container, ông H. cho biết cũng không nhớ rõ, chỉ nhớ là có thể đậu được đến 1.000 xe container. Phóng viên tỏ vẻ bất ngờ với diện tích "khủng" của bãi đỗ, ông H. giải thích: Trước đây, diện tích chỉ chứa khoảng vài trăm chiếc. Do nhu cầu người thuê đất ngày càng tăng nên ông nhiều lần san lấp con rạch đằng sau bãi đỗ, tăng diện tích đất để đáp ứng nhu cầu của người thuê. Nhiều người sau khi thuê đất, ngỏ ý muốn mở rộng diện tích, tự san lấp khu vực con rạch lân cận, đều được ông đồng ý. "Nó mướn đất rồi tự san lấp luôn, tự nhiên đất của mình rộng hơn, tội gì mà không chịu?", chủ bãi xe P.S hào hứng nói.

Theo ông H., bãi xe của ông chỉ xếp vào hàng bình thường, thậm chí là nhỏ, vì khu vực xung quanh, trên đường Võ Chí Công hầu hết bãi nào cũng san lấp trái phép, có bãi đậu được cả 2.000 xe container là bình thường. Không cần lo lắng về vấn đề đất san lấp, người thuê chỉ việc đậu xe thôi, còn những chuyện xử phạt, thu hồi đất san lấp trái phép thì cứ để ông H. lo (!).

Nhận thấy nhiều khu đất có hiện tượng lún, người thuê tỏ vẻ lo ngại thì được ông H. trấn an, bảo do đất san lấp sông nên hơi lún là bình thường. Đất này san lấp được 7 năm rồi, nên mới hơi lún như vậy. Ông H. chỉ về phía cuối bãi xe, cho biết 4 tháng trước, ông cũng vừa san lấp thêm 10.000m2 để đáp ứng nhu cầu của người thuê. Nếu sợ thì có thể đợi khu san lấp mới hoàn thiện rồi đỗ xe ở khu vực này.

Tại nhiều nhánh khác của rạch Kỳ Hà cũng xảy ra hiện san lấp trái phép như vậy. Các tuyến rạch đó sau nhiều năm bị "bức tử", chỉ còn là những vũng nước tù đọng nhỏ.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang