(CAO) Nhu cầu nguồn vốn ngân sách để di dời nhà trên và ven kênh rạch tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020 khoảng 25.748 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách thành phố chỉ cân đối được khoảng 2.508 tỷ đồng, còn lại khoảng 23.240 tỷ đồng cần huy động thêm từ nguồn xã hội hóa.
Đây là thông tin được nêu lên tại hội nghị “Mời gọi đầu tư thực hiện các dư án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị của TP.HCM", do UBND TP.HCM tổ chức vào sáng nay 1-2.
Đến dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó chủ tịch UBND TP.HCM; cùng đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và đại diện sở ngành, các nhà khoa học, nhà đầu tư….
Bí thư Thành ủy trao đổi cùng các nhà đầu tư - Ảnh: Thiên Long
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thời gian qua thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc chỉnh trang đô thị, thực hiện di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven kênh rạch đồng bộ với việc nâng cấp cải tạo các khu dân cư hiện hữu dọc hai bên bờ kênh.
Kết quả, thành phố đã bồi thường, di dời được khoảng 36.000 căn nhà trên và ven kênh, với các dự án điển hình như dự án vệ sinh môi trường nước lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - kênh Đôi - kênh Tẻ; dự án nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm..., góp phần rất lớn vào việc cải tạo môi trường, chỉnh trang mỹ quan đô thị, cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp.
Đại diện ngân hàng Thế giới trao đổi cùng lãnh đạo TP.HCM về vấn đề nhà trên kênh rạch - Ảnh: Thiên Long
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố hiện nay còn khoảng hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch cần phải tiếp tục di dời trong thời gian tới nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập nước, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân, chất lượng sống đô thị, góp phần xây dựng TP.HCM xứng đáng là thành phố “văn minh - hiện đại — nghĩa tình”.
Ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay nhu cầu đầu tư chung cho phát triển TP trong giai đoạn 2016 - 2020 là 1,8 triệu tỷ đồng; dành riêng cho phát triển cơ sở hạ tầng là 0,81 triệu tỷ đồng. Trong đó, chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị là 1 trong 7 chương trình đột phá, trọng điểm của TP gồm các mục tiêu di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp; chỉnh trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu...
TP.HCM hiện còn khoảng hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch cần di dời
“Nhu cầu nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu này khoảng 25.748 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách thành phố chỉ đối được khoảng 2.508 tỷ đồng, còn lại khoảng 23.240 tỷ đồng cần huy động thêm từ nguồn xã hội hóa”, ông Sử Ngọc Anh cho biết.
Ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm, để triển khai thực hiện di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên, ven kênh rạch, TP đã phân loại các dự án thành 3 nhóm. Nhóm dự án chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách gồm 52 dự án, quy mô di dời 14.403 căn, dự kiến kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 22.381,7 tỷ đồng.
Phó chủ tịch UNND TP Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Thiên Long
Nhóm dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị gồm 3 tuyến kênh rạch, quy mô di dời 1.801 căn, dự kiến tổng kinh phí bồi thường khoảng 2.702 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Nhóm dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công - tư PPP gồm 6 dự án, quy mô di dời 6.223 căn, dự kiến kinh phí bồi thường khoảng 19.023,7 tỷ đồng.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định quyết tâm của TP sẽ tìm mọi giải pháp để giải quyết vấn đề nhà trên kênh rạch nhằm đem lại bộ mặt mới cho đô thị, giải quyết vấn đề ngập nước, kẹt xe và để người dân có điều kiện sống tốt hơn. Đồng thời, Bí thư Thành ủy cũng lưu ý các cơ quan liên quan trong việc cải tạo chỉnh trang đô thị trên kênh rạch cần phải học tập kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc..., để tiếp cận được tư duy, phương pháp của họ nhằm có quy hoạch bài bản, lâu dài và hiệu quả.