(CAO) Nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2018), 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và đón Xuân Mậu Tuất 2018, trong 2 ngày 30 và 31/1/2018, tại TP.HCM, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thắp hương tưởng nhớ các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thắp hương tưởng nhớ Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công; Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí; Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, GS.TS Nguyễn Thiện Thành, tại nhà riêng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thắp hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự trân trọng và tri ân công lao to lớn của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, những đóng góp quan trọng của các đồng chí lãnh đạo, nhân sỹ trí thức TP.HCM, đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đưa đất nước ta vượt qua những giai đoạn khó khăn, gian khổ, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập và từng bước phát triển đi lên, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, khẳng định vai trò, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Các đồng chí là những tấm gương tiêu biểu để cán bộ, đảng viên, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Tổng Bí thư mong muốn thân nhân gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM tiếp tục phát huy truyền thống gia đình, quê hương, không ngừng nỗ lực phấn đấu trong học tập, công tác, mẫu mực trong cuộc sống, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước. Xuân Mậu Tuất sắp đến, Tổng Bí thư chúc gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM, một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Há (88 tuổi, ngụ phường 5, quận Bình Thạnh), có chồng và con gái là liệt sỹ, hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tiếp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, tặng quà gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai; thăm di tích lịch sử quốc gia: Hầm chứa vũ khí Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc lập Tết Mậu Thân năm 1968, tại số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3.
Anh hùng Trần Văn Lai, tự Năm Lai, tên thật là Mai Hồng Quế, sinh năm 1920, trong một gia đình nghèo ở huyện Kiến Xương, Thái Bình. Do nhu cầu chiến lược cần phát động phong trào vũ trang đánh địch ngay trong lòng địch, ông được chuyển đến Đơn vị 159 Biệt động thuộc Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.
Ông đã nghi trang, thâm nhập vào các cơ quan đầu não của địch, tạo vỏ bọc vững chắc là nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, làm nhiệm vụ trinh sát các mục tiêu, thường xuyên báo cáo về Quân khu các các tin tức, tài liệu, tình hình của địch, tạo điều kiện cho cán bộ của ta trú ém và hoạt động an toàn tại nội thành Sài Gòn. Ông đã xây dựng được trên 20 cơ sở cất giấu vũ khí, cán bộ hoạt động bí mật.
Hầm chứa vũ khí Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc lập Tết Mậu Thân năm 1968 tại đường Nguyễn Đình Chiểu là một trong những cơ sở tiêu biểu nhất mà ông xây dựng được. Tại đây, nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật được trưng bày, làm sống lại không khí cách mạng sục sôi trong trận đánh Dinh Độc Lập rạng sáng 31/1/1968, các hoạt động của Biệt động Phân khu 6 và đơn vị bảo đảm chiến đấu, quá trình xây dựng căn hầm bí mật và tiếp nhận vũ khí tại địa chỉ 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu…
Tổng Bí thư ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống và kính chúc Mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Há, gia đình Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.
Tổng Bí thư căn dặn các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở địa phương luôn quan tâm chăm lo, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với các gia đình có công với cách mạng; đồng thời giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp nối, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của cha ông, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn như mong ước của Bác Hồ kính yêu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hầm chứa vũ khí Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc lập Tết Mậu Thân năm 1968