"Cát tặc" - nỗi ám ảnh triền miên ở ĐBSCL:

Bài cuối: Hãy cứu lấy những dòng sông!

Chủ Nhật, 21/06/2020 09:38

|

(CATP) Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức ra quân, truy quét, xử lý hàng loạt "cát tặc", thậm chí có vụ mức phạt và hình thức xử lý bổ sung lên đến cả tỷ đồng. Thế nhưng ở những nơi lực lượng chức năng mỏng, diện tích mặt sông lớn, địa bàn phức tạp, các đối tượng vẫn lén lút khai thác cát sông trái phép để đem bán, thu lợi nhuận "khủng". Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải tuyên chiến với "cát tặc" để triệt hẳn mối nguy sạt lở ở ĐBSCL.

Hút cạn cát, sạt lở càng kinh hoàng

Theo nghiên cứu của Đại học Quốc gia TPHCM vào năm 2017, lưu lượng bùn, cát đo được tại 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) ở biên giới Việt Nam - Campuchia sụt giảm từ 66,5 triệu tấn/năm (năm 2008) xuống còn 44,1 triệu tấn/năm (năm 2017), tức chỉ còn hơn 66% so với năm 2008. Từ năm 2010 - 2018, khi các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong tăng thể tích hồ chứa, lượng phù sa đổ về các địa phương đầu nguồn như Tân Châu và Châu Đốc cũng giảm mạnh.

Trong khi đó, tình trạng khai thác cát quá mức, vô tội vạ trên sông Tiền, sông Hậu chảy qua nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL, là nguyên nhân chính dẫn tới hậu quả làm cho bờ sông sụt lún, gây sạt lở nghiêm trọng diễn ra ở nhiều nơi, với tốc độ gia tăng nhanh. Điều này từng được các chuyên gia cảnh báo. Cụ thể, lớp cát đáy sông như phần xương sống của cơ thể. Cát là yếu tố quan trọng thiết kế địa hình đáy sông, điều tiết dòng chảy, bao gồm vận tốc và độ xoáy dòng chảy. Nếu không có lớp cát này, hai bên bờ sông sẽ xảy ra sạt lở khủng khiếp.

Theo nghiên cứu của giáo sư Bravard (Đại học Lyon, Pháp) và tiến sĩ Goichot, từ năm 1998 - 2008, sông Tiền mất khoảng 90 triệu tấn vật liệu đáy sông, còn sông Hậu mất khoảng 110 triệu tấn. Giai đoạn 2008 - 2012, tốc độ khai thác tăng vọt lên 57 triệu tấn/năm, gấp 20 lần lượng cát vận chuyển hằng năm của sông Mekong (tính tại Kratie, Campuchia). Việc khai thác cát quá mức đã tạo ra những hố sâu đến 15m trên sông thuộc địa phận Campuchia. Còn ở phía Việt Nam cũng ghi nhận nhiều hố sâu hàng chục mét, có nơi sâu đến 45m tính từ đáy sông tự nhiên.

Những khu vực bị sạt lở nghiêm trọng ở miền Tây

Trong lúc lượng cát đổ về ĐBSCL ngày càng giảm, tình trạng khai thác cát quá mức trên sông Tiền, sông Hậu làm gia tăng nhanh chóng các điểm sạt lở. Năm 2012 có 177 điểm sạt lở, đến năm 2018 có đến 681 điểm sạt lở. Tình trạng sạt lở xảy ra ở toàn bộ các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, nhất là tại các tỉnh, thành: An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ. Đáng lưu ý, tình trạng sạt lở không chỉ diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả trong mùa khô, từ các tuyến sông chính cho đến hệ thống kênh, rạch, với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm hơn.

Nhiều địa phương đã công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở. Long An công bố tình trạng khẩn cấp khu vực sạt lở bờ sông Cần Giuộc, với chiều dài 2,4km. Tại Cà Mau, tại hơn 37km cửa biển và bờ biển. Mới đây, tỉnh An Giang đã công bố tình trạng khẩn cấp sau khi xảy ra sạt lở nghiêm trọng trên QL91 cũ (thuộc địa bàn xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú). Ngoài ra, các địa phương khác như Đồng Tháp, Hậu Giang, TP.Cần Thơ cũng đều xảy ra sạt lở. Tại TP.Cần Thơ, trong 5 tháng đầu năm nay đã xảy ra 17 vụ sạt lở, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.

Tình trạng sạt lở ở ĐBSCL mỗi năm càng gia tăng mạnh. Theo dự báo của các nhà khoa học, tình trạng sạt lở sẽ còn kéo dài, dự kiến sẽ diễn biến dữ dội hơn khi vào mùa nước nổi. Điều đó làm người dân vùng sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở bất an, lo lắng. Nguy hiểm hơn, có những khu vực trước khi xảy ra hiện tượng sạt lở hoàn toàn không có dấu hiệu rạn nứt, khó biết trước để phòng tránh, giảm thiệt hại.

Phải chặn đứng ngay hoạt động của "cát tặc"

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông là do nạn hút cát lậu. Việc này lâu nay các nhà khoa học và báo chí đã nói nhiều, nhưng vì sao vẫn không ngăn chặn được? Giáo sư Võ Tòng Xuân nói: "Việc hút cát lậu lâu nay vẫn diễn ra, theo tôi là có dính tới chính quyền địa phương. Bởi vì một chiếc tàu hút cát lậu to như vậy, không thể nào làm âm thầm, nhưng ở một số nơi chính quyền vẫn không "đuổi" được. Dân phát hiện, báo cho chính quyền, nhưng có khi cũng như không. Theo tôi, dù không có bằng chứng, nhưng ở những địa phương để xảy ra tình trạng này, chắc chắn là có ăn chia với nhau".

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, khi sang Singapore, ông thấy có bãi cát rất lớn lấn biển, xây sân golf. Không ngờ đó chính là cát được nhập khẩu từ Việt Nam. Ở nước ta, do khoản lợi bất chính từ cát lậu quá lớn nên có những người bất chấp, đứng ra bao che, để cho "cát tặc" diễn ra. Trong khi đó, một số cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ ngăn chặn nạn khai thác cát lậu, nhưng chưa làm hết trách nhiệm.

"Nếu chính quyền các cấp không có biện pháp ngăn chặn triệt để nạn khai thác cát lậu thì hậu quả sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Tình trạng sạt lở sẽ tiếp tục, với mức độ nghiêm trọng hơn. Cứ mỗi lần xảy ra sạt lở thì nhà nước tiếp tục bỏ kinh phí ra để khắc phục, nhưng cách làm này không bền vững. Ngoài nạn khai thác cát lậu, còn có nguyên nhân do tàu bè chạy với máy công suất rất lớn, làm sóng đập vào bờ, gây sạt lở. Việc này lâu nay vẫn chưa có biện pháp hạn chế" - Giáo sư Võ Tòng Xuân cảnh báo.

Việc cấp bách cần làm hiện nay, theo ông Xuân, trước hết là phải chặn đứng ngay việc khai thác cát vô tội vạ ở các dòng sông. Thứ hai là phải sắp xếp lại việc quản lý xây, cất nhà ở cặp theo bờ sông. Đối với những căn nhà đang tồn tại sát bờ sông, cần có chính sách định cư, tạo điều kiện để họ di dời đến nơi ở mới, ổn định hơn. Đồng thời tiến hành xây dựng, kè bờ sông để chống sạt lở. Việc này cần phải làm ngay từ bây giờ, không nên đợi đến khi sạt lở rồi mới khắc phục, kinh phí càng tốn kém nhiều hơn.

Sạt lở gần hết mặt đường, làm giao thông ách tắc

Giáo sư Võ Tòng Xuân kể: "Bởi vì khi xảy ra sạt lở rồi, chỗ đó sâu chừng vài chục thước, không thể nào làm bờ kè được. Tôi nhớ khoảng đầu thập niên 1990, khi cả Bệnh viện Sa Đéc (Đồng Tháp) bị sạt lở, đổ ập xuống sông, tôi đưa một chuyên gia "sư tổ" về lấn biển của Hà Lan đi khảo sát, xem ông ấy có thể giúp gì được không. Khi tới hiện trường, ông ấy đo độ sâu chỗ sạt lở, rồi cho biết ông không có cách gì làm được hết. Hai mươi mấy thước, cỡ cái nhà lầu thì làm sao xây bờ kè được?".

Theo ông Xuân, một giải pháp quan trọng không kém là cần tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở, từ ấp trở lên phải luôn canh chừng nạn khai thác cát lậu. Bởi vì chỉ có ấp, xã mới nắm chắc được sự việc. Ngay cả việc xây, cất nhà cặp bờ sông cũng phải ngăn chặn từ đầu.

Khi được hỏi vì sao nạn khai thác cát lậu được cho là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, nhưng vẫn không ngăn chặn được? Thậm chí có dư luận cho rằng nạn "cát tặc" lộng hành có sự tiếp tay của một số đơn vị chức năng? Một lãnh đạo Phòng CSGT cho biết, lâu nay trên địa bàn ông quản lý, lực lượng CSGT đường thủy vẫn làm hết trách nhiệm, nếu phát hiện thì xử lý. Mới đây, đã xử lý 2 trường hợp với mức phạt tiền tỷ, tương đương với trị giá tài sản, phương tiện dùng để hút cát lậu.

Huyện Chợ Lách (Bến Tre) trước đây là một trong những địa bàn thường xảy ra nạn hút cát lậu trên sông Cổ Chiên. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Việt (Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện), gần đây, tình trạng này đã giảm. Nguyên nhân là từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của nước mặn, nhiều khu vực ở miền Tây "khát" nước ngọt, các chủ sà lan chuyển sang chở nước ngọt về bán lại cho nhà vườn, thu nhập cao hơn, công việc dễ dàng hơn.

Theo thống kê, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xuất hiện 78 điểm sạt lở, với hơn 91,2km bờ sông. Tỉnh Đồng Tháp xuất hiện 52 điểm sạt lở dọc sông Tiền, sông Hậu, tổng chiều dài là 28,5km, diện tích sạt lở là gần 18 héc-ta. Các điểm sạt lở này ảnh hưởng và đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân, gây cản trở giao thông.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn vùng ĐBSCL hiện có 564 điểm sạt lở, với tổng chiều dài là 830km. Trong đó, sạt lở bờ sông là 512 điểm, với tổng chiều dài khoảng 566km, chủ yếu diễn ra dọc theo các sông: Tiền, Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch. Hậu quả là mỗi năm các tỉnh, thành ở ĐBSCL bị mất từ 300 - 500 héc-ta đất; hàng ngàn hộ dân mất nhà, đất, tài sản...

Bài 1: Đêm mật phục
 
Bài 2: Đường đi của cát lậu
 
Bài 3: Những dòng sông nổi giận
 
Bài 4: Những phận đời trôi theo dòng nước
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang