Những phút kinh hoàng
“May mắn là vụ sạt lở xảy ra vào ban ngày, chứ sạt lở vào ban đêm là cả nhà tôi chết hết rồi!” - Giọng anh Huỳnh Tấn Thái (ngụ P.Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, An Giang) vẫn còn đầy lo lắng, nét mặt còn lộ vẻ thất thần sau vụ sạt lở bất ngờ ập đến xóm mình.
Thời điểm kinh hoàng đó là lúc 8 giờ 30 ngày 14-6-2020, vụ sạt lở dài hơn 60m, dọc theo bờ rạch Cái Sao (tổ 15, khóm Trung Hưng, P.Mỹ Thới). Rất may là sự cố không gây thiệt hại về người, nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp đến 15 căn nhà, trong đó có 6 căn bị sập hoàn toàn phần nhà bếp xuống rạch Cái Sao.
“Lúc đất sắp sụp, tôi nghe tiếng “rắc, rắc...”. Anh em liền xúm lại khiêng đồ ra ngoài. Nhà khó khăn nên cũng không có gì quý giá, nhưng chưa kịp lấy hết mấy món vật dụng thì nguyên căn nhà bếp sập xuống rạch luôn! May mắn lúc đó ba mẹ tôi được đưa ra ngoài trước, nên không sao” - Anh Thái kể.
Nhìn nền nhà tan hoang, ánh mắt anh đượm buồn và tiếc nuối. Căn nhà này vợ chồng anh tích cóp tiền sửa chữa đã mấy lần. Vừa rồi mới sửa lại, nhưng mấy tháng sau thì xảy ra vụ sạt lở trên.
Khung cảnh toang hoang tại khu sạt lở ở rạch Cái Sao (phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, An Giang)
Theo người dân địa phương, vụ sạt lở tại P.Mỹ Thới diễn biến rất chóng vánh. Chị Đinh Thị Bé Chi nhớ lại: “Lúc đó, tôi nghe tiếng “đùng, đùng...”, nhìn qua nhà bên thì không thấy ai làm gì, mà âm thanh vang lên liên tục. Bất giác tôi nhìn lên nóc nhà, thấy hở một đoạn dài cả mét. Hoảng hốt, tôi nắm tay hai đứa con đang ngủ, gọi: “Dậy, dậy, con ơi!”.
Vừa nói, tôi vừa kéo hai đứa nhỏ chạy ra khỏi nhà. Vừa tới mí đường, tôi ngoái nhìn lại thì căn bếp của tôi sập xuống sông rồi! Cũng chẳng kịp lấy cái gì nữa, chén không còn để ăn cơm. Nhà nghèo, chắt mót xây được cái nhà vệ sinh mới hơn một tháng, thì nay cũng chẳng còn”.
Nhà ông Trần Văn Bàn (SN 1946, ngụ cùng phường) cũng bị “hà bá” nuốt trọn phần bếp. “Hai nhà bên kia sập trước, bà con xung quanh thấy vậy mới la lên. Nhờ vậy, bà xã tôi chạy thoát. “Bà thủy” mà đòi đất thì nhanh kinh khủng, chỉ may mắn mới thoát được” - Ông Bàn chia sẻ.
Nhiều vụ sạt lở khác có dấu hiệu rạn nứt từ trước, nên người dân được cảnh báo di dời. Tuy nhiên, giây phút chứng kiến từng mảng đất, đá “rùng mình” lăn ào xuống sông thì thật khó tưởng tượng nổi. Ông Mai Long Hồ (SN 1964) từng chứng kiến một đoạn trên QL91 cũ (đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang) sạt lở nghiêm trọng. Đó là buổi sáng 27-5 vừa qua, vụ sạt lở kéo dài khoảng 40m, ăn sâu vào phân nửa mặt đường.
Ngôi nhà của dì Sáu mà gia đình chị Đinh Thị Bé Chi xin ở nhờ
Tại TP.Cần Thơ, ngày 7-3-2020, khu vực 5, P.An Bình (Q.Ninh Kiều, gần chợ nổi Cái Răng) cũng xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, dài hơn 20m, ăn sâu vào bờ khoảng 10 - 12m, làm hư hỏng 5 căn nhà. Ông Nguyễn Văn Đỏ bàng hoàng, nói: “Sáng đó, tầm hơn 10 giờ, tui đang loay hoay sửa lại mấy ống nước dưới sàn thì nghe tiếng “rắc, rắc” lớn lắm! Tôi hốt hoảng chạy lên bờ, vừa ra khỏi sàn thì nhà, đất sập xuống sông. Tôi mà chậm chút là bị chôn vùi dưới đó, chết rồi!”.
Chiều 25-2, tại Tiền Giang, toàn bộ mặt Tỉnh lộ 873 rộng khoảng 6m bị sạt xuống sông Vàm Vé, cắt đứt hoàn toàn tuyến giao thông qua lại một số xã của huyện Gò Công Tây và TX.Gò Công. Ông Nguyễn Văn Giàu (ngụ xã Bình Xuân, TX.Gò Công) mắt đỏ hoe khi nói về vụ căn nhà kiên cố mới xây xong, trị giá hơn 2 tỷ đồng: “Lúc đó, thật sự quá kinh hồn!”.
Còn rất nhiều vụ sạt lở gây nên nỗi kinh hoàng cho người dân những năm gần đây. Trước kia, người ta thường cho rằng sạt lở là do thiên tai. Nhưng với tình trạng sạt lở xảy ra liên tục, không theo quy luật và ngày càng tăng về tốc độ lẫn độ nguy hiểm ở ĐBSCL thời gian qua, nhiều chuyên gia nhận định, ngoài nguyên nhân thiên tai, còn có phần rất lớn là hệ lụy từ chính bàn tay con người gây ra: “Cát tặc”!
Đối mặt với khó khăn
Những vụ sạt lở đường sá thường được chính quyền cảnh báo trước, để người dân kịp thời đề phòng hoặc di dời. Nhưng những vụ sạt lở nhà ven sông thì nguy hiểm hơn nhiều. Những căn nhà bị phá hủy, thậm chí đồ đạc không kịp khiêng ra ngoài, phải chôn vùi cùng “bà thủy”.
Khu nhà bếp của anh Huỳnh Tấn Thái (phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, An Giang) rơi trọn xuống sông
Vụ sạt lở ở rạch Cái Sao (P.Mỹ Thới, TP.Long Xuyên) vừa qua đã phá nát căn nhà của gia đình anh Trần Văn Hiền. Một nửa căn nhà đã lọt thỏm xuống sông, vật dụng trôi lềnh bềnh cùng mấy tấm đal gẫy sụp, chồng chéo lên nhau tại nơi có dấu hiệu sạt lở vẫn chưa kết thúc hẳn. “Vợ con tôi thoát nạn, còn nhà thì coi như mất hết. Tôi hết biết tính sao luôn...” - Im lặng một lúc, anh Hiền nói tiếp - “May có bà dì cho ở nhờ. Mà nhà bà dì cũng nhỏ, gia đình tôi lại có đến 4 người, cố gắng chen chúc sinh hoạt, chứ khó khăn lắm!”.
Chúng tôi bước ra phía sau xem căn nhà gia đình anh Hiền xin ở tạm. Căn nhà lợp tôn cũ, thấp lè tè, phía trước ngổn ngang cây cối. Chị Đinh Thị Bé Chi (vợ anh Hiền) từ trong nhà bước ra, vẻ ái ngại: “Chú đến đây, tôi không mời vào nhà được, bên trong lộn xộn... nên chú thông cảm. Vợ chồng tôi giờ trắng tay, nhà không có, đất không có, công việc thì làm mướn bấp bênh, con cái, tiền nong đủ thứ. Thật sự vợ chồng tôi không biết phải xoay sở thế nào nữa”.
Hàng xóm của anh Hiền là ông Bàn cũng đang phải ở trọ. Nhà ông bị sập hết phân nửa, nhưng ông chưa chịu cho đập bỏ. “Nếu tôi đập bỏ hết nhà này thì không có tiền cất lại, chắc tôi phải che tạm cái chòi để ở thì khổ lắm! Vợ chồng tôi già rồi, tôi thì chạy xe lôi nên đâu có tiền để mua đất, cất nhà. Tiền trọ mỗi tháng phải trả, tầm vài tháng nữa mà còn cảnh này thì gia đình tôi hết sạch tiền, chắc phải che chòi ở...” - Ông Bàn than thở.
Ông Trần Văn Bàn tiếc nuối về phần nhà đã bị sụp lở
Hầu hết những gia đình bị thiệt hại về nhà, đất trong vụ sạt lở ở rạch Cái Sao đều khó khăn. Công việc của họ phần lớn là làm thuê kiếm sống. Cái nghèo đeo mang, họ phải chắt chiu từng ngày. Vậy mà “hà bá” nỡ nuốt trọn tài sản bao năm tích cóp của họ.
“Nghèo thì tôi cũng nghèo rồi, nhà thì cũng sụp rồi. Tôi chỉ lo ba mẹ già yếu, hiện bị tai biến, mà không có chỗ ở đàng hoàng. May nhờ có người hàng xóm đi lên Bình Dương làm, bỏ lại căn nhà, nên tôi xin vào ở tạm. Khi nào người ta về lấy lại thì gia đình tôi chưa biết ở đâu. Cuộc sống giờ bế tắc quá!” - Anh Thái thở dài, nói tiếp: “Giờ chỉ mong chính quyền, bà con hỗ trợ được phần nào cho người dân ở đây thôi”.
Cuộc sống bỗng chốc bị đảo lộn, 15 hộ dân ở rạch Cái Sao vẫn chưa hiểu vì sao thiên tai lại ập đến với mình. Họ không biết vì sao đất lại bị lở. Họ chỉ biết đất lở làm cho gia đình mình rơi vào cảnh mất đất, mất nhà, khó khăn chồng chất. Nhưng ngành chức năng thì biết rõ vì sao đất lở. Và những đối tượng chuyên khai thác, hút cát lậu trên các con sông ở ĐBSCL chắc cũng ngờ ngợ hiểu ra câu chuyện: Hành động của họ mang lại những đồng tiền bán cát bất chính, dẫn tới hậu quả thương tâm cho người dân như thế đấy!
Mới đây, UBND TP.Long Xuyên đến thăm hỏi các hộ dân bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở tại khóm Trung Hưng (P.Mỹ Thới). UBND TP.Long Xuyên hỗ trợ 8 triệu đồng cho 6 hộ dân có một phần nhà bị sập xuống sông. Lãnh đạo UBND TP.Long Xuyên yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương vận động 9 hộ dân còn lại nhanh chóng di dời đến nơi an toàn.
UBND TP.Long Xuyên đã tiến hành khảo sát khu đất công tại tổ 5, khóm Thới An A (P.Mỹ Thạnh), với diện tích 1.635m2, dự kiến xây dựng 25 nhà “Đại đoàn kết” để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở tại rạch Cái Sao và một số hộ khó khăn về nhà ở của P.Mỹ Thạnh.
(Còn tiếp...)
(CATP) Nạn "cát tặc" được nhắc đến nhiều hơn và "nóng" hơn sau những vụ sạt lở diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian gần đây. Có nơi, người dân kêu cứu đến chính quyền nhiều lần, nhưng tình hình vẫn chưa "giảm nhiệt".
(CATP) Cát lậu sau khi được tập kết về bãi sẽ được đưa đi đâu tiêu thụ? Người dân sống ven sông Tiền, đoạn qua huyện Chợ Mới (An Giang) thắc mắc, nhưng chưa có lời giải. Trong khi đó, diện tích đất canh tác cặp bờ sông của họ đang ngày càng bị khoét sâu vào trong. Người dân bất lực và đau đớn sau nhiều năm chịu đựng nạn "cát tặc" lộng hành.
(CATP) Cùng với những sà lan cát nước ngọt quý giá được "cát tặc" bơm hút từ đáy các con sông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên là những dòng sông bị tổn thương. Đáy sông ngày càng sâu thêm, dòng nước ngày càng hung tợn hơn, ngoạm những bãi bờ cuốn mất hút xuống sông, gây nên những vụ sạt lở kinh hoàng.