Còi hơi, còi hụ bán tràn lan: Ẩn họa khôn lường

Thứ Tư, 24/06/2020 09:41

|

(CATP) Chỉ từ vài trăm đến vài triệu đồng, nhiều người sở hữu ôtô đang mách nhau tìm dịch vụ gắn các loại còi hơi, còi hụ để... "dọa" xe máy (!). Qua tìm hiểu, các loại còi với âm lượng khủng khiếp đang được bán tràn lan trên thị trường, mà không bị cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

TIẾNG CÒI... ĐIẾC TAI!

Hiện nay trên thị trường, các loại "đồ chơi" cho xe hơi, nhất là còi với âm lượng "khủng" đang là món hàng không thể thiếu. Chỉ cần bỏ ra từ vài trăm đến vài triệu đồng, chủ xe dễ dàng trang bị cho mình những chiếc còi với công suất điếc tai, đến nỗi mỗi lần bấm là nhiều người lái xe máy đang lưu thông gần đó phải hốt hoảng, vội vã... tránh đường.

Trưa 23-6-2020, phóng viên có mặt tại khu vực chuyên bán "đồ chơi" cho ôtô trên đường An Dương Vương (Q5, TPHCM). Hầu hết những tiệm chúng tôi hỏi đều có sẵn nhiều còi xe với công suất lớn. Tại tiệm B., khi được hỏi về việc còi xe "zin" âm lượng nhỏ nên xe máy không thèm tránh đường, cần mua còi xe lớn hơn, chủ tiệm tên T. niềm nở: "Anh muốn mua loại nào? Bên em có loại còi hụ Trung Quốc, tiếng kêu rất OK, giá chỉ 900 ngàn. Loại này kêu được 4 tiếng, như: còi xe công vụ, tiếng hụ xe cứu thương... Rất nhiều tài xế hay ghé tiệm em lắp loại này".

Còi hơi bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử

Chúng tôi tỏ vẻ không ưng ý. T. lại tư vấn về một loại còi điện tử công suất lớn hơn, bền hơn, nhãn hiệu "Car Amplifier Police Siren (AS902)" (vẫn là hàng Trung Quốc). Theo chủ tiệm, đây là loại còi hụ "đúng chuẩn" xe công vụ, sử dụng bộ điều khiển (remote) rời, có amply kèm theo để xử lý âm thanh.

Ngoài hàng loạt tiếng kêu giống xe cảnh sát, cứu thương, cứu hỏa..., loại còi này còn trang bị chức năng loa thoại. Chỉ cần bấm nút và nói vào micro thu âm của remote là còi sẽ trở thành loa phát thanh cỡ lớn, đủ để người nghe phải giật mình. "Đây là loại còi hụ dành cho anh em chơi xe đi "phượt" theo hội, nhóm hoặc các đoàn xe môtô, ôtô có người dẫn đoàn như đua xe đạp. Anh lấy loại này chứng tỏ là dân biết "chơi", nên em tính giá hữu nghị, bao lắp đặt lên xe" - T. nói.

Mức giá hữu nghị mà T. nói cho loại còi AS902 là 3 triệu đồng, bớt 500 ngàn đồng so với giá thị trường. Quan sát chiếc còi mà T. đưa cho chúng tôi xem, đây là loại còi hụ chuyên dụng, với công suất lên đến 200W, âm lượng lớn hơn 150 đề-xi-ben. Chủ tiệm còn giới thiệu thêm một số loại còi hơi (loại chuyên dùng cho các xe tải) với âm lượng còn to hơn nhiều, có loại lên đến hơn 200 đề-xi-ben (!).

CẦN LÀ CÓ NGAY

Hầu hết các cửa hàng bán phụ tùng, "đồ chơi" xe hơi đều không bày bán những loại còi hơi, còi hụ... một cách công khai. Theo N. (quản lý một tiệm trên đường An Dương Vương, Q5), đây là mặt hàng mà người chơi xe luôn có nhu cầu. "Anh thông cảm, cái này là hàng cấm, nên phải nhìn mặt rồi mới dám báo giá. Nhưng khách cần là có ngay!" - N. nói. Tiệm của N. cũng bán nhiều loại còi này, nhưng để ở kho hàng tại một địa điểm khác, khi khách mua thì mới cho nhân viên mang tới.

Qua tìm hiểu, các loại còi trên có nhiều chủng loại. Còi hơi "hàng khủng", loại dài 7 tấc hay 1,2m thường là hàng "giá bèo", hàng nhái nhập từ Trung Quốc. Nhưng nếu muốn, người mua có thể đặt hàng các loại "chất" hơn từ Đức, Đài Loan, Nhật Bản..., giá cũng cao hơn khá nhiều. "Anh cần còi gì cũng có. Bên em chuyên còi "con ong" (Đài Loan) và K2 (Hàn Quốc). Cái này anh đặt cọc trước, mai tới lấy. Còn hàng Trung Quốc thì có liền, anh thích gắn một cây hay làm luôn một cặp?" - Một chủ tiệm hỏi khách.

Bộ xử lý kèm remote được lắp đặt, giấu kỹ trong hộc chứa đồ của ôtô

Theo chủ một cửa hàng bán linh kiện ôtô ở chợ Dân Sinh (Q1) tên H., loại xe nhỏ (ôtô 4 - 5 chỗ) không gắn được còi hơi, nhưng nếu mua đem về thì thoải mái. "Xe nhỏ, anh gắn vào phải "chế cháo" nhiều lắm! Tốt nhất là chơi mấy loại còi điện tử thế hệ mới, kêu vẫn to, nhưng không chói tai" - H. cho biết. Hỏi kỹ thì ra loại còi H. đang giới thiệu chính là còi AS920 mà chúng tôi đã thấy trước đó.

Chưa kể với việc phát triển mạnh mẽ của các trang thương mại điện tử và mạng xã hội hiện nay, nhiều shop công khai rao bán còi hơi, còi hụ..., dù biết đây là mặt hàng bị cấm kinh doanh và sử dụng trái phép.

Tham khảo nhiều tài xế, hầu hết đều cho biết khi chạy xe ở khu vực nội đô TPHCM rất căng thẳng. Nhiều khi nắng nóng, kẹt xe, đang bực mình còn gặp cảnh một số xe máy chen lấn, "cúp đầu"..., phải đạp thắng gấp liên tục. Tuy vậy, nhiều người sau khi gắn còi hơi, còi hụ âm lượng lớn, lại cho biết, đã nhanh chóng tháo ra. Anh Nguyễn Văn Hiếu (32 tuổi, lái xe công nghệ) nói: "Tôi từng lắp còi hụ cho xe, khi bấm sẽ phát ra âm thanh "ò... ò..." như xe cảnh sát. Nhưng sau một lần bấm còi, bị cảnh sát giao thông xử phạt thì mình mới biết đó là hàng cấm, đành phải tháo ra".

Một số tài xế khác thì cho rằng, dù rất khó chịu vì xe máy luôn chen lấn, giành đường, nhưng sẽ không bao giờ gắn còi với âm lượng lớn. "Tôi chạy xe ôtô, 4 cửa đóng kín mà còn giật mình khi nghe xe tải, xe buýt... bấm còi hơi. Nên dù có bị xe máy giành đường nhiều mấy thì tôi cũng không lắp còi to hơn. Chạy xe ngoài đường liên tục, đã nhiều lần tôi thấy chị em phụ nữ đi xe máy, chở con nhỏ..., bị xe tải bóp còi rất lớn làm họ giật mình, loạng choạng, té xe hoài, nên đâm ra ghét các loại còi này".

Còi hụ AS902 giá khoảng 3 triệu đồng

Quả thực, việc sử dụng còi xe không đúng quy định một cách vô tội vạ không phải chuyện hiếm, đặc biệt ở các thành phố lớn trong giờ tan tầm. Tình trạng này còn góp phần làm thành phố bị ô nhiễm tiếng ồn, người tham gia giao thông càng bức bối, trở nên khó chịu, dễ phát sinh mâu thuẫn, thậm chí ẩu đả. Chưa kể âm lượng lớn từ các loại còi hơi, còi hụ trái phép đó còn ảnh hưởng lớn đến thính giác của người đi đường, nghe nhiều có thể dẫn đến bị điếc. Vì vậy, các tài xế hãy sử dụng còi xe đúng cách. Việc này không chỉ tránh cho người điều khiển phương tiện bị xử phạt, mà còn thể hiện văn hóa của người tham gia giao thông.

Pháp luật quy định chặt chẽ về việc lắp đặt và sử dụng còi xe. Theo đó, còi xe phải được nhà sản xuất xe đăng ký tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện giao thông. Người điều khiển phương tiện chỉ được sử dụng còi xe tại những khu vực không bị cấm bấm còi và trong khoảng thời gian nhất định.

Khoản 3, Điều 5, Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: Phạt tiền từ 600 - 800 ngàn đồng với người điều khiển xe có hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Nếu gây tai nạn, tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang