"Tâm thư" gửi lại hụi viên
Gần tháng nay, người dân xóm nghèo khóm Đông Bình B (phường Đông Thuận, TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) ăn ngủ không yên khi căn nhà của chủ hụi Nguyễn Thị Thúy (50 tuổi) cửa đóng then gài, bà này bặt tăm, điện thoại không liên lạc được. Đưa cho chúng tôi bức "tâm thư" bà Thúy gửi lại cho hụi viên (HV) trước khi bỏ trốn, chị Thanh nước mắt ngắn dài lo lắng bởi không biết tìm đâu ra tiền trả nợ. Trong thư bà Thúy trần tình "... Trong vòng một năm thôi, công chuyện làm ăn sa sút quá. Chị đã hết tiền bù hụi, không có tiền choàng cho người ta... Hết cách rồi... Chị tạm lánh mặt một thời gian...".
Theo đơn tố cáo của HV, 22-4 là ngày hốt dây hụi khoảng 40 triệu đồng thì khuya hôm trước, bà Thúy đã dọn đồ đạc bỏ đi biệt tăm. Phát hiện sự việc, có rất đông HV từ nơi khác ở TX Bình Minh kéo đến vây nhà bà Thúy. Nhiều người không liên lạc được với chủ hụi đã lấy gạch ném vỡ cửa kính và cửa sổ căn nhà. Đến lúc này họ mới vỡ lẽ, nhiều người tham gia đóng hụi nhưng không có tên trong sổ, người không tham gia chơi hụi thì lại ghi tên vào sổ (!).
Nhiều hụi viên phát hiện đầu thảo lập danh sách "hụi ma"
"Đa số HV trong xóm đều là lao động nghèo, sống nhờ vào nghề ươm mầm rau giống, dành dụm được bao nhiêu đều đóng hết vào các dây hụi. Do là người cùng xóm nên ai cũng tin tưởng, không ngờ bị gạt mất trắng", một phụ nữ ngụ khóm Đông Bình B ngậm ngùi. Chỉ tính khóm này có khoảng 40 HV tham gia 20 dây hụi do bà Thúy làm chủ, mỗi dây từ 500 ngàn - 2 triệu đồng và được lập thành sổ rõ ràng, ngoài ra nhiều HV các phường khác cũng tham gia. Số tiền trên sổ hụi, khoản người dân đóng cho bà Thúy lên đến vài tỷ đồng.
Mới đây, hàng chục HV ấp Phú Thuận (xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, An Giang) yêu cầu xử lý hình sự đối với vợ chồng chủ hụi Phạm Đỗ T. - Trang Thị Mỹ H. về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo đơn tố giác, HV là người cùng xóm, quen biết vợ chồng ông T. - bà H. tại chợ Tây Phú hàng chục năm qua. Mọi người mua bán hàng ngày ở chợ, chắt mót, dành dụm tiền tham gia các đầu hụi nhằm kiếm tiền lãi để xoay xở cuộc sống, nhưng cuối cùng trắng tay!
Một HV nhớ lại: "Trước đây, vợ chồng bà H. làm ăn đàng hoàng, tạo được uy tín đối với HV. Đến giữa năm 2018, bà H. than nhiều người đóng chậm tiền hụi, trong khi số khác đến lượt hốt nhưng chủ hụi không giao, hứa hẹn đủ điều. Dù vậy vợ chồng bà vẫn góp tiền của các HV còn lại. Sau đó, họ không cho khui các dây còn lại đồng thời tuyên bố bể hụi, không nghe điện thoại". Điều khiến các HV bức xúc nhất là thời điểm đầu, vợ chồng bà H. còn hứa hẹn trả nợ, sau đó mắng chửi và thách thức làm đơn tố cáo. Tổng số tiền HV bị chiếm dụng trong vụ này gần 4 tỷ đồng.
Nhà chủ hụi Thúy cửa đóng then gài
Cùng thời điểm, nhiều người dân ấp Phú An (xã An Bình, Thoại Sơn) làm đơn tố cáo bị chủ hụi chiếm dụng gần 2,3 tỷ đồng. Chủ hụi là vợ chồng ông Phùng Văn Th. - bà Huỳnh Thị T. (ngụ tổ 12, ấp Phú An), nhưng đã mất liên lạc, rời khỏi địa phương. Ở huyện Phú Tân cũng tương tự. Thời gian gần đây, người dân như ngồi trên đống lửa khi bà N.T.Ng (53 tuổi, ở xã Phú Lâm) tuyên bố vỡ hụi, trong khi số tiền các HV thiệt hại trên 30 tỷ đồng.
Anh T. - một HV - cho biết, để HV tin tưởng, bà Ng. rủ đến nhà ăn uống, khoe nhà lầu, xe hơi. Vợ chồng anh T. cầm cố toàn bộ số ruộng lúa đang canh tác vay ngân hàng hơn 2,7 tỷ đồng, trả nợ hết 1 tỷ, còn lại đưa cho bà Ng. 3 lần, nhưng chơi hụi được 2 tháng thì bà Ng. tuyên bố vỡ hụi. Anh T. kể lại: "Tui dò hỏi mới biết trong 25 HV mà bà Ng. nói đều là danh sách "hụi ma". Giờ ngân hàng đòi nợ liên tục mà bà Ng. không còn khả năng chi trả nên vợ chồng tui đành phải gửi đơn ra tòa".
Trả giá
Theo cơ quan chức năng, các chủ hụi lừa đảo chiếm đoạt tiền của HV thông qua hình thức lập "hụi ma", chủ yếu lấy tiền HV sử dụng vào việc khác, đến khi không còn khả năng thanh toán mới tuyên bố bể hụi hoặc bỏ trốn. Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an (CA) tỉnh Cà Mau đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Thị Tú (62 tuổi) và Tiền Bảo Châu (30 tuổi, cùng ngụ khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chơi hụi".
Khoảng tháng 2-2017 đến ngày 25-9- 2019, Tú và con trai là Châu mở 20 dây hụi (loại 2 triệu - 6 triệu đồng) để hưởng hoa hồng 50%/chân hụi; trong đó có 18/20 dây hụi Tú - Châu lợi dụng sự tin tưởng của HV đưa tên khống vào danh sách hốt, tự ý hốt của HV, bán hụi để chiếm đoạt trên 7 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT - CA huyện Long Mỹ, Hậu Giang đã bắt tạm giam chủ hụi Lê Thị Khoa (48 tuổi, trú ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ) để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Năm 2009, Khoa bắt đầu làm chủ hụi để hưởng hoa hồng, HV có nhiều người ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đến tháng 7-2019, Khoa bất ngờ tuyên bố vỡ hụi khiến nhiều HV điêu đứng, tố cáo Khoa có hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Qua điều tra, bước đầu CA xác định, khoảng tháng 9-2017 đến tháng 3-2019, Khoa lợi dụng các HV không tham gia khui hụi đầy đủ khi mở để mạo tên hốt, chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng của 3 dây hụi sử dụng vào việc lấp hụi và tiêu xài cá nhân.
Nhà chủ hụi Thúy
Thống kê của CA tỉnh Trà Vinh cho thấy, từ đầu năm đến nay tỉnh xảy ra 5 vụ vỡ hụi với khoản chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng. Chủ hụi Bùi Thị Kim Dung (39 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, TP.Trà Vinh) vừa bị Cơ quan CSĐT - CA tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 4 tháng về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Năm 2001, Dung tổ chức đầu thảo (chủ hụi), mở các dây có giá trị từ 500 ngàn - 5 triệu đồng để hưởng huê hồng. Đầu năm 2019, lợi dụng nhiều HV không khui hụi đầy đủ, Dung bỏ thăm giá cao để hốt. Tháng 7-2019, nhiều HV đề nghị hốt, Dung mất khả năng cân đối, không có tiền giao đành tuyên bố vỡ hụi, tại thời điểm này còn 41 dây hụi chưa kết thúc; trong đó cơ quan điều tra chứng minh được 28 dây hụi, Dung có hành vi gian dối để hốt 197 phần, chiếm đoạt trên 6 tỷ đồng.
Theo cơ quan chức năng, bể hụi xuất phát từ việc chủ hụi có ý định chiếm đoạt tiền của HV nên lập ra hụi khống, cũng có trường hợp chủ hụi bị HV giật hụi nên mất cân đối trong việc chi trả dẫn đến hành vi phạm tội. Nguyễn Thị Lan Phương (42 tuổi, ngụ ấp 8A, xã An Trường, huyện Càng Long, Trà Vinh) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo kết quả điều tra, năm 2008, Phương đứng ra làm đầu thảo, mở các dây hụi từ 200 ngàn - 1 triệu đồng để hưởng hoa hồng. Năm 2013, có 2 HV hốt và nợ hụi nhưng không đóng tiền, Phương phải vay bên ngoài với lãi suất cao và hốt nhiều phần hụi để choàng lại cho các HV khác. Đến năm 2014, Phương tiếp tục mở các dây hụi từ 500 ngàn - 5 triệu đồng, sau đó đặt tên khống các HV để chiếm đoạt và ngày 10-4-2019 tuyên bố vỡ hụi, trong khi còn 33 dây chưa kết thúc. Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ 16 dây hụi, Phương có hành vi gian dối chiếm đoạt trên 900 triệu đồng.
Theo cơ quan CA, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực góp hụi diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ thiệt hại hàng tỷ đồng nhưng không thể thu hồi, xuất phát từ một số nguyên nhân: quá trình góp hụi diễn ra trong thời gian dài, một số HV không đóng tiền cho đầu thảo, vì vậy đầu thảo vay mượn nhiều nơi để choàng hụi dẫn đến mất cân đối tài chính; đầu thảo không có nghề nghiệp ổn định, chỉ dựa vào thu nhập từ việc hưởng hoa lợi; quá trình góp hụi do tin tưởng đầu thảo, HV không mở sổ theo dõi, cũng chẳng biết nhau, tạo điều kiện cho đầu thảo tự ý hốt rồi bán hụi, chiếm đoạt tài sản.
Khi tham gia chơi hụi, HV và đầu thảo phải lập sổ theo dõi ghi đầy đủ thông tin cá nhân của đầu thảo và HV trong từng dây hụi, HV tham gia góp hụi phải giữ sổ hụi và biết mặt nhau, đồng thời khui hụi đầy đủ; khi góp hụi phải chú ý chọn những đầu thảo uy tín, kinh tế ổn định, có tài sản đảm bảo và thường xuyên giám sát chặt chẽ đầu thảo để kịp thời phát hiện những biểu hiện nghi vấn, lúc góp hụi hạn chế tham gia quá nhiều phần hụi cùng một đầu thảo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Khi xảy ra vỡ hụi cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan CA gần nhất để được giải quyết theo quy định pháp luật.