Khi con kênh "kêu cứu"!:

Kỳ 5: Báo động nạn lấp kênh làm lối đi

Thứ Sáu, 10/07/2020 11:24

|

(CATP) TPHCM được thiên nhiên ban tặng cho hàng chục dòng sông và nhiều kênh, rạch chảy uốn lượn khắp địa bàn. Hệ thống sông ngòi này giúp tiêu thoát nước vào mùa mưa. Tuy nhiên những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều tuyến kênh, rạch bị san lấp vô tội vạ để làm nhà ở, đường đi, gây ngập úng vào mùa mưa. Dù các cơ quan chức năng nhiều lần kiểm tra, xử lý, nhưng tình trạng vi phạm còn khá phổ biến.

Biến đất sông thành... "đất ông"!

Những ngày cuối tháng 6-2020, chúng tôi có dịp đi thị sát những dòng kênh đang bị lấn chiếm trên địa bàn các quận 7, 9, Bình Thạnh và Thủ Đức. Bốn quận này được xem là "điểm nóng" về tình trạng lấn chiếm kênh, rạch, gây hậu quả nghiêm trọng, dòng chảy bị thu hẹp, gia tăng sạt lở và ô nhiễm môi trường.

Điểm đầu tiên chúng tôi có mặt là cống đập Rạch Chiếc bắc ngang qua đường Đỗ Xuân Hợp (Q9). Đứng trên cầu Nam Lý, dễ dàng trông thấy hai bên bờ kênh Rạch Chiếc có đoạn dài hơn 100m đã bị người dân đổ đất, xà bần tràn ra kênh. Sau khi lấp kênh, những căn nhà tạm bợ được xây lên, với hàng chục nhân khẩu là người địa phương trú ngụ. Thậm chí ngay tại cống đập Rạch Chiếc dài khoảng 40m cũng bị tận dụng phần đất ven bờ để mở quán cà phê, thu hút rất đông khách.

Nhiều nhà kiên cố lấn kênh Thầy Tiêu tại P.Bình Thuận (Q7)

Đi dọc cầu Nam Lý vào Khu dân cư Nam Long, còn có những quán nhậu, nhà hàng, quán cà phê, thậm chí cả villa, biệt thự án ngữ ngay sát bờ kênh. Suốt đoạn đường dọc kênh Rạch Chiếc, cũng có nhiều căn biệt thự, nhà hàng, quán nhậu... ngay bờ kênh. Thậm chí đi trên đường Đỗ Xuân Hợp, chúng tôi không thể tìm được lối đi ra kênh. Thay vào đó là lối đi chung tự phát, được người dân lấn chiếm, để đi vào những khu dân cư. Khi đi vào Khu dân cư Nam Long, cả đoạn dài trở thành "không gian riêng" của hàng loạt khu biệt thự biệt lập.

Ông Trần Văn Đạt sinh sống tại tổ 3 (KP6, P.Phước Long B, Q9) hơn 50 năm nay. Ông cho biết, để quán rộng và đẹp, nhiều người còn thuê chở đất, đá, xà bần... lấp kênh, tạo cho quán thêm không gian. Không dừng lại đó, người ta còn đổ đất, đá xuống kênh, hình thành những con đường tự phát phục vụ cho hàng trăm hộ dân trong khu vực. "Ngày xưa, ở đây như một đảo cù lao, kênh Rạch Chiếc rất to. Nhưng sau quá trình đô thị hóa, con kênh này ngày càng nhỏ đi" - ông nói.

Kênh Thủ Tắc (Q.Bình Thạnh) bị xâm lấn, khiến dòng chảy thu hẹp

Trên địa bàn hai quận 9 và Thủ Đức có rất nhiều kênh, rạch, nhưng giờ đây nhiều con kênh đã "biến mất". Ngay đoạn Cống Đập, vào những năm 90 của thế kỷ trước, đất dọc bờ kênh thuộc quyền sử dụng của những hộ dân sống lâu đời ở đây. Thời điểm đó, người dân còn trồng lúa và hoa màu. Từ năm 2010, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều người lấy đất bờ kênh để xây nhà, biệt thự...

Một "điểm nóng" khác về tình trạng lấn chiếm kênh, rạch là kênh Thầy Tiêu chảy qua địa bàn P.Bình Thuận (Q7). Tại đây, đã trở nên đáng báo động vì số vụ vi phạm đang tăng nhanh. Trong lúc phóng viên đi khảo sát, phần lớn hai bên bờ kênh Thầy Tiêu bị lấn chiếm nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, dọc hai bên bờ kênh hình thành nơi chứa rác và các chất thải tự phát, chất thành từng đống. Theo một số hộ dân địa phương, thời gian gần đây, có rất nhiều hộ dân sống dọc hai bên bờ kênh Thầy Tiêu ngang nhiên xây nhà lấn rạch. Đi dọc những con kênh lớn chảy qua địa bàn cũng xảy ra tình trạng tương tự. Do đất bị lấn chiếm, nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý triệt để, nên tình trạng lấn chiếm ngày càng nghiêm trọng hơn.

PGS-TS Trịnh Trung Hiếu chỉ con đường 5m lấn kênh

Chính quyền cho phép lấp kênh Thầy Tiêu?!

Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn Q7 đã xảy ra 256 trường hợp san lấp, xây dựng lấn chiếm kênh, rạch tại các phường: Bình Thuận, Tân Hưng, Tân Kiểng, Phú Thuận, Tân Quy và Tân Thuận Đông. PGS-TS Trịnh Trung Hiếu (ngụ KP6, P.Bình Thuận) cho biết, ngoài những trường hợp trên, tại vị trí cuối Đường 43 và 47 của phường Bình Thuận cũng đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Nhiều trường hợp người dân tự ý bỏ tiền thuê chở đất, đá, xà bần đổ xuống kênh. Tại Đường 47, nhiều người dân rầm rộ xây nhà ngay trên phần đất lấn chiếm, đến khi cơ quan chức năng cho người đến lập biên bản, xử lý thì hàng chục căn nhà bê-tông cốt thép đã kịp hoàn thành.

Khu đất tại số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh bị xâm lấn nghiêm trọng

Theo PGS-TS Trịnh Trung Hiếu, thời gian gần đây ở phường Bình Thuận có chuyện "cười ra nước mắt". Bởi vị trí khu đất của bà Nguyễn Thị Nụ (số 2A Đường 43), do nhà ở sát rạch Thầy Tiêu nên thường bị triều cường gây ngập. Gia đình bà tổ chức đổ đất lấp một phần rạch để chống ngập, rồi rào tôn ngăn trộm. Việc san lấp không bị chính quyền địa phương xử phạt, cũng không ai tranh chấp hay khiếu nại. Sau một thời gian, ông Lê Xuân Thành (ngụ tại đường Huỳnh Tấn Phát, Q7) làm đơn "tố" bà Nụ... lấp rạch. Thanh tra xây dựng Q7 mời bà Nụ đến làm việc, bà này khẳng định sẵn sàng khôi phục hiện trạng ban đầu.

Tại buổi làm việc, bà Nụ cũng than phiền trên địa bàn phường có hàng trăm trường hợp lấp rạch, chiếm rạch Thầy Tiêu, nhưng không bị xử lý. Dù vậy, UBND Q7 vẫn ban hành quyết định buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, do rạch còn chức năng tiêu thoát nước, có hành lang bảo vệ rạch 20m.

Sau cuộc họp, bà Nụ phải thuê xe múc đất để trả lại hiện trạng ban đầu của con rạch, tạo sự thông thoáng cho dòng chảy. Thế nhưng khi gia đình bà vừa mới múc đất trả lại hiện trạng ban đầu xong, UBND Q7 lại ra văn bản cho phép phường san lấp rạch Thầy Tiêu (nơi mà bà Nụ vừa múc đất xong) để mở đường vào khu đất trống của ông Lê Xuân Thành (?!).

Người dân tự ý đổ đất, làm nhà lấn kênh ngay cầu Nam Lý

Sau đó, một lực lượng xe hùng hậu đã chở đất, cát, cừ tràm đến lấp lại phần diện tích rạch mà bà Nụ vừa múc đất xong, khiến người dân trong khu vực bất bình. Được biết, việc lấp rạch Thầy Tiêu lần này do UBND P.Bình Thuận làm chủ đầu tư. Tổng diện tích mặt nước bị lấp có chiều ngang 5m, dài 38m, với số vốn đầu tư lên tới 383 triệu đồng được chủ đất bỏ ra (?). Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc UBND phường lấp rạch để mở đường được dựa vào đơn "xin lấp" của ông Lê Xuân Thành.

Điều khá ngạc nhiên là trước đó, bà Nụ lấp rạch chống ngập cho nhà bà thì UBND Q7 cho rằng diện tích đất bị lấp thuộc đất lấn chiếm và ra quyết định buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả về hành vi lấn chiếm rạch. Đến khi bà Nụ trả lại hiện trạng ban đầu xong thì chính quyền địa phương lại có chủ trương cho lấp rạch, làm đường. Điều này thể hiện rõ sự mâu thuẫn trong quá trình giải quyết vụ việc.

Liên quan đến vụ UBND phường lấp rạch Thầy Tiêu, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM đã ra văn bản xác định, tại vị trí lấp rạch mở đường cho ông Lê Xuân Thành vào phần đất trống, chưa được cắm mốc xác định mép bờ cao. Sở đã cử cán bộ tới hiện trường kiểm tra, cho thấy công trình lấp rạch làm đường đã thi công gần hoàn chỉnh, được xây dựng trên rạch hiện hữu, trong khi chưa có ý kiến của Sở GTVT. Do đó, UBND Q7 phải phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của UBND TPHCM về "Công tác quản lý nhà nước đối với sông, suối, kênh, rạch, hồ công cộng và trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn".

(Còn tiếp...)

Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trong 10 năm qua trên địa bàn thành phố có ít nhất 40 kênh, rạch, hàng trăm cống, cửa xả bị lấn chiếm và gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Các quận có số vụ lấn chiếm hành lang kênh, rạch phức tạp nhất là 2, 7, 9, Thủ Đức và H.Nhà Bè.

Trên địa bàn thành phố có tới 40 kênh, rạch, 76 tuyến cống, 63 hầm ga và 41 cửa xả đang bị lấn chiếm. Tại những vị trí này, các chủ đất xây dựng hàng rào kiên cố và khép kín, để bảo vệ, phục vụ nhu cầu sử dụng riêng. Tình trạng lấn chiếm kênh, rạch để lại hậu quả nặng nề đối với chính khu dân cư nơi xảy ra lấn chiếm, dẫn đến tình trạng úng ngập các khu dân cư.

Kỳ 1: Ai
Kỳ 2: Thiếu ý thức, kênh rạch hóa ao tù
 
 
Kỳ 3: Thủ phạm xả rác là ai?
 
Kỳ 4: Điểm mặt thủ phạm gây thối kênh Ba Bò
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang