Khi con kênh "kêu cứu"!

Kỳ 4: Điểm mặt thủ phạm gây thối kênh Ba Bò

Thứ Năm, 09/07/2020 10:12

|

(CATP) Kênh Ba Bò chảy qua địa bàn TPHCM và Bình Dương, là một trong những con "kênh thối", được xem là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nhiều năm qua. Dù TPHCM và Bình Dương đã đầu tư cả nghìn tỷ đồng để cải tạo, khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện. Hàng nghìn nhà dân sống ven kênh luôn phải đối diện với tình trạng ô nhiễm.

Chi nghìn tỷ, nhưng kênh vẫn... "chết"!

Nhiều người gọi kênh Ba Bò là "dòng kênh chết", bởi bị ô nhiễm nặng, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Để cải tạo con "kênh thối", UBND TPHCM phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức cả chục cuộc họp bàn, ra nhiều văn bản phối hợp chung tay cải tạo nguồn nước ô nhiễm trên kênh Ba Bò.

Năm 2004, UBND TPHCM triển khai dự án xây dựng hồ điều tiết sinh học, xử lý nước ô nhiễm ở các khu công nghiệp cho kênh Ba Bò. Đồng thời nạo vét, gia cố kênh, nhằm tiếp nhận, chuyển tải nước mưa, nước thải đã qua xử lý cho các Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1, 2 và Đồng An, cũng như nước thải từ khu dân cư.

Người dân tố cáo hồ điều tiết nước lại ô nhiễm nặng

Tổng chi phí đầu tư cho dự án hơn 1.089 tỷ đồng. Trong đó, TPHCM chi 744 tỷ đồng cho việc nạo vét mở rộng hồ điều tiết phía thượng nguồn và nạo vét mở rộng lòng kênh phía hạ nguồn. Xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải trên tuyến kênh, với công suất thiết kế 20.570m3/ngày.

Tỉnh Bình Dương chi 345 tỷ đồng đầu tư xây dựng công trình bờ kè giao thông chạy dọc kênh dài hơn 3km, tiến hành nạo vét bùn, rác thải toàn tuyến. Để ngăn chặn tình trạng xe tải nặng chạy vào tuyến kênh gây hư hỏng, chủ đầu tư còn cho xây dựng barie cao 2,5m ngay đầu đường.

Khi thực hiện dự án, tỉnh Bình Dương chọn phương án xây dựng tuyến kênh bằng hình thức bê-tông hình hộp. Mặt đường ven kênh rộng từ 4 - 9m. Toàn tuyến kênh dài khoảng 4km, chạy dài đến hồ điều tiết sinh học ở P.Bình Hòa (TP.Thuận An, Bình Dương). Dự án xây dựng tuyến đường chạy dọc kênh đạt tiêu chuẩn phố đô thị cấp 2, có đủ hệ thống cây xanh, chiếu sáng công cộng, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt. Ngày 24-4-2015, UBND tỉnh tổ chức lễ khánh thành, nhưng đến nay, con kênh vẫn hoàn là kênh "chết".

Cống xả thải bẩn gây ô nhiễm cho dòng kênh.

Để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến vì sao kênh Ba Bò được đầu tư cả nghìn tỷ đồng, nhưng chưa hết ô nhiễm, những ngày đầu tháng 6-2020, phóng viên đã có chuyến khảo sát thực tế toàn tuyến từ thượng nguồn đến điểm cuối đổ ra sông Sài Gòn. Đi từ thượng nguồn tuyến kênh, điểm bắt đầu từ ngã tư 550 thuộc địa bàn giáp ranh giữa TP.Dĩ An và TP.Thuận An (Bình Dương).

Tại đây, có một cống hộp ăn ngầm dưới đất, nước chảy ra kênh trong veo. Theo ghi nhận, nước từ thượng nguồn dòng kênh không có tình trạng ô nhiễm. Tuyến kênh còn có khả năng tiếp nhận nước thải đã qua xử lý cho các KCN Sóng Thần 1, 2 và Đồng An, Khu dân cư Đồng An, nước thải từ các hộ dân ở P.Bình Hòa (TP.Thuận An), với tổng diện tích hơn 656 héc-ta.

Suốt tuyến kênh nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương dài hơn 3km, được xây dựng, lắp đặt hàng chục cống ngầm, cống nổi chạy suốt tuyến. Đoạn dài hơn 1km từ ngã tư 550 dẫn tới Nhà điều hành KP.Đồng An 3 không xảy ra ô nhiễm. Tuy nhiên, đi dọc tuyến kênh để tìm hiểu vì sao kênh Ba Bò trở thành kênh "chết", nhưng nhiều năm qua chính quyền tỉnh Bình Dương và TPHCM lại không thể giải quyết được dứt điểm, đến đoạn cống ngầm nằm ngay bên hông Công ty Vận tải Hoàng Gia Depot (dẫn vào KCN Đồng An) thuộc KP.Đồng An 2 (P.Bình Hòa, TP.Thuận An), phóng viên phát hiện một cống ngầm chảy suốt ngày đêm, thải ra dòng nước có mùi rất khó chịu.

Dù đang giữa trưa, nhưng theo quan sát của chúng tôi, cống ngầm nằm ở vị trí khá cao, chảy ra nước có lúc vàng khè, có lúc đen sì. Cống này nằm trên đường cây xăng 71 dẫn vào KCN Đồng An, là "thủ phạm" chính gây ra ô nhiễm cho toàn tuyến hạ lưu. Tại khu vực cống này, có nhiều doanh nghiệp và nhà dân. Một phụ nữ bán hàng tạp hóa tại đây cho biết, nguồn nước này nghi là nước thải công nghiệp của các công ty hóa chất nằm phía bên kia đường ĐT 743 thải trực tiếp ra kênh.

Nước kênh Ba Bò màu vàng nâu, ô nhiễm nghiêm trọng

"Sống chung với ô nhiễm"

Bà Phạm Thị Nga (ngụ KP.Đồng An 2) bức xúc cho biết, bà sống tại đây hơn 30 năm qua. Chuyện ô nhiễm của kênh Ba Bò đã được chính quyền tìm các biện pháp cải thiện từ hàng chục năm nay, nhưng đâu lại vào đấy. Trong khi đó, chạy xe dọc kênh Ba Bò từ phía Bình Dương băng qua đường Ngô Chí Quốc (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TPHCM), có rất ít nhà dân sinh sống ven kênh. Những điểm có nhà dân sinh sống cũng nằm cách kênh bởi đường Ngô Chí Quốc, nên không thể nói bà con xả thải ra kênh Ba Bò gây ô nhiễm. Có người đóng cửa nhà, chuyển tới nơi khác sinh sống vì không thể chịu nổi mùi hôi thối.

Anh Trần Văn Lâm (ngụ địa phương) thắc mắc: Vì sao Nhà nước chi cả ngàn tỷ đồng để cải tạo kênh Ba Bò, mà không tìm hiểu vì sao kênh này bị ô nhiễm nặng? Dù cơ quan chức năng 2 địa phương Bình Dương và TPHCM nhiều lần họp bàn để tìm nguyên nhân, nhưng chỉ xác định do nước thải sinh hoạt, trại heo... gây ô nhiễm? Trong khi đi qua toàn tuyến sẽ thấy hiện không còn trại heo nào. Theo anh Lâm, nguyên nhân chính khiến kênh Ba Bò "chết" chính là do cống xả nằm trên đường (phía cây xăng 71). Bất kể ngày đêm, cống này đều thải ra nguồn nước vàng, rất nhiều bọt. Có người ví cái cống nằm bên hông Công ty Vận tải Hoàng Gia như một "Vedan thứ 2", gây ô nhiễm toàn bộ kênh Ba Bò phía hạ nguồn.

Nước kênh Ba Bò màu vàng nâu, ô nhiễm nghiêm trọng

Trong khi đó, đoạn kênh từ cống nằm trên đường cây xăng 71 dẫn tới hồ điều tiết tại KP.Đồng An 2, xuôi về phía hạ nguồn đường Ngô Chí Quốc, Tỉnh lộ 43 (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) luôn rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, khu vực ô nhiễm, bốc mùi nặng nhất là đoạn gần hồ điều tiết đến cầu Ngô Chí Quốc, dài gần 3km. Bà Nguyễn Thị Mỳ, (nhà gần hồ điều tiết trên) cho biết, người dân sống trong khu vực luôn phải đối diện với ô nhiễm. Mỗi khi máy vận hành khử mùi tại hồ điều tiết thì mùi hôi thối bốc lên bao trùm cả khu vực.

Có mặt phía hạ nguồn kênh Ba Bò, chúng tôi ghi nhận tại đây nước kênh luôn vàng khè, kèm theo mùi rất khó chịu, khiến người dân bị cay mắt, khó thở, tức ngực. Hàng ngày, mùi hôi từ kênh bốc lên bay tỏa vào tận giường ngủ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Khi trời mưa xuống, dòng nước chứa nhiều hóa chất dâng cao. Hóa chất bám vào taluy ven kênh, có màu vàng khè. Cá, tôm không thể sống nổi trên đoạn kênh ô nhiễm nặng này.

Được biết, trong các KCN Sóng Thần 1, 2 và Đồng An, có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất liên quan đến hóa chất. Bà Nga nói: "Tôi sống gần kênh Ba Bò, lại sát các nhà máy nên phải chịu đựng cảnh ô nhiễm từ nhiều năm qua. Không ít lần hít phải khí thải độc hại, có người bị đau bụng, tức ngực, ngất xỉu, trẻ em thì bị suy hô hấp, chướng bụng, tiêu chảy. Đặc biệt, nguồn nước ngầm ở đây đã được chính quyền cảnh báo là không thể dùng được".

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Ai
 
Kỳ 2: Thiếu ý thức, kênh rạch hóa ao tù
 
Kỳ 3: Thủ phạm xả rác là ai?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang