Liên tiếp xảy ra bạo hành trẻ em: Đừng dung dưỡng và bao che!

Thứ Tư, 08/07/2020 16:10

|

(CATP) Việc liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành (BH) trẻ với tính chất nghiêm trọng thời gian gần đây khiến dư luận tiếp tục đặt ra trách nhiệm đối với nhà chức trách trong công tác bảo vệ quyền lợi con trẻ.

Tuy nhiên, suy cho cùng, việc bảo vệ trẻ khỏi nạn bạo lực, xâm hại tình dục (XHTD), bóc lột và lạm dụng, ngoài sự giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm của các đơn vị chức năng thì việc mỗi gia đình tự nâng cao ý thức, xóa bỏ các quan niệm lạc hậu và kiểu hành xử vô văn hóa chính là vấn đề mấu chốt giúp ngăn chặn triệt để các vụ BH tương tự trong thời gian tới.

Vết hằn không dễ xóa

Những hình ảnh dã man xuất hiện trong đoạn video clip hơn 3 phút được đăng tải cách đây ít ngày trên nhiều trang mạng xã hội (MXH) khiến không ít người phải rùng mình vì tính côn đồ của đối tượng.

Nội dung trong clip quay lại cảnh bé gái bị người đàn ông chỉ thẳng tay vào mặt chửi bới, dù em không kháng cự nhưng đối tượng liên tục giáng những bạt tai khiến em khuỵu xuống.

Chưa chịu dừng lại, người đàn ông tiếp tục bắt đứa trẻ tội nghiệp phải đứng dậy rồi dùng tay kẹp cổ, xách bé gí vào tường, chân cách đất 20 - 30cm. Đứa bé tội nghiệp chỉ biết ôm lấy cánh tay của người đàn ông kia.

Kẻ hành hung cháu bé được xác định là Lương Đức Thắng

Đoạn clip sau khi được đăng tải đã khiến cộng đồng sục sôi. Phóng viên Báo CATP đã phản ánh tới bà Hứa Thị Hồng Đang - Chủ tịch UBND Q.Tân Phú. Chính người đứng đầu quận này cũng không thể chấp nhận được hành vi côn đồ của những người xuất hiện trong đoạn băng.

Công an Q.Tân Phú ngay sau đó đã vào cuộc điều tra, bước đầu xác định nạn nhân trong clip là cháu Chung Ngọc H. (4 tuổi). Mẹ của nạn nhân là Chung Thị Ngọc (24 tuổi) và người đàn ông ra tay đánh đập bé gái là Lương Đức Thắng (35 tuổi), bạn trai Ngọc.

Tại cơ quan điều tra, các chiến sĩ công an trong quá trình lấy lời khai đối tượng Thắng và mẹ cháu H. không khỏi chạnh lòng trước hoàn cảnh đáng thương của đứa trẻ. Nhìn ánh mắt ngây ngô của cháu cạnh bên đó là những vết bầm tím trên người, 1 nữ cán bộ đã không cầm được nước mắt.

Ánh mắt ngây thơ của đứa trẻ vô tội sau vụ bạo hành ở Q.Tân Phú khiến dư luận xúc động

Dù vụ việc xảy ra với cháu H. là không thể chấp nhận, nhưng rất may cơ quan điều tra đã kịp thời vào cuộc, đảm bảo tính mạng và sự an toàn của bé đã được cơ quan chức năng bảo đảm.

Trong khi đó, việc người phụ nữ tên Phạm Thị Thành (31 tuổi, ở Lộc Hà - Hà Tĩnh) nhẫn tâm vứt con ruột xuống hố ga ở Hà Nội ngày 8-6 vẫn còn khiến nhiều người ám ảnh. Đối tượng ngay sau đó đã bị CA thị xã Sơn Tây ra quyết định khởi tố vụ án và bị can để điều tra về hành vi táng tận lương tâm này.

Người mẹ nhẫn tâm thả con xuống hố ga bị khởi tố 

Thành khai, ngày 6-6 đón xe buýt lên TX Sơn Tây chơi. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày thấy mình vỡ nước ối và trở dạ, Thành tìm đến ruộng rau cạnh đền Mẫu ở thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ rồi tự sinh. Vì kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và chẳng muốn ai biết sự việc nên ngay khi sinh, Thành bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt bỏ, xóa dấu vết rồi về trung tâm Hà Nội. Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng sinh linh bé bỏng đã không qua khỏi.

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Thành khai tất cả hành vi đã gây ra với thái độ lạnh lùng, khiến các điều tra viên không khỏi bức xúc trước thái độ nhẫn tâm của người mẹ này với núm ruột của mình.Hai câu chuyện chúng tôi vừa nêu chỉ là một trong số hàng trăm câu chuyện xoay quanh vấn đề xâm hại trẻ em và mỗi lần các em trải qua nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần thì chắc chắn sẽ để lại những vết hằn không dễ xóa.

Sao cứ mãi xảy ra?

Tại sao những vụ BH trẻ vẫn liên tục xảy ra? Biện pháp nào chặn đứng vấn nạn nhức nhối này, để không còn cảnh những đứa trẻ bị hành hạ? Rõ ràng trẻ nhỏ cần được cảm thấy an toàn trong gia đình, ở nhà trường và trong cộng đồng, tuy nhiên vấn nạn bạo lực, XHTD, bóc lột và lạm dụng vẫn xảy ra phổ biến trong xã hội.

Điều này xuất phát từ một phần văn hóa xưa, trong nhiều gia đình, bạo lực được sử dụng làm phương tiện để thiết lập hệ thống phân cấp của nam giới và củng cố nam tính. Hành vi như vậy bị ảnh hưởng bởi khả năng tài chính, trình độ học vấn của cha mẹ và các vấn đề khác như lạm dụng rượu bia hoặc ma túy.

Hiện nay, công tác bảo vệ quyền trẻ em đang được chính quyền, các hội, nhóm, đoàn thể và trường học tích cực tuyên truyền. Tuy vậy, sau những vụ việc đáng tiếc liên tục xảy ra, chúng ta không khỏi đặt câu hỏi vì sao vẫn còn nhiều trường hợp trẻ em bị BH mà vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ chấm dứt được vấn nạn trên?

Câu hỏi này ngoài trách nhiệm của các cơ quan tuyên truyền cẩn đặt thêm vấn đề có thể do các em hiểu biết hạn chế về quyền của mình nên không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi BH xảy ra.

Đừng dung dưỡng và bao che cho nạn bạo hành trẻ em!

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế khi các lực lượng cơ sở phụ trách các vấn đề liên quan tới gia đình vẫn chưa phát huy hết chức năng vốn có. Trẻ bị xâm hại dưới nhiều hình thức, như: bóc lột sức lao động, bắt đi ăn xin, bị BH gia đình, XHTD…

Trong khi đó, với hệ thống các văn bản pháp luật đang có hiệu lực thi hành có thể khẳng định không thiếu văn bản pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, kể cả biện pháp chế tài hình sự lẫn hành chính., nhất là khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em năm 1990.

Hình ảnh cắt từ clip ghi lại cảnh Thắng đánh đập tàn nhẫn cháu bé ở Q.Tân Phú

Tiếp đó, ngày 12-8-1991, Quốc hội Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đây là nền tảng quan trọng, là cơ sở pháp lý để cho ra đời hàng loạt quy định pháp luật khác để bảo vệ trẻ em.

Đó hoàn toàn là những cơ sở vững chắc về hệ thống pháp lý để các đơn vị có trách nhiệm phát huy tối đa sức mạnh của mình. Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức của người dân về mức độ nghiêm trọng của hành vi bạo lực gia đình, trong đó có xâm phạm đến quyền lợi của trẻ em.

Cần có cái nhìn đúng về quyền trẻ em

Chăm sóc tốt cho trẻ em không chỉ đáp ứng về ăn uống, điều kiện sống, học tập, mà còn phải đảm bảo được tình thương gia đình, sự tôn trọng và tạo điều kiện cho con trẻ phát triển. Tuy nhiên, đối với một số người, quyền trẻ em vẫn chưa được nhìn nhận đúng. Đặc biệt, tâm lý cha mẹ sinh con thì có toàn quyền quyết định và cư xử đối với con cái chính là rào cản lớn cho việc bảo vệ quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, cuộc sống mới với những trào lưu du nhập từ phương Tây đã dẫn đến nhiều bi kịch cuộc sống. Những đứa trẻ được sinh ra mà thiếu vắng cha hoặc mẹ, những chàng trai, cô gái vẫn còn tuổi “teen” đã phải khoác lên mình trách nhiệm của bậc sinh thành... đã làm tiền đề dẫn đến vấn nạn bạo lực gia đình và việc ly hôn.

Một cháu bé bị cha mẹ phạt cởi truồng ở Hà Nội

Lẽ ra lớp trẻ phải là những người có ý thức ứng xử văn minh, tôn trọng nhau, hiểu biết pháp luật, nhưng nhiều đối tượng có hành vi mạt sát, đánh đập hành hạ vợ con sau khi nhậu nhẹt, say xỉn, xem BH là quyền của mình, đã trở thành chuyện thường ngày trong gia đình.

Tâm lý này xuất phát một phần cũng do những định kiến sai lầm trong xã hội tồn tại từ trước đến nay. Bạo lực không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc hôn nhân, mà còn gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sự phát triển của những đứa trẻ sinh ra trong chính các gia đình xảy ra tình trạng BH.

Cháu bé bị người mẹ nhẫn tâm thả xuống hố ga suốt 40 tiếng đã qua đời, gióng lên hồi chuông về vấn đề bảo vệ trẻ em

Do vậy, vấn nạn bạo lực gia đình, đặc biệt là xâm hại đến quyền trẻ em, chỉ có thể được đẩy lùi bằng cách nâng cao nhận thức, hành động của tất cả mọi người.

Song song với đó, nạn nhân bị BH cần mạnh dạn tố cáo để có thể tìm lối thoát. Kẻ quen hành xử bằng bạo lực cần hiểu rằng phải từ bỏ thói hành xử vô văn hóa để không tự phá vỡ chính gia đình mình và không trở thành đối tượng phạm pháp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang