Điều đáng nói, sau những vụ vỡ nợ tiền tỷ, người dân gần như mất trắng số nông sản đã trót đặt niềm tin vào các đại lý.
Chỉ một tuyên bố “vỡ nợ”, dân mất tiền tỷ
Công ty TNHH MTV Hoàng Sang (gọi tắt Công ty Hoàng Sang, do bà Thái Thị An, SN 1973, ngụ tổ dân phố 2, TT.Ia Kha, H.Ia Grai, Gia Lai) làm người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật, là đơn vị chuyên buôn bán, nhận ký gửi nông sản (chủ yếu là cà phê và điều) của nhiều người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên đến ngày 12-3-2018, Công ty này tuyên bố vỡ nợ khi nhận một số lượng rất lớn nông sản của người dân mà chưa thanh toán đủ số tiền. Hơn 2 năm qua, nhiều hộ dân đang khốn cùng vì số nợ Công ty Hoàng Sang vẫn chưa được giải quyết.
Năm 2018, Công ty Hoàng Sang tuyên bố vỡ nợ, người dân kéo đến vây trụ sở
Đã hơn 2 năm nay, bà Phạm Thị Thể (SN 1969, ngụ xã Ia Krái, H.Ia Grai) phải chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi để trả món nợ hơn 11 tỷ đồng. Chuyện là đầu năm 2018, bà Thể vay mượn tiền đi mua hạt điều của người dân rồi đem bán cho Công ty Hoàng Sang.
Vì tin tưởng, chỉ trong vòng hơn 1 tuần, dù không được thanh toán đầy đủ, nhưng bà Thể liên tục bán hạt điều cho Công ty Hoàng Sang. Ngoài ra, bà Thể còn ký gửi và cho vay 200 tấn cà phê vào kho của Công ty Hoàng Sang.
“Hiện tại, Công ty Hoàng Sang còn nợ tôi hơn 11 tỷ đồng tiền mua hạt điều và 200 tấn cà phê (giá trị thị trường thời điểm đó là 7,4 tỷ đồng). Hơn 2 năm qua, tôi phải mượn của người thân và ngân hàng 12 tỷ đồng để trả thanh toán các khoản nợ do hệ lụy của bà Thái Thị An chủ Công ty Hoàng Sang bỏ trốn. Cũng từng ấy thời gian, tôi đi khắp nơi gõ cửa các cơ quan chức năng để được can thiệp, nhưng đến nay vẫn chưa thu được đồng tiền nợ nào”, bà Thể lo lắng.
Bà Thừa và chị Nghĩa bức xúc, trình bày với phóng viên
Chung hoàn cảnh là chị Đoàn Thị Nghĩa (SN 1973, ngụ thôn 3, xã Ia Tô, H.Ia Grai) khi số tiền tích góp, vay mượn bỗng dưng “bốc hơi” chỉ với một tuyên bố “vỡ nợ” của Công ty Hoàng Sang.
Chị Nghĩa chua xót cho biết, gia đình chị và Công ty Hoàng Sang buôn bán được khoảng 5 năm nay. Những năm trước, chị bán điều cho Công ty Hoàng Sang vẫn có chuyện nợ nần, nhưng sau đó được thanh toán sòng phẳng. Đến năm 2018, chị đứng ra thu mua điều của dân để đem bán cho Công ty Hoàng Sang, nhưng khác mọi năm, sau mỗi lần bán, phía công ty tìm mọi lý do xin nợ.
“Trong vòng 1 tuần, tôi bán cho Công ty Hoàng Sang hơn 60 tấn hạt điều, trị giá 2,7 tỷ đồng. Phía Công ty Hoàng Sang chỉ thanh toán cho tôi được 600 triệu đồng. Sau mỗi lần bán, tôi có hỏi bà Thái Thị An sao không trả nợ, thì được bà này trả lời là chờ phơi khô điều, hoặc hẹn đầu tuần trả. Tuy nhiên, chưa đến đầu tuần, bà An đã trốn khỏi địa phương. Từ đó đến nay, tôi không liên lạc, cùng không biết bà An đang ở đâu”, chị Nghĩa bức xúc.
Người dân sau khi bán hàng, ký gửi nông sản chỉ được nhận phiếu cân xe
Cũng như nhiều hộ ký gửi và bán nông sản khác, bà Đồng Thị Thừa (SN 1973, thôn 3, xã Ia Tô) đến nay vẫn không tin Công ty Hoàng Sang vỡ nợ thật.
Bà Thừa kể: “Sau mỗi lần bán, Công ty Hoàng Sang xuất phiếu cân xe thể hiện số hạt điều được mua vào. Ngoài ra, bà An cũng ghi số tiền đã trả và số nợ vào phiếu cân xe rồi đóng dấu của Công ty, gửi lại cho khác hàng. Số tiền Công ty Hoàng còn nợ tôi đến hiện tại là hơn 1 tỷ đồng được thể hiện rõ trên phiếu cân xe. Tôi vẫn đang giữ toàn bộ số phiếu cân xe để làm bằng chứng”.
Theo bà Thừa, Công ty Hoàng Sang không đơn thuần vỡ nợ. Bà Thừa dẫn chứng: “Trước ngày tuyên bố vỡ nợ, Công ty Hoàng Sang vẫn nhận hàng bình thường. Đến ngày 8-3, bà An còn cho 2 xe container chở nông sản từ kho xuống dưới Bình Phước bán, sau đó không còn liên lạc được nữa. Ngày 12-3-2018, chồng của bà An tuyên bố phá sản. Từ đó tới nay, tôi cố gắng liên hệ bà An nhưng không được”.
Vỡ nợ thật hay giả vỡ nợ?
Hơn 2 năm không đòi được nợ, 5 hộ dân ở H.Ia Grai đã làm đơn gửi tới Báo Công an TP.HCM để phản ánh. Ngoài hộ bà Thể, bà Thừa, chị Nghĩa còn có bà Nguyễn Thị Định và Nguyễn Thị Lơi cùng làm đơn. Số tiền 5 hộ dân này tố cáo bị Công ty Hoàng Sang nợ là hơn 24 tỷ đồng.
Trong đơn các hộ dân cho rằng, Công ty Hoàng Sang không phải vỡ nợ mà là hành vi chiếm đoạt tài sản của người dân. Các hộ cũng gửi đơn đến các cơ quan chức năng, để được xử lý theo quy định của pháp luật và làm rõ số tiền chiếm đoạt của người dân rốt cuộc đi đâu?
Hiện tại, trụ sở công ty cửa đóng then cài
Ngày 30-6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã có thông báo trả lời đơn của các hộ. Theo đó, không khởi tố vụ án hình sự và hướng dẫn người dân khởi kiện vụ việc ra tòa án nhân dân để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngày 7-7-2020, chúng tôi có mặt tại trụ sở của Công ty Hoàng Sang nhưng cửa đóng, then cài. Một người bảo vệ ở phía trong cho biết, giờ toàn bộ tài sản này không còn thuộc sở hữu của Công ty Hoàng Sang nữa mà đã được thế chấp trong ngân hàng. Hiện tài sản trên đất đang được ngân hàng rao bán chưa đến 300 triệu đồng. Do chưa bán được nên họ thuê người bảo vệ để tránh tình trạng mất mát.
Ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND H.Ia Grai cho biết, mấy năm nay, giá cà phê ở mức thấp nên có xảy ra các vụ vỡ nợ nông sản trên địa bàn. UBND huyện đã giao các cơ quan chức năng vào cuộc và khuyến cáo người dân để tránh việc ký gửi nông sản rồi dẫn đến đại lý, doanh nghiệp vỡ nợ.
Bên trong trụ sở công ty không còn gì đáng giá và đang bị ngân hàng xiết nợ
Nhận ký gửi, mua hàng với giá cao hơn thị trường, chậm trả và sau đó tuyên bố vỡ nợ là câu chuyện khá phổ biến đối với nông dân ở Tây Nguyên trong nhiều năm trở lại đây. Vì tin tưởng nên hầu hết giao kèo, hợp đồng ký gửi của nông dân với cơ sở được ký kết sơ sài, thậm chí nhiều người chỉ cam kết bằng lời. Đây là cơ sở để những người thu mua có ý đồ chiếm đoạt dễ dàng thực hiện hành vi của mình.
Luật sư Nguyễn Duy Ngọc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai phân tích: Tội lạm dụng tím nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định rất rõ tại điểm a, khoản 1, Điều 175 Bộ Luật hình sự 2015: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản cua người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó, hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tính không trả”.
Theo luật sư Ngọc, để xử lý về tội danh này cần phải chứng minh rõ đầu vào (số tài sản nông dân ký gửi) và đầu ra (doanh nghiệp bán tài sản đi đâu, tiền dùng vào mục đích gì…). Nếu làm rõ doanh nghiệp dùng số tài sản này vào mục đích riêng, không rõ ràng, có ý chiếm dụng thì đủ cơ sở để khởi tố. Nếu vỡ nợ giả thì cần xử lý thật nghiêm để có tinh răn đe và đảm bảo quyền lợi cho người dân.