Sạt lở triền miên ở miền Tây:

Kỳ cuối: Cần có những giải pháp căn cơ, bài bản

Thứ Ba, 07/07/2020 11:33  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Để từng bước hạn chế tình trạng sạt lở ngày một diễn ra nghiêm trọng như hiện nay, bên cạnh các biện pháp xử lý tình huống theo kiểu khẩn cấp, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có những giải pháp căn cơ, bài bản hơn.

Bờ kè Thới An (TP.Cần Thơ) hoàn thành đem lại niềm vui cho biết bao gia đình.

ĐỔI THAY Ở NHỮNG “ĐIỂM NÓNG” 

Trận sạt lở kinh hoàng diễn ra ngày 22-4-2017 trên sông Vàm Nao (thuộc tổ 12, ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang) khiến 14 căn nhà bị đổ sụp xuống sông và 108 hộ khác phải di dời khẩn cấp.

Sau đó, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã chỉ ra hai hố xoáy là một phần nguyên nhân gây sạt lở. Hố thứ nhất sâu 22m, dài 175m, rộng trên 90m, nằm sát đường liên xã. Hố thứ hai sâu 42m, dài 380m, rộng 180m, nằm giữa sông, song song hố thứ nhất, cách bờ hơn 300m. Tỉnh An Giang sau đó đã chi 47 tỷ đồng để lấp hố xoáy trên sông Vàm Nao. Hàm ếch khổng lồ nơi 14 căn nhà trôi xuống sông cũng đã được xây kè kiên cố.

Từ khi hai hố xoáy bị lấp xong, không còn ai nghe tiếng nước xoáy cũng như nhiều hộ dân dọn về đây sinh sống. Được cấp 3 nền tái định cư ở khu dân cư Mỹ Hòa nhưng gia đình quyết quay về nơi cũ vì thuận tiện cho việc bán nước giải khát.

Bà Tô Thị Kim Hồng (63 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hội) cho biết: “Hiện đã thả bao cát lấp hố xoáy rồi nên mình cũng không còn sợ gì nữa. Mỗi ngày ở đây buôn bán cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, có cái đắp đỗi qua ngày. Giờ đây mỗi chiều vui lắm vì người dân ra ngắm nhìn sông nước, tập thể dục. Chúng tôi mừng lắm vì khu vực này giờ đã được hồi sinh”.

Tương tự, tuyến kè kiên cố dài 430m với kinh phí hơn 50 tỷ đồng hoàn thành vào cuối năm 2019 đã đem lại cuộc sống mới cho hàng trăm hộ dân ở vàm Thới An (phường Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ).

Được biết, trong số hàng trăm điểm sạt lở trên địa bàn TP.Cần Thơ, điểm sạt lở ở vàm Thới An có thể nói là đặc biệt nhất, bởi bờ sông ở khu vực này bị sạt lở liên tiếp hai lần trong 2 năm. Hai trận sạt lở này đã ảnh hưởng trực tiếp tới 44 căn nhà ven sông Ô Môn, gây thiệt hại tài sản hơn 30 tỷ đồng.

Những ngày trung tuần tháng 6-2020, chúng tôi trở lại nơi đây đã chứng kiến sự hồi sinh kỳ diệu ở nơi từng tan hoang vì cơn giận của “thủy thần”.

Đang trò chuyện vui vẻ với hàng xóm trên bờ kè khá hoành tráng, ông Nguyễn Chí Đức (khu vực Thới Lợi) cho biết: “Nếu không có công trình này thì cuộc sống của người dân không biết phải làm sao. Sau khi bờ kè hoàn thành, gia đình đã xây dựng lại xưởng may như trước. Nhà cửa, công việc ổn định trở lại, giờ đây cứ mỗi chiều chúng tôi đều ra đây hóng mát”.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần hạn chế khai thác cát để giảm nguy cơ sạt lở.

NHỮNG GIẢI PHÁP CĂN CƠ 

Để chủ động ứng phó với sạt lở đất bờ sông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần An Thư cho rằng người dân cần thay đổi tập quán sinh sống ven sông hoặc kênh rạch, để hạn chế tải trọng đường bờ, tránh nguy cơ sạt lở. Các địa phương cũng cần quy hoạch lại dân cư, sắp xếp di dời dân vùng cảnh báo sạt lở vào các khu dân cư mới ở những vị trí có nền đất ổn định để tránh sạt lở. Bên cạnh đó, quản lý chặt các hoạt động xây dựng của người dân sống ven sông, kênh rạch, các hoạt động giao thông thủy bộ.

Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, để có thể khắc chế hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trước mắt cũng như lâu dài cần nghiên cứu xác định quy luật biến đổi lòng sông và các quy luật tác động đến sự ổn định của lòng, bờ, bãi sông. Bên cạnh đó, quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở bờ sông, bờ biển; đồng thời khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi trên sông để phòng, chống sạt lở bờ sông.

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL, việc chặn nguy cơ tan rã ĐBSCL là rất khó, chúng ta chỉ có thể hãm lại quá trình ấy chứ không thể nào chặn đứng hoàn toàn. Do vậy cần lập ra một bản đồ sạt lở, xác định các “điểm đen” sạt lở giống như “điểm đen” trong lĩnh vực giao thông.

Theo đó, những nơi có nguy cơ sạt lở cao sẽ dứt khoát không được bố trí khu dân cư, nhà cửa và các công trình trọng điểm. Còn ở các vùng ven biển, chỗ nào trồng cây được thì trồng, nơi nào xung yếu thì nghĩ tới giải pháp làm đê kè, nhưng phải hết sức hạn chế. Tiếp đến là phải hạn chế tối đa việc khai thác cát sông, đồng thời nghĩ tới giải pháp thay thế cát trong xây dựng. Riêng việc xuất khẩu cát thì phải chấm dứt, bởi không có lý do gì trong nước vẫn còn đang thiếu cát mà mình lại đi xuất khẩu.

Theo một số nhà khoa học, việc cấp bách hiện nay là sớm hoàn thiện đề án bố trí lại dân cư ven sông, kênh rạch, phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Để giảm thiệt hại không có cách nào tốt hơn là di dời dân và giữ khoảng cách an toàn trước các nguy cơ sạt lở. Đó chính là cách “né” sạt lở lâu dài và đem lại hiệu quả.

Bình luận (0)

Lên đầu trang