Chuyện ly kỳ về những toán Fulro gần 20 năm ẩn náu trong rừng sâu:

Kỳ 1: Cuộc trở về của gia đình "trung tá" tỉnh trưởng Tunéh Đen

Thứ Hai, 13/07/2020 15:47

|

(CATP) Để giữ vững an ninh quốc gia, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, lực lượng An ninh nhân dân đã luôn mưu trí, dũng cảm, kiên định, vượt qua nhiều thử thách, gian khổ, hy sinh. Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2020), Báo Công an TPHCM đăng loạt bài về những chiến công vẻ vang, hiển hách của lực lượng An ninh nhân dân trong quá trình đấu tranh, đẩy lùi, đập tan tổ chức Fulro, đưa những người lầm đường lỡ bước quay về với cuộc sống đời thường, đóng góp quan trọng vào bình yên trên những buôn làng Tây nguyên.

Sau năm 1975, trong khi nhiều người dân Việt Nam hân hoan với hòa bình, kết thúc cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm thì tổ chức Fulro lôi kéo hàng ngàn đồng bào chạy vào rừng, thành lập lực lượng vũ trang chống phá cách mạng, gây biết bao đau thương, đổ máu. Nhiều Fulro sau đó nhận ra sai lầm đã lần lượt ra hàng hoặc bị bắt, trở về với buôn làng, người thân, ổn định cuộc sống.

Một số Fulro bị lạc trong rừng sâu, lạc trong những suy nghĩ sai lầm, sống như người tiền sử! Mãi những năm 1994 - 1998, họ trở về, kể lại những câu chuyện ly kỳ... Việc xóa sổ tổ chức Fulro gây tang tóc cho các buôn làng, có sự đóng góp rất lớn của lực lượng An ninh nhân dân nhiều thế hệ trong suốt 45 năm qua.

Tháng 7-1994, Tunéh Đen (SN 1936) - nguyên "trung tá", tỉnh trưởng Phan Rang của Fulro - sau 19 năm lẩn trốn trong rừng đã đưa vợ con ra đầu thú tại Công an huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Ông Đen có mối tình rất đẹp với bà Kiều Thị Hương (dân tộc Chăm, kém ông 20 tuổi) - là một trong những nữ chiến binh của tổ chức Fulro.

Họ có tổng cộng 7 người con, trong đó 6 đứa sinh trong rừng thì có 2 đứa đã mất vì đời sống khắc nghiệt, khó khăn bởi rừng thiêng nước độc, 1 đứa con gái út là kỷ niệm sau khi cả hai đã về hàng cách mạng. Từ TPHCM, theo Quốc lộ 20, đi khoảng 250km sẽ đến ngã 3 Tà In, thêm khoảng 45km thì đến xã Đa Quyn thuộc huyện Đức Trọng. Nhà ông Tunéh Đen ở cách trung tâm xã chừng 2,5km. Ông Đen đã mất năm 2006 vì bệnh hiểm nghèo (ung thư gan), sau 13 năm ông trở về cuộc sống bình yên với vợ con, buôn làng.

Gia đình ông Tunéh Đen năm 2005

Đối với khung tổ chức Fulro ở địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ông Tunéh Đen là một thủ lĩnh bậc trung, dưới quyền chỉ huy của cấp bộ trưởng, thủ tướng cùng các phó thủ tướng - của tổ chức phản động Fulro. Ông Đen là con ông Gia Lâu và mẹ là người đứng đầu dòng họ Tunéh lớn nhất trong cộng đồng người Chu Ru ở vùng Đơn Dương, Đức Trọng (chế độ mẫu hệ). Học xong tiểu học, Đen đã ngoài 20 tuổi, được tuyển vào cảnh sát của chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH), sau đó được đào tạo 3 tháng ở trường cơ bản cảnh sát Đà Nẵng.

Ngày tỉnh Tuyên Đức (tên cũ của Đà Lạt và các vùng phụ cận: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng) được giải phóng, Tunéh Đen thấy mình có nợ máu với cách mạng nên rất sợ. Lúc ấy, ông Nahria Ya Đuk - nguyên đệ nhất phó thủ tướng Fulro (sau này ra hàng và tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng) - khuyên Đen nên về Sài Gòn rồi tìm đường ra nước ngoài. Đen từ chối với lý do "muốn chiến đấu cho Tây nguyên". Ông Ya Đuk cảm mến, phong cho Đen cấp bậc "đại úy", chỉ huy lực lượng Fulro hơn 70 tay súng, hoạt động ở vùng rừng núi Đơn Dương.

Đầu năm 1978, nhóm của Đen bị bộ đội đánh tan, Đen bị bắt, sau đó được giáo dục và trả tự do, Đen chạy luôn vào rừng, nhập toán của "trung tá" Ha-bốt (có khoảng 50 tay súng), hoạt động ở núi Voi, Đức Trọng.

Bà Kiều Thị Hương và tác giả trong lần gặp lại năm 2019

Đầu năm 1979, Ha-bốt cử Đen và 10 tay súng hộ tống ông ta đi bộ băng rừng ròng rã 3 tháng, sang Campuchia liên lạc với "tổng hành dinh" Fulro. Đen được Paul Nưh - phó thủ tướng kiêm tổng trưởng Fulro tiếp đón và phong "trung tá", tỉnh trưởng Phan Rang kèm những lời nhồi nhét, "quyết tử vì Tây nguyên", chống phá đến cùng Đảng, Nhà nước ta. Nhận hàm, cấp cùng những lời giáo huấn của cấp trên, Đen hăm hở lội rừng cũng đúng thời gian 3 tháng để trở về "nhiệm sở" ở vùng rừng núi sông Mao, giáp ranh giữa Nha Trang - Phan Rang. Lúc đầu, ngài "tỉnh trưởng" có 20 quân, 10 súng; sau tăng lên 40 quân, 17 súng.

Một ngày đầu năm 1982, Đen tiếp nhận thêm một toán Fulro khác có 5 nam, 3 nữ, trong đó có một cô gái trẻ đẹp người dân tộc Chăm tên Kiều Thị Hương (SN 1956). Cô Hương quê ở xã Ninh Hải, huyện Ninh Phước - Ninh Thuận. Học được nửa kỳ lớp 12, giải phóng về, Hương bị những phần tử phản động tuyên truyền xuyên tạc sự thật về cách mạng nên dao động, bỏ nhà theo Fulro.

Sau 6 năm lưu lạc trong rừng, chờ đón thủ lĩnh Fulro vùng Phan Rang - Đức Trọng để phụng sự, chờ được "đổi đời", có cơm no áo mặc, nhóm của Hương gặp được toán của ông Tunéh Đen, Hương được chọn làm "thư ký" cho "tỉnh trưởng". Một cách vừa tự nguyện, vừa bị cưỡng ép, Hương trở thành vợ ngài "tỉnh trưởng" và sinh liền cho ông 7 người con. Nhưng điều kiện khắc nghiệt trong rừng đã cướ pđi 2 đứ acùng hơn nửa số lính của Đen.

Giữa năm 2019, lần thứ hai chúng tôi tìm về gặp bà Kiều Thị Hương, sau gần 25 năm bà cùng gia đình trở lại với cuộc sống đời thường, bà kể rành rẽ: "Hồi năm 1975, mình bị nhiều người đến nhà, đi theo tuyên truyền dữ lắm. Họ nói bị mất chế độ rồi, nếu ở lại sẽ bị cộng sản bắt tù, đánh đập; con gái chưa chồng sẽ bị bắt lấy những Việt Cộng tàn tật, gãy chân tay, chột mắt, sống sót sau chiến tranh. Đói, khổ lắm. Mình khi đó 17 tuổi, nghe vậy sợ lắm nên bỏ nhà đi. Chẳng thương nhớ gì người thân đâu. Nghĩ rằng mình đi là tìm lý tưởng cho mình, lấy người mình thích, mình yêu, sẽ được đưa đi nước ngoài, được có cơm no áo mặc.

Năm 1982, sau 6 năm lặn lội giữa rừng, nhóm của mình gặp được nhóm của ông Đen. Ông Đen khi đó là thủ lĩnh, cấp trên của mình. Hộ tống ông có khoảng 40 người đều là đàn ông. Mình khi đó được giao nhiệm vụ vừa là thư ký, vừa là người phục vụ cơm, nước cho ông. Mình coi ông như bậc cha chú, luôn một phép phục tùng.

Cho đến ngày ông Đen mất, tôi vẫn gọi ông bằng chú, khó cất lời gọi anh - em, vì ngại lắm, trong lòng vẫn coi ông như bậc cha chú của mình. Bị ông Đen hay ai nhắc nhở, tôi thỉnh thoảng thay đổi gọi "ba thằng Hoa" (Hoa - con trai đầu của vợ chồng bà Hương) cho đỡ ngại".

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang