(CATP) Không thể phủ nhận các trường quốc tế mang đến cho HS cơ sở vật chất tốt, các em được tiếp cận phương pháp giảng dạy đa dạng, kỹ năng ngoại ngữ và tinh thần làm việc nhóm tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại không ít khó khăn, nhất là khi vì điều kiện kinh tế hoặc một số nguyên nhân khác, các em buộc phải chuyển trường, khó theo kịp bạn bè, do chương trình đào tạo khác nhau...
LÙM XÙM THU HỌC PHÍ
Dù Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT TPHCM đã yêu cầu các trường tư thục phải trao đổi, thỏa thuận mức thu học phí với PH, nhưng thời gian gần đây, nhất là những tháng nghỉ dịch Covid-19 đã nảy sinh nhiều vấn đề quanh việc thu phí ở một số trường quốc tế khiến PH bức xúc.
Ngày 8-4, Trường VAS thuộc Công ty CP giáo dục quốc tế Việt Úc thông báo gia hạn thời gian thanh toán học phí thêm 4 tuần và các chi phí chưa trả cho học phần 4 của năm học 2019 - 2020 trước ngày 25-4, khiến nhiều PH phản đối, cho rằng trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, con cái họ chỉ được học online, không đến trường, không sử dụng dịch vụ và thụ hưởng đầy đủ kiến thức như trước đó, nên yêu cầu thanh toán học phí 100% là vô lý. PH Trường VAS đã 3 lần tập trung tại cơ sở trên đường 3-2 (Q10) yêu cầu trao đổi với nhà trường, nhưng không được chấp nhận.
Ngày 30-5, khoảng 100 PH làm đơn kiện Trường VAS với các nội dung phản đối việc thu 30% học phí online mà không được sự thỏa thuận của PH, không đồng ý về giờ học bổ sung 10 tiết/ngày cho HS trung học cơ sở, trung học phổ thông; chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền mà PH chưa sử dụng. Ngoài ra, PH còn gửi đơn kiến nghị lên UBND và Sở GD-ĐT TPHCM. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT trực tiếp gặp PH và nhà trường để giải quyết thỏa đáng.
Sự việc thu học phí chưa lắng xuống thì mới đây, ngày 2-7 nhiều PH phản đối chính sách học phí trong dịch Covid-19 của Trường VAS bất ngờ nhận được thông báo khó hiểu khi nhà trường ngưng tiếp nhận nhiều HS tiếp tục học tại trường năm học 2020 - 2021 (!).
Phụ huynh phản đối việc thu học phí trong thời gian nghỉ dịch Covid-19 chưa hợp lý tại một số trường quốc tế
Tương tự, ngày 6-5, hàng chục PH Trường AIS Saigon kéo đến cơ sở Thủ Thiêm trên đường Mai Chí Thọ (Q2) phản đối việc thu học phí, chất lượng dạy học trong thời gian HS nghỉ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ngày 22-5, khoảng 30 PH có con đang học tại trường tiếp tục kéo đến cơ sở Thủ Thiêm để phản đối nội dung trên. Chị Nguyễn Thùy Vân (ngụ Q2), có con đang học ở trường, phản ánh: "Dịch bệnh ảnh hưởng đến toàn thế giới, nếu nhà trường có thư ngỏ kêu gọi PH hỗ trợ thì chúng tôi sẵn sàng, đằng này họ tự tiện áp đặt việc thu phí và làm ngơ ý kiến của PH là không thể chấp nhận được".
Nhiều PH Trường Quốc tế Mỹ (TAS), Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) tại TPHCM cũng bày tỏ sự bất bình trước chính sách thu học phí không hợp lý trong thời gian nghỉ dịch.
Ngày 11-5, Bộ GD-ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD-ĐT năm học 2019 - 2020, 2020 - 2021 và chỉ đạo điều hành giá. Theo bộ, trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, việc thực hiện các khoản thu đối với năm học 2019 - 2020 phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và thỏa thuận thu trên cơ sở triển khai thực tế công tác giảng dạy. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh kiểm tra các khoản thu - chi trong cơ sở giáo dục trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng thu sai quy định, lạm thu.
NHỮNG KHÓ KHĂN KHI CHỌN TRƯỜNG QUỐC TẾ
Theo nhiều chuyên gia ngành Giáo dục, các trường quốc tế dù tốt đến mấy vẫn có thể coi là "giả lập", mô phỏng các trường ở nước sở tại. HS học trong trường này vốn quen với môi trường giáo dục được phục vụ như "thượng đế”, khi chuyển sang môi trường mới, hầu hết các em cảm thấy xa lạ, khó hòa nhập; trong khi học phí trường quốc tế cao ngất ngưởng cũng là rào cản lớn đối với nhiều PH.
Liên quan tới việc chuyển trường cho HS, hầu hết nhân viên tuyển sinh của nhiều trường quốc tế khẳng định HS đang học trường này muốn chuyển qua trường công lập là không được, bởi học bạ của các em không có trong hệ thống của Sở GD-ĐT. Khi sang trường công lập, HS bị sốc về kiến thức do chương trình đào tạo của trường quốc tế khác hoàn toàn với trường công; nhiều trường hợp phải chuyển sang các trường quốc tế khác hoặc trường song ngữ với mức học phí cũng đắt đỏ không kém.
Thông báo khó hiểu của Trường VAS
Cho con học trường quốc tế gần chục năm nay, vợ chồng chị Phan Thị Nhung (ngụ Q.Bình Thạnh) lo lắng khi con mình có dấu hiệu "Tây hóa". Nhiều lúc nói chuyện với ông bà nhưng cháu sử dụng kiểu xưng hô "I - you", "yes - no"... trong tiếng Anh thay cho kiểu "gọi dạ bảo vâng" khiến người lớn tuổi cảm thấy không được tôn trọng. Ngoài việc không rành Tiếng Việt, con chị cũng không nắm rõ kiến thức về địa lý, lịch sử Việt Nam.
Đối với hệ song ngữ, cùng lúc HS phải "gánh" 2 chương trình nên áp lực bài vở rất nặng nề; nhiều khi quá tải, hiệu quả học tập mang lại đôi khi không đạt như kỳ vọng. Một nhân viên tuyển sinh đưa ra lời khuyên: "Mục đích của con là học đại học nên không nhất thiết cùng lúc học 2 chương trình, 2 tấm bằng phổ thông. PH cũng cần ước lượng khả năng tài chính của mình, bởi khi đã cho con theo trường quốc tế thì nên cho con theo từ lớp 1 đến lớp cuối cùng, không nên bỏ ngang giữa chừng mà mất tiền, mất thời gian lẫn công sức của con cái".
Đề cập đến chất lượng trường quốc tế hiện nay, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ GD-ĐT, cho biết: "Tên gọi nhà trường chưa nói lên tất cả”. Nhiều PH cho con em học trường quốc tế nhưng đôi khi chưa tìm hiểu kỹ về chương trình giảng dạy cũng như các khó khăn mà những trường này mang lại. GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho biết: "PH cần tìm hiểu kỹ về trường quốc tế để tránh ngộ nhận. Thực chất đó là trường ở Việt Nam nhưng chỉ tên gọi có gắn chữ quốc tế mà thôi".
Để có được kết quả học tập tốt, ngoài môi trường giáo dục, môi trường gia đình, xã hội còn phụ thuộc rất nhiều vào tư chất, sự nỗ lực của mỗi HS. Trong nhiều chương trình thi cử đậm chất trí tuệ của HS bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông như: Đường lên đỉnh Olympia, Toán quốc tế, Vật lý quốc tế..., không thiếu HS trường công đạt thành tích cao, giành được học bổng đi du học.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, tại Việt Nam, trong số trường mang danh quốc tế có những đơn vị đạt chuẩn, nhưng bên cạnh đó cũng có trường không đúng thực chất. Do vậy, PH nên cẩn trọng hơn trong việc chọn trường cho con em mình và điều cần lưu ý là dù trường công hay tư, trách nhiệm của người làm cha làm mẹ trong việc giáo dục con có tư duy và nhân cách tốt là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với xã hội vì làm giáo dục là liên quan đến con người...
(CATP) Mặc dù đang trong thời gian nghỉ hè, nhưng nhiều phụ huynh (PH) đã rục rịch tìm trường cho con. Trong khi đa số chọn trường công lập thì không ít gia đình cho con em vào các trường quốc tế, với mức học phí ngất ngưởng.