(CAO) Ngày 4-6, TAND Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) tuyên xử án dân sự “Yêu cầu tiếp tục cung ứng dịch vụ; Đòi lại tiền cọc và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.
Nguyên đơn là anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ QHải Châu, TP.Đà Nẵng). Bị đơn là Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (gọi tắt là nhà trường, trực thuộc Công ty CP KinderWorld Việt Nam).
Theo hồ sơ, anh Tuấn gửi đơn kiện yêu cầu nhà trường tiếp tục hợp đồng dịch vụ; trả tiền phí đặt cọc; bồi thường tổn thất tinh thần; bồi thường khoản tiền chênh lệch học phí do việc ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục của trường và công khai xin lỗi trên thông tin đại chúng.
Đại diện phía nguyên đơn là gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn.
Con anh Tuấn là N.X.B. (SN 2013) học tại Trường từ mẫu giáo. Năm 2019, cháu B. vào cấp tiểu học. Ngày 26-5-2019, anh Tuấn ký 2 văn bản cung cấp dịch vụ (các khoản phí đặt cọc, ghi danh, giữ chỗ, cam kết…) do trường soạn để đăng ký nhập học cho cháu B. với hơn 220 triệu đồng/năm.
Nhận thấy khoản phí đặt cọc 8 triệu đồng không đúng quy định pháp luật, anh Tuấn nhiều lần phản ứng, xảy ra mâu thuẫn với nhà trường sau đó khiếu nại đến UBND TP.Đà Nẵng, Sở GD&ĐT, thông tin đến báo chí; kiện ra tòa.
Tại phiên tòa, vợ chồng anh Tuấn bày tỏ các khiếu nại, bức xúc về một số xử lý, giải quyết, ứng xử của phía nhà trường.
Đại diện nhà trường và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà trường trình bày các quan điểm, luận cứ phản bác lại các nội dung của gia đình anh Tuấn; khẳng định phí đặt cọc (8 triệu đồng) là thỏa thuận dân sự như một khoản tiền ứng trước để đảm bảo quá trình thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ giáo dục nhằm chi trả các nghĩa vụ tài chính phát sinh do những rủi ro trong quá trình học tập của học sinh tại trường.
Khoản tiền đặt cọc này sẽ được hoàn trả lại cho phụ huynh khi học sinh thôi học tại trường sau khi đã khấu trừ các nghĩa vụ tài chính mà phụ huynh phải thực hiện (nếu có)...
Phiên xét xử phụ huynh kiện Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng.
Qua xem xét hồ sơ, tư liệu, trình bày tại tòa, HĐXX TAND Q.Ngũ Hành Sơn thấy rằng việc ký văn bản về cung cấp dịch vụ giáo dục giữa phụ huynh và nhà trường là thỏa thuận dân sự do ý chí tự nguyện; phù hợp với nội dung công văn ngày 17-7-2019, trước khi cháu B. nhập học, mẹ cháu B. đã ký cam kết chấp nhận các điều kiện nhập học và các khoản tiền mà phụ huynh phải chi trả cho việc học tập của con mình trong suốt quá trình học tập tại trường…
Sau khi chấm dứt việc học của cháu B., nhà trường đã nhiều lần chuyển lại số tiền anh Tuấn đã nộp nhưng phụ huynh không chấp nhận và chuyển trả lại nên việc nguyên đơn yêu cầu nhà trường bồi thường tiền tổn thất, buộc công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng là không cơ sở.
Sau 2 ngày xét xử, HĐXX tuyên bác đơn khởi kiện của anh Tuấn.