Xét xử vụ "Tố giác tội phạm tại Kiên Giang, thành... bị cáo ở Hậu Giang":

Tòa yêu cầu điều tra bổ sung

Thứ Năm, 04/06/2020 09:53  | Văn Cương

|

(CATP) Phiên tòa diễn ra tại trụ sở TAND tỉnh Hậu Giang kéo dài đến hơn 18 giờ ngày 1-6-2020 với phần tranh luận nảy lửa giữa các luật sư (LS) và đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Hậu Giang.

Dù chứng cứ buộc tội lỏng lẻo nhưng kiểm sát viên (KSV) đề nghị mức án 23 năm tù dành cho Nguyễn Hữu Thảo - cựu phó giám đốc (PGĐ) Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim (TTMSNK) Hậu Giang, khiến cả phòng xử án giật mình...

QUYỀN "SINH, SÁT" CỦA ÔNG CHỦ "LỚN" (!)

Sau phần khai mạc, KSV Phạm Chi Lăng, đọc bản cáo trạng dài 10 trang, được tóm tắt như sau: Ngày 15-9-2018, Công ty CPTM Nguyễn Kim (trụ sở 63 - 65 - 67 Trần Hưng Đạo, Q.1, TPHCM) tiến hành kiểm tra kho hàng của TTMSNK Hậu Giang tại P1, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, phát hiện 184 sản phẩm (ti vi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt) "bị mất", trị giá 2,058 tỷ đồng.

PGĐ Nguyễn Hữu Thảo thừa nhận đã chỉ đạo xuất bán hàng trái quy định của Công ty Nguyễn Kim. Do Thảo không chịu khắc phục nên Nguyễn Kim gửi đơn tố giác. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hậu Giang ra quyết định (QĐ) khởi tố vụ án, bắt tạm giam Thảo ngày 1-2-2019 về hành vi "tham ô tài sản". Sau đó, Cơ quan CSĐT xác định: Thảo chỉ "tham ô” 430,4 triệu đồng; số tiền 1,628 tỷ đồng còn lại, Thảo vi phạm về kế toán. Ngày 11-12-2019, Cơ quan điều tra ra QĐ bổ sung, khởi tố Thảo thêm tội "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 221 BLHS năm 2015.

Cáo trạng quy kết: Vì động cơ vụ lợi cá nhân, từ tháng 8 đến 9-2018, Thảo lợi dụng chức quyền được giao, chỉ đạo nhân viên TTMSNK Hậu Giang bán 184 sản phẩm không đúng quy định do Tổng GĐ Công ty Nguyễn Kim ban hành. Cụ thể:

Thảo chỉ đạo trưởng phòng kho vận Hoàng Văn Hải xuất 135 sản phẩm bán cho Đỗ Tuấn Phong (trưởng phòng kinh doanh TTMSNK Kiên Giang, đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang bắt tạm giam về hành vi "tham ô tài sản" trong vụ án khác), trị giá 1,628 tỷ đồng để ngoài sổ sách kế toán. Do Phong mất khả năng chi trả, làm thiệt hại cho Nguyễn Kim. Thảo chỉ đạo Hải xuất 49 máy lạnh bán cho ông Trần Chiến Thắng và bà Trần Thị Loan (cùng ngụ TPHCM) với giá 430,4 triệu đồng, nhưng không nộp lại cho Nguyễn Kim, mà chiếm đoạt để sử dụng cá nhân.

Quy kết Thảo hai tội danh nhưng cáo trạng lại châm chước cho tất cả những người liên quan, trong đó có Hoàng Văn Hải với lý do khó ngờ. Cáo trạng xác định: Bản thân Hải biết xuất hàng ra khỏi kho mà không có hóa đơn, chứng từ là sai quy định nhưng vì tin tưởng Thảo là cấp trên, bán hàng vì lợi ích của trung tâm nên làm theo chỉ đạo.

Quá trình điều tra, Hải đã thật thà khai báo và Công ty Nguyễn Kim đã có đơn "xin" tha nên không xử lý hình sự đối với Hải là có căn cứ (?!). Đối với Khuê Khúc Tam Kỳ, Phạm Văn Thành, Nguyễn Thị Bé Xinh (kế toán), Nguyễn Văn Loan (nhân viên kinh doanh) có hành vi xuất hóa đơn "khống", nhưng làm theo sự chỉ đạo của Thảo nên cũng được "tha bổng" (?!).

Đối với Đỗ Tuấn Phong, cáo trạng xác định việc mua bán hàng hóa giữa Thảo và Phong là "quan hệ dân sự" nên cũng không xử lý Phong (?!).

HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung

KIỂM SÁT VIÊN LÚNG TÚNG, TÒA YÊU CẦU BỔ SUNG (!)

Ngay khi KSV đọc xong và "tự đính chính" bản cáo trạng vì có sơ sót, bị cáo Thảo đã lên tiếng kêu oan trước HĐXX về cả hai tội danh. Trước đó, bị cáo và gia đình liên tục có đơn kêu cứu, gửi khắp nơi.

Thảo thừa nhận việc bán hàng chưa tuân thủ theo quy định của Công ty Nguyễn Kim nhưng hoàn toàn không có chiếm đoạt hay vụ lợi cá nhân. Mục đích của việc làm này là nhằm hoàn thành chỉ tiêu doanh số cũng như duy trì sự tồn tại và phát triển của TTMSNK Hậu Giang mới được thành lập với gần 60 nhân viên. Việc bán hàng như trên, gần như toàn thể nhân viên đều biết rõ và đồng tình. Số hàng bán được, Thảo giao phòng kinh doanh chia đều cho nhân viên bán hàng để được hưởng năng suất (tiền thưởng) từ 0,4 - 0,9%/sản phẩm.

Sau khi xảy ra sự cố bị Phong chiếm đoạt tiền, cả 7 nhân viên chủ chốt của trung tâm đều thừa nhận và chịu trách nhiệm về "khoản công nợ" 2,058 tỷ đồng. Trong đó, Thảo chịu 72%, Hoàng Văn Hải chịu 10%, Khuê Khúc Tam Kỳ và Phạm Văn Thành mỗi người chịu 5%...

Tại phiên tòa, Phong xác định chỉ nợ hơn 1,628 tỷ đồng. Trong khi trước đó, Phong viết bản cam kết ngày 30-10-2018 tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang, khẳng định: "Tôi mua hàng từ TTMSNK Hậu Giang và chịu trách nhiệm trước pháp luật cho việc thanh toán toàn bộ khoản nợ 2,027 tỷ đồng". Phong khai, con số 2,027 tỷ đồng mà y viết ra trước đây nhằm "trả ơn" Thảo (?!).

Liên quan đến 49 sản phẩm bán cho ông Thắng - bà Loan, Thảo khai: Chỉ bán hàng cho ông Châu Đức Thanh (ngụ Q.10, TPHCM); bị cáo không bán và cũng không biết ông Thắng - bà Loan. Đối với số tiền 430,4 triệu đồng, kế toán TTMSNK Hậu Giang là Lưu Thị Ngọc Nguyên đã quyết toán vào công nợ cuối tháng 8-2018 các sản phẩm xuất bán cho Phong nhưng chưa trả tiền. Kế toán Nguyên đã lập danh sách chi tiết cùng các chứng từ thu tiền theo dõi, thể hiện rõ trong hồ sơ.

Quá trình thẩm vấn, ba LS bào chữa cho bị cáo đặt ra rất nhiều câu hỏi, cũng là những điểm "mờ" của vụ án, chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, KSV Phạm Chi Lăng vẫn bảo lưu cáo trạng, quy kết và luận tội đối với Thảo, rồi đề nghị mức án dành cho bị cáo từ 21 đến 23 năm tù cho hai tội danh.

Tranh luận với KSV, các LS trưng ra hàng loạt bằng chứng để chứng minh, việc quy kết bị cáo phạm hai tội đều thiếu căn cứ, có dấu hiệu oan sai. Trên thực tế, ông Thảo không hề chiếm đoạt, cũng không có vụ lợi cá nhân. Nhiều vấn đề LS đưa ra tranh luận khiến KSV lúng túng, đối đáp thiếu sự thuyết phục. Do đó, cả ba LS đều kiến nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Sau khi nghị án, HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Hậu Giang điều tra bổ sung bốn nội dung, nhằm giải quyết khách quan, toàn diện vụ án:

Thứ nhất, làm rõ trách nhiệm của Hoàng Văn Hải trong vụ án để làm căn cứ xác định đối tượng này có đồng phạm với bị cáo Thảo hay không?

Thứ hai, tại phiên tòa, Thảo khai nhận số tiền 430,4 triệu đồng bán hàng, bị cáo đã nhận đủ. Do công nợ cuối tháng 8-2018 đã quá hạn nên bị cáo thống nhất với kế toán sử dụng toàn bộ số tiền này trả trước cho các đơn hàng xuất bán cho Đỗ Tuấn Phong. Kế toán cũng thừa nhận có nhận tiền của Thảo để quyết toán công nợ cho TTMSNK Hậu Giang nhưng không xác định được cụ thể là công nợ nào. Do đó, cần điều tra làm rõ để xác định ý thức và hành vi chiếm đoạt tài sản của bị cáo đối với 430,4 triệu đồng để truy tố tội "tham ô tài sản".

Thứ ba, tại phiên tòa bị cáo Thảo cho rằng, không xuất bán hàng cho ông Thắng và bà Loan mà giao dịch với ông Châu Đức Thanh. Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa làm rõ, do đó cần đưa Châu Đức Thanh vào tham gia tố tụng để làm rõ Thảo xuất bán hàng 430,4 triệu cho ai cũng như vai trò của đối tượng đó trong vụ án.

Thứ tư, kết luận giám định ngày 13-1-2020 số tiền 2,058 tỷ đồng không nằm trong hệ thống sổ sách của TTMSNK Hậu Giang; cần giám định bổ sung làm rõ hệ thống sổ sách này có phải là sổ kế toán theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 221 BLHS 2015 hay không, để làm căn cứ kết luận hành vi phạm tội của bị cáo.

Báo CATP tiếp tục theo dõi và sẽ phản ánh khi có diễn biến mới về vụ án này.

Tố giác tội phạm tại Kiên Giang, thành... bị can ở Hậu Giang(!)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang