(CAO) Theo đơn cầu cứu của nạn nhân, sau khi gửi đơn tố cáo, ngày 30-9-2019, Trung tá Trần Văn Phú, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ký văn bản phục hồi điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” liên quan đến mua bán căn nhà số 74 đường Minh Phụng (P.5, Q.6). Tuy nhiên đến nay, những người liên quan đến vụ việc trên vẫn chưa bị xử lý, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Ngày 01-6-2020, ông Trương Quang Nhơn (SN 1987, ngụ P.14, Q.3), nạn nhân của vụ án cho biết: “Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án từ lâu, nhưng đến nay các đối tượng liên quan vẫn chưa bị xử lý nghiêm theo pháp luật, tôi rất lo lắng vì thời gian gần đây còn nhận được các tin nhắn có nội dung đe dọa, thách thức”.
Qua xem xét hồ sơ, nhận thấy vụ việc diễn ra hết sức ngoạn mục, như một kịch bản hoàn hảo được dựng sẵn, rất tinh vi, chuyên nghiệp.
Ông Nhơn với nhiều tờ đơn kêu cứu
Theo hồ sơ vụ việc, đầu năm 2017, qua mối quan hệ bạn bè, ông Trương Quang Nhơn quen biết với bà Ngô Hoàng Cát Tiên (ngụ TP.HCM). Ngày 8-2-2017, ông Nhơn đồng ý cho bà Tiên vay số tiền 21 tỷ đồng. Hai bên có ký giấy vay tiền tại Văn phòng Công chứng Hoàng Xuân (Q.5).
Đến ngày 14-3-2017, bà Tiên báo với ông Nhơn cần ông giao số tiền 18 tỷ đồng và hứa sẽ trả toàn bộ số tiền vay này ngay khi làm thủ tục sang tên giấy tờ căn nhà 74 Minh Phụng (P.5, Q.6). Để đảm bảo việc thanh toán tiền, bà Tiên đồng ý sẽ ủy quyền cho ông Nhơn là người được toàn quyền định đoạt tài sản là căn nhà trên, và ủy quyền cho ông Nhơn là người thực hiện hoàn tất thủ tục chuyển nhượng sang tên, thế chấp hoặc bảo lãnh thế chấp... ngay sau khi bà Tiên ký hợp đồng mua bán với bên bán căn nhà 74 Minh Phụng. Ông Nhơn đồng ý.
Sổ đỏ giả của căn nhà trên được nhóm người đưa đến Văn phòng công chứng số 2 chứng thực
Hợp đồng mua bán căn nhà 74 Minh Phụng diễn ra tại Phòng Công chứng số 2 (Q.5). Lúc này, ông Nhơn gặp bà Ngô Thị Ngọc Bích là người được bà Tiên giới thiệu chủ căn nhà và một người nữa tên là Lê Thị Thiên Hương.
Tại đây, bà Hương được giới thiệu là người đang cầm giữ sổ hồng căn nhà 74 Minh Phụng do bà Bích thế chấp vay tiền của bà Hương. Do hồ sơ có nhiều rắc rối, ông Nhơn định không tiếp tục thực hiện hợp đồng thì nhóm người trên thuyết phục, hợp đồng mua bán giữa bà Hương và bà Bích sẽ hủy. Bà Bích là chủ tài sản sẽ ký hợp đồng bán cho bà Tiên ngay tại Phòng công chứng số 2... Sau đó, bà Tiên sẽ ủy quyền cho ông Nhơn.
Từ ngày thông báo phục hồi điều tra đến nay, những người liên quan vẫn chưa bị xử lý
Tại Phòng công chứng số 2, ông Nhơn đã giao cho bà Tiên số tiền 10,6 tỷ đồng. Số tiền còn lại 7,4 tỷ đồng, bà Tiên yêu cầu ông Nhơn chuyển vào các tài khoản đứng tên Phạm Thị Xuân, Ngô Hoàng Cát Tiên, Lê Xuân Trung. Hợp đồng được ký kết, nhóm phụ nữ trên giao cho ông Nhơn 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất (sổ hồng) số CH 04626 (vì tài sản đồng sở hữu) do UBND Q.6 cấp ngày 13/12/2010 (số phôi sổ là: BB475300 - BB427701).
Ông Nhơn hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế chuyển nhượng căn nhà và làm thủ tục tiếp theo tại Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Q.6 thì nơi đây khẳng định 2 sổ đỏ CH 04626 (số phôi sổ là: BB475300 - BB427701) có nội dung không phù hợp dữ liệu do Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Q.6 quản lý.
Ngày 13-4-2017, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM đã tiếp nhận hồ sợ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” do Cơ quan CSĐT CAQ.5 chuyển đến. Ngày 14-4-2017, Phòng Kỹ thuận Hình sự CATP có bản kết luận giám định 2 sổ đỏ trên là giả. Ngày 30-9-2019, Cơ quan CSĐT CATP đã có thông báo phục hồi điều tra vụ án. Theo ông Nhơn, hơn 3 năm tố cáo, CATP đã khởi tố vụ án, giám định sổ đỏ nhưng đến nay những người liên quan chưa bị xử lý. Thậm chí ông Nhơn còn nhận được những tin nhắn có nội dung đe dọa, tách thức.
Ông Nhơn cho rằng, Văn phòng công chứng phải có trách nhiệm trong vụ việc này, bởi với nghiệp vụ, trách nhiệm của mình, các công chứng viên phải biết được đâu là sổ đỏ thật, đâu là giả để ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người dân, không tiếp tay cho tội phạm. Đằng này Văn phòng công chứng không hiểu vì lý do gì không phát hiện sổ giả, vẫn chứng thực hợp đồng. Vậy nên ông Nhơn mới trả tiền cho nhóm người trên.
Cũng theo ông Nhơn, căn nhà số 74 Minh Phụng trước đó có hợp đồng mua bán tại Văn phòng công chứng ở quận 3. Từ thông tin trên, Văn phòng Công chứng số 2 (quận 5) xác nhận tài sản có thực. Ông Nhơn cho biết, do có hợp đồng công chứng trước đó cũng như các thông tin giao dịch trên cổng thông tin tư pháp là có nên ông không nghi ngờ.
Sau khi Văn phòng công chứng số 2 chứng thực hồ sơ trên, ông Nhơn đến các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục tiếp theo thì ông mới biết đó là sổ giả, lúc này thì ông đã chuyển cho "đối tác" 18 tỷ đồng. “Nếu cơ quan chức năng không sớm làm rõ, khởi tố bị can, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật thì có thể nhiều người dân khác sẽ sập bẫy như tôi”, ông Nhơn cho biết.
(CATP) Ngày 30-9-2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra thông báo phục hồi điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức liên quan đến tố cáo của ông Trương Quang Nhơn (SN 1987, ngụ P.14, Q.3, TP.HCM).