Nghi vấn thẩm phán “làm phép” ép bị đơn?

Thứ Hai, 01/06/2020 09:39  | Hồng Cường

|

(CATP) Thẩm phán Đỗ Duy Học (TAND huyện Bù Đăng, Bình Phước) đang là tâm điểm của nghi án “làm chiêu” cho nguyên đơn, gây thiệt hại tài sản của bị đơn. Quá bức xúc, bị đơn đã gửi đơn tố cáo đến Báo Công an TPHCM.

“LÀM VIỆC MẬP MỜ”, THẨM PHÁN BỊ TỐ

Là bị đơn trong một vụ kiện tranh chấp dân sự, chị Phạm Thị Lụa (ngụ thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng) khổ vì số nợ 177 triệu đồng vay của nguyên đơn Bùi Thị Ngân (bà Ninh Thị Nguyên Hoa - đại diện theo ủy quyền).

TAND huyện Bù Đăng do thẩm phán Đỗ Duy Học thụ lý vụ kiện, đã nhanh chóng làm công văn gửi Chi nhánh (CN) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ) huyện Bù Đăng phong tỏa số tài sản hàng tỷ đồng của gia đình chị, chỉ vì lý do... không để bị đơn tẩu tán tài sản.

“Không hiểu ông thẩm phán Học này thụ lý án kiểu gì, mà lại nhanh chóng phong tỏa sổ đất của gia đình tôi. Đây là lý do hết sức kỳ lạ vì sổ đất của gia đình tôi hiện đang vay ngân hàng thì sao chuyển nhượng được mà phong tỏa?”, chị Lụa bức xúc.

Chị Lụa trao đổi với phóng viên

Kết luận trả lời nội dung tố cáo ngày 25-3-2020 của TAND huyện Bù Đăng nêu rõ, ngày 20-3-2019 nguyên đơn đề nghị TAND huyện Bù Đăng xem xét “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” thì cũng trong ngày hôm đó, thẩm phán Học đã ban hành công văn 76 đề nghị CN Văn phòng ĐKQSDĐ Bù Đăng... ngăn chặn khẩn cấp.

Theo chị Lụa, thẩm phán Học đã nhiều lần thúc ép chị Lụa phải thỏa thuận bán nhanh tài sản để trả nợ cho nguyên đơn, nếu không muốn bị phong tỏa tài sản. “Tôi đã hỏi thẩm phán Học là ai đề nghị phong tỏa tài sản của gia đình tôi, công văn phong tỏa ở đâu thì thẩm phán Học đề nghị liên hệ chỗ nguyên đơn mà lấy. Ông Học đề nghị tôi gặp chỗ chị Hoa nhận công văn (người đại diện ủy quyền). Tôi là bị đơn, nhưng lại không nhận bất kỳ công văn nào bị phong tỏa tài sản từ tòa án, trái lại ông thẩm phán lại đề nghị tôi nhận công văn từ đại diện nguyên đơn. Không hiểu họ làm việc kiểu gì, quy trình ra sao mà lại làm thiếu minh bạch như vậy?”, chị Lụa nói.

Bức xúc vì cách làm việc mập mờ của vị thẩm phán này, cuối năm 2019, chị Lụa gửi đơn tố giác đến cơ quan chức năng. Gần nửa năm sau, chị Lụa nhận được kết luận trả lời đơn tố cáo từ TAND huyện Bù Đăng (do Phó chánh án Nguyễn Văn Huệ ký) khẳng định rằng, tố cáo của chị Lụa là “không có căn cứ”.

Chị Lụa càng bức xúc hơn khi trong quá trình xác minh đơn thư tố cáo, TAND huyện Bù Đăng chưa một lần mời chị lên làm việc để cung cấp thông tin bằng chứng: “Tôi không biết kết quả này xác minh từ đâu khi tôi không được mời làm việc, rõ ràng có gì đó không minh bạch trong việc này”.

THẨM PHÁN “QUÊN KÝ” VÀ NGHI ÁN VỀ CON DẤU

Sau khi tiếp cận để tìm hiểu về cung cách làm việc “mập mờ” của TAND huyện Bù Đăng theo đơn thư tố cáo, phóng viên Báo CATP đã phát hiện là “xuất hiện” một công văn TAND huyện Bù Đăng có con mộc đỏ nhưng lại... thiếu chữ ký, và người cung cấp văn bản có một không hai này lại chính là người tố cáo.

“Thẩm phán Học đề nghị tôi gặp đại diện của nguyên đơn là bà Ninh Thị Nguyên Hoa (ủy quyền từ bà Ngân). Khi tôi gặp bà Hoa thì được bà đưa một công văn đóng dấu của TAND huyện Bù Đăng đề nghị phong tỏa tài sản của gia đình tôi”, chị Lụa cho biết.

Tiếp nhận công văn này từ tay chị Lụa, phóng viên hết sức ngỡ ngàng vì công văn có nội dung rất tròn trịa, có mộc đỏ chót nhưng lại thiếu chữ ký của người có thẩm quyền. “Tôi thắc mắc về chuyện này thì bà Hoa nói chắc do thẩm phán Học quên ký... để tôi ký dùm cho (?!). Đến giờ tôi không hiểu công văn tôi đang giữ là thật hay là giả nữa”, chị Lụa bức xúc.

Để làm rõ sự việc, phóng viên đã liên hệ với CN Văn phòng ĐKQSDĐ huyện Bù Đăng, để xác minh công văn số 76 đề nghị phong tỏa tài sản vụ việc trên do TAND huyện Bù Đăng ký gửi ngày 20-3-2019 cho cơ quan là thật hay giả thì được cung cấp một văn bản với nội dung “đầy đủ”... nhưng lại lệch với công văn bị đơn cung cấp (công văn không chữ ký) chỉ một dấu chấm phẩy(;) cuối công văn.

Điều bất thường ở công văn số 76 này là cả hai điều có nội dung hoàn toàn giống nhau (khả năng do một người soạn thảo), có mộc đỏ. Tuy nhiên, công văn gửi cho CN Văn phòng ĐKQSDĐ có chữ ký của thẩm phán Đỗ Duy Học và có số công văn rõ ràng (76); còn “công văn” chị Lụa nhận từ tay bà Hoa thì chỉ có dấu treo, số công văn không rõ ràng. Quan sát bằng mắt thường thì dấu đóng trong công văn không có chữ ký chi tiết không tinh xảo như dấu trong công văn có dấu của văn phòng đăng ký đất đai cung cấp.

Trao đổi với phóng viên, Phó chánh án TAND huyện Bù Đăng Nguyễn Văn Huệ khẳng định, công văn 76 do thẩm phán Học ký gửi CN Văn phòng ĐKQSDĐ Bù Đăng đề nghị phong tỏa tài sản là có. Tuy nhiên ông Huệ giải thích rằng, đây không phải là quyết định phong tỏa tài sản, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà chỉ là “Công văn phối hợp”. “Theo giải trình của thẩm phán Học, công văn chuyển cho bị đơn không phải không có chữ ký mà là do photo lại nhiều lần nên bị mờ chữ ký”, ông Huệ khẳng định. Tuy nhiên khi phóng viên đưa công văn không rõ số, không có chữ ký nhưng lại có mộc đỏ của TAND huyện Bù Đăng thì Phó chánh án Huệ trả lời không rõ?

Dư luận đang đặt câu hỏi, về động cơ của thẩm phán thụ lý vụ án này!

Luật sư Nguyễn Xuân Quang - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương:

Việc thẩm phán Đỗ Duy Học ban hành văn bản nhằm “tạm dừng xác nhận các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, ủy quyền...” đối với tài sản của bà Lụa là chưa đảm bảo các quy định pháp luật. Theo Điều 135 và Điều 136, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Nếu Tòa án thực hiện không đúng quy định hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường. Bà Lụa có quyền khởi kiện TAND huyện Bù Đăng yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có cơ sở cho rằng, việc Tòa án ban hành văn bản nhằm tạm dừng xác nhận các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, ủy quyền... đã gây thiệt hại cho mình.

Đối với văn bản có đóng dấu của TAND huyện Bù Đăng nhưng không có chữ ký của người có thẩm quyền: Vụ việc có dấu hiệu của “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm (tùy theo tính chất, mục đích phạm tội).

Bình luận (0)

Lên đầu trang