Điều ước "giá như..." của các tử tội cầm cọ sau song sắt:

Kỳ 1: Bông hoa Joan

Thứ Hai, 16/10/2023 08:48

|

(CATP) Tháng 10/2015, tại Mỹ diễn ra cuộc triển lãm tranh đặc biệt, thu hút sự chú ý của người dân nước này: Tất cả 11 "họa sĩ” có tranh, tượng được trưng bày đều là tử tù đang chờ ngày hành quyết tại các nhà giam của tiểu bang Tennessee. Cùng với nhiều tù nhân khác, họ mới chỉ học vẽ hoặc nặn tượng 4 năm trước (1 lần/tuần) theo chương trình giáo dục đặc biệt dành cho tù nhân, nhưng mỗi tác phẩm của họ đều phản ánh những cảm xúc và suy nghĩ về cuộc đời đã qua, những gì họ đã làm và điều gì đang chờ họ phía trước.

Đầu năm 2015, trong giờ học buổi tối, cô giáo dạy vẽ Barbara Yontz nhận ra tử tù Preston Carter (biệt danh Akil Jahi) đang cắm cúi bên hình ảnh phác thảo một bông hoa lớn, mặt trĩu nặng. Đáp lại ánh mắt của cô Yontz, Carter khẽ nói: "Tôi đã mất Bông hoa của mình rồi". Joan Bông hoa (Joan Flower) là tên vợ của Carter, vừa qua đời.

Cái chết của những người vô tội

Sáng sớm 28/5/1993, Preston Carter (23 tuổi) đã cùng Louis Anderson gõ cửa một căn hộ chung cư ở TP. Memphis, bang Tennessee. Đáp lại câu hỏi từ bên trong, Anderson cho biết mình cần mua "hàng" do Corey giới thiệu. Bên trong vọng ra câu trả lời "chẳng biết Corey là ai" và không mở cửa. Nghĩ là nhầm nhà, Carter quay lưng định bước xuống cầu thang nhưng nghe lời Anderson, Carter đưa cho hắn cầm khẩu súng đã cưa nòng và quay lại đạp vỡ cánh cửa.

Khi bước vào căn hộ, Carter thấy một người đàn ông đang bế đứa trẻ. Chĩa súng vào hai cha con, hắn hỏi tiền và "hàng" đâu, người đàn ông trả lời không biết gì cả và có hành động định bảo vệ gia đình, nhưng trước họng súng chĩa vào đứa trẻ vô tội, anh đành ôm con bước vào tủ và bị khóa lại. Trong lúc Carter lục soát căn hộ nhưng không thấy tiền và thuốc gây nghiện - hai thứ mà gã Tony Corey nọ nói rằng họ đang có nhiều - thì Anderson ở phòng ngủ. Khi Carter bước vào thấy Anderson đang cài khuy quần, còn người phụ nữ vẻ mặt kinh hoàng đứng ở cửa phòng tắm, người chỉ mặc chiếc áo thun, đầu tóc rũ rượi, hoảng sợ la hét, van vỉ: "Đừng bắn tôi, tôi không làm gì cả”, nhưng Carter đã nhằm thẳng vào đầu cô bóp cò, sau đó quay lại bắn chết người đàn ông trong tủ theo cách này.

Bức tranh "Joan" của Akil Jahi (Preston Carter)
Preston Carter

4 giờ sáng, chiếc xe hơi đậu trước cửa tòa nhà, sau ít phút chờ đợi, 2 người đàn ông bước ra đi tới cửa căn hộ của hai vợ chồng trên. Cửa không khóa và họ bước vào. Khi cảnh sát tới căn hộ của vợ chồng Thomas - Tensia Jackson, theo báo động từ người thân của họ, chỉ còn lại đứa trẻ 4 tuổi, quần áo, đầu tóc đầy máu của cha mình. Thi thể được hai người em đến đón họ đi làm ca sáng tại một tiệm bánh phát hiện.

Preston Carter bị bắt ngay tối hôm đó sau tin chỉ điểm cảnh sát nhận được. Hắn khai lúc 0 giờ 30 sáng, Tony Corey đã cho mật mã mở cổng khu nhà và dẫn hắn đến tận nơi, chỉ cho cửa sổ của căn hộ cần đến. Theo lời Corey, chủ căn hộ bán "hàng" nên có nhiều tiền và rất dễ làm ăn, chỉ cần nói rằng "ông anh Corey giới thiệu đến lấy hàng" là được.

Carter thừa nhận đã bắn vào đầu hai vợ chồng Jackson, dù biết mình đã nhầm nhà, vì tức giận: giận bản thân vì đi nhầm nhà và bị đồng bọn của Corey lừa để trừ khử đối thủ làm ăn, một phần cũng sợ bị lộ do người phụ nữ la hét.

Và sự hối hận muộn màng

Tại tòa, bồi thẩm đoàn lập luận: Án mạng xảy ra là do bản chất của bị cáo. Khi xuống tay với vợ chồng Jackson, hắn đang trong thời gian bị quản chế 1 năm do can dự vào vụ cướp xe hơi. Bồi thẩm đoàn không tin vào giám định mà chỉ số IQ của Carter tối đa chỉ có 78 và họ cũng chẳng tin vào lời biện hộ rằng bị cáo là công nhân công viên cây xanh, giờ làm việc thất thường khiến tâm lý không ổn định, mà chỉ tin vào những bức ảnh chụp hiện trường vụ án, cả lời khai của bị cáo rằng cả ngày hôm trước, vì không có việc làm, hắn đã nằm nhà nốc rượu và thuốc gây nghiện - cũng như những ngày khác.

Vụ án Preston Carter tuy được xét xử sơ thẩm và bị cáo đã lãnh án tử hình vào năm 1994, nhưng sau đó tòa phúc thẩm hủy án, phải xử lại vào năm 1995 với kết quả không thay đổi. Những lần xét lại của tòa vào các năm 1997, 1999, 2002, 2003 cũng không đem lại cho bị cáo chút may mắn nào hơn, dù Carter và các luật sư chỉ cố gắng cứu cho hắn được sống với bản án chung thân không được quyền ân giảm.

Trong tù, Carter đổi tên thành Akil Jahi (người tôn trọng phẩm giá, con người, pháp luật), học tiếp chương trình trung học dang dở, được giao làm phụ bếp trong trại. Năm 2000, Carter cưới Joan - người bạn gái lớn hơn 10 tuổi và đã sinh cho Carter 3 đứa con, cô vẫn đến thăm hắn hàng tuần.

Trong tù, suy nghĩ về cái chết của vợ chồng Jackson, ngẫm về những sự kiện đã "dẫn lối" mình đến Nhà tù Riverbend này đồng thời dạy cho hắn giá trị của việc dành thời gian để biết dừng lại và suy nghĩ trước khi hành động, Jahi bày tỏ: "Đối với nhiều người trong chúng tôi ở đây, nếu chịu dừng lại một chút sẽ không ai phải vào chốn này! Nếu dừng lại một phút, bạn sẽ đưa ra quyết định tốt hơn. Nhưng bạn biết đấy, chỉ hành động vì tức giận nhất thời, bạn sẽ làm những điều mà sau này phải hối hận cả đời".

Giá như Carter chịu dừng lại trước ánh mắt ngơ ngác "tôi không hiểu" của Thomas Jackson lúc đang ôm đứa con 4 tuổi hoảng hốt bám chặt lấy cha mình thì bi kịch đã không xảy ra!

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang