Điều ước "giá như..." của các tử tội cầm cọ sau song sắt:

Kỳ 4: Mạng người đổi bình hoa cũ giá 2 USD

Thứ Năm, 19/10/2023 09:06

|

(CATP) Donald Ray Middlebrooks không mong thoát khỏi án tử, mà chỉ phản đối hình thức thi hành án bằng tiêm thuốc độc. Trong lúc chờ ngày đó đến (đã hoãn lần gần nhất vào năm 2022), trong lớp học mỹ thuật, tử tội này có thói quen viên những cục đất sét màu thành đồng xu và xếp chúng lên nhau. Giám ngục bảo có lẽ Donald nhớ tới cái bình cắm hoa bằng sành cũ giá 2 USD là nguyên nhân đưa hắn vào đây.

Đêm bất hạnh ở chợ trời của cậu bé da đen

Cái tên Donald Ray Middlebrooks chắc chắn đi vào lịch sử bang Tennesse, Mỹ vì là người da trắng đầu tiên bị tuyên án tử hình vì tội giết người da đen và trong cáo trạng, Viện công tố đã nêu rõ lý do "kỳ thị chủng tộc". Nạn nhân là cậu bé 14 tuổi Kerrick Majors.

Tối chủ nhật 26/4/1987, Kerrick cùng 4 người bạn gốc Phi kéo nhau ra chợ trời trên đường Gallatin ở khu Đông của TP.Nashville, bang Tennessee. Khoảng 19 giờ, cả nhóm tới gần chiếc bàn bày hàng của nhóm 3 người da trắng vô gia cư - lớn nhất là Donald Ray Middlebrooks (24 tuổi) cùng Tammy - vợ hắn (17 tuổi) và cậu trai 16 tuổi bỏ nhà đi hoang Robert Brewington Jr.

Khi Kerrick cùng đám bạn đến gần chiếc bàn, Tammy đuổi bọn trẻ tránh xa, trong lúc 2 bên lời qua tiếng lại rồi xô xát, chiếc bình cắm hoa bằng sành (sau này được giám định trị giá 2 USD) rơi xuống đất vỡ tan. Đám trẻ con bỏ chạy, nhóm 3 người bán hàng đuổi theo nhưng chỉ bắt được Kerrick. Donald - Robert dùng tay khoa chặt đầu và cổ cậu bé. Hai người bạn của Kerrick thấy Robert chửi rủa thậm tệ về gốc gác da đen của cậu trong khi Donald đấm, tát và đạp cậu ngã xuống đất.

Donald Middlebrooks
Bức tranh Donald Middlebrooks vẽ trong tù

Lũ trẻ đi cùng Kerrick chạy về báo cho mẹ cậu. Nghe tin, mẹ Kerrick gọi điện báo cảnh sát và chạy tới hiện trường, nhưng nhóm của Donald và Kerrick đều không có ở đó, chẳng ai biết chúng đưa cậu bé đi đâu. Đến đêm, mẹ của Kerrick báo con mất tích, có 1 sĩ quan cảnh sát ghi nhận yêu cầu của bà nhưng không tổ chức tìm kiếm ngay (theo luật nếu việc truy tìm người mất tích là vị thành niên phải được thực hiện sau khi nhận tin báo), cũng chẳng phỏng vấn bạn của Kerrick. Thấy vậy, gia đình và bạn bè của Kerrick tự đi tìm cậu.

Sáng hôm sau, mẹ của Kerrick tới Cơ quan chăm sóc trẻ em báo tin con mình mất tích, nhưng nơi này chỉ ghi nhận con bà "bỏ trốn khỏi nhà” và cho biết họ không có người đi tìm trẻ trong trường hợp này. Sau đó, 1 người bạn của Kerrick chứng kiến hình ảnh xảy ra đêm trước đã dẫn cả nhà đi tìm. Khoảng 15 giờ 30, họ tìm thấy Kerrick đã chết, nằm úp mặt xuống đất trong một cái rãnh khô, thi thể đầy vết bầm, bỏng và bốc mùi nước tiểu nồng nặc được che bằng tấm nệm xốp, nằm giữa đám cây cao gần chỗ cậu bị bắt tối hôm trước, gần đầu cậu có cây gậy dính máu, trên ngực có hai vết rạch sâu đan chéo thành chữ X lớn. Theo giám định, chữ X này được rạch sau khi cậu bé đã chết.

Gây án do "kỳ thị chủng tộc"

Cảnh sát hiểu họ phải bắt đầu từ Robert BrewingtonJr., vì cậu ta có gia đình ở thành phố. Sáng 28/4, sau khi gọi điện hẹn với Robert, điều tra viên gặp cậu ở tiệm bánh rán. Không chờ phải hỏi nhiều, Robert kể lại mọi chuyện xảy ra với Kerrick sau khi bị chúng bắt đi, nhưng lại nói mình không dính dáng gì tới cái chết của Kerrick. Robert cũng cho cảnh sát địa chỉ của Donald - Tammy. Khi cảnh sát tới khu ổ chuột tìm vợ chồng Donald đã bị cả hai chống trả, sau đó bỏ chạy, nhưng bị đội cảnh khuyển chặn lại khiến Donald phải vào bệnh viện băng bó các vết thương do bị chó cắn.

Theo lời khai của 3 bị cáo, Kerrick bị đưa vào khu vực cây cao rậm rạp sau 1 hiệu thuốc trên đường Gallatin. Tammy đứng canh, còn Donald - Robert lục soát người cậu bé. Không tìm thấy gì, chúng bắt đầu lột hết quần áo, tra tấn bằng gậy và chửi rủa cậu suốt nhiều giờ, tiểu lên người cậu. Donald dùng gậy đập ống quyển chân của Kerrick và ra lệnh cho Tammy gí đầu điếu thuốc lá cháy vào mũi cậu. Robert cũng thú nhận dùng gậy đập vào mặt nạn nhân. Ban đầu Donald khai hắn đâm Kerrick 2 nhát dao vào ngực, nhưng khi chống án tử hình hắn "chia đều" chúng với Robert: mỗi người đâm 1 nhát.

Tháng 9/1989, Donald Middlebrooks bị kết án tử hình, trước đó Tammy - Robert đều lãnh án chung thân. Công tố viên khẳng định động cơ giết người là sự căm ghét chủng tộc. Năm 1992 bản án của Donald Ray Middlebrooks bị hủy và được xét xử lại vào năm 1995, nhưng kết quả vẫn là án tử hình, được giữ nguyên sau nhiều lần chống án.

Về mặt hành chính, viên cảnh sát nhận đơn báo mất tích của gia đình Kerrick Majors đã bị sếp kỷ luật nặng vì không tổ chức tìm kiếm cậu bé ngay theo luật định. Cảnh sát thành phố đã xin lỗi, nhưng gia đình Majors vẫn kiện, đòi bồi thường 2 triệu USD vì không phản ứng kịp thời, nhưng pháp y chứng minh rằng cậu bé đã chết không lâu trước khi người mẹ gọi điện cho cảnh sát.

(Còn tiếp...)

Kỳ 3: Bức vẽ Ánh sao đêm của kẻ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang