"Tỉnh trưởng" Fulro "nghiện" Báo Công an TPHCM
Trở lại câu chuyện chiều 16/4/1998, khi được đồng chí Nguyễn Huy Thanh - Bí thư xã Tà Năng giới thiệu có phóng viên Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) đến thăm, Tuné Đen vỗ đùi, thốt lên một câu bất ngờ:
- Ồ! Báo này hay lắm, ở trong rừng tôi vẫn đọc mà!
Người viết bài này không dám tin vào tai mình. Hỏi lại, Đen vẫn khẳng định và kể:
- Có thời gian tôi và các Fulro thường ra chặn những người vào rừng lấy mủ ngo, mật ong. Chúng tôi tịch thu quần áo, lương thực của họ và cả báo "Công an Sài Gòn" họ mang theo vô rừng đọc. Sau đó, phần thích đọc, phần muốn có thêm tin tức nên tôi dặn họ các chuyến sau muốn được yên thân thì đem báo "Công an Sài Gòn" cho tôi, vào đây tôi sẽ trả tiền lại.
- Ông làm gì có tiền?
- Ồ... lúc ra hàng tôi mang về cả bao tiền (vừa nói, Đen vừa hối vợ vào buồng mang ra 1 bó tiền giấy loại 50 đồng màu đỏ phát hành trước 1986)... Đầu tiên, tôi bán một cặp ngà voi được 28 triệu đồng, tính theo tiền Sài Gòn trước 1975 (tương đương với 56.000 đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước đổi tiền 1986) cho một người vào rừng khai thác gỗ. Tôi lấy một cái ché trong nhà mồ sắp đầy tiền vào, bịt chặt rồi giấu vào bọng cây. Sau đó, tôi tiếp tục săn bắt rùa, kỳ đà bán. Tôi gởi họ mua cho tôi một radio Panasonic 4 band, pin và các thứ vật dụng khác... Cái "ra-đô" đó bây giờ vẫn còn!
Những người vượt biên trái phép năm 2001 và 2004 chờ được hồi hương
Đồng chí Hà Minh Thế, CA huyện Đức Trọng xác nhận:
- Ông Đen nói đúng đấy, trước đây có lần tôi cùng đồng chí Thái, Trưởng CA huyện lặn lội gần cả tháng trời trong rừng để tìm Đen. Không gặp Đen, nhưng chạm trán với một người đang mang bánh và lồng đèn Trung thu vào rừng. Người ấy khai do thường xuyên vào rừng khai thác lâm sản nên phải chiều lụy "tỉnh trưởng" trong rừng. Hôm nay "tỉnh trưởng" dặn mang các thứ này vào để vợ con ông ta ăn Tết Trung thu!
- So với các toán Fulro khác, ông không đến nỗi thiếu thốn, tại sao phải ra hàng?
- À, vì tôi nghe đài và đọc báo CA của các anh, thấy đất nước ngày càng thịnh vượng, những người lầm đường đều được khoan hồng, tôi ở trong rừng làm gì nữa?
- Từ lúc trở về đến nay anh sống ra sao? Có kế hoạch gì cho tương lai?
- Tôi được chính quyền cấp mấy mẫu đất tốt, bà con trong làng giúp tôi khai phá, trồng trọt và cất tạm căn nhà gỗ lợp tranh để ở (nhà dài 8m, rộng 5m). Mùa đầu tiên tôi thu được 18 tấn bắp, 1 tấn đậu trắng, nuôi vài con bò, heo. Vừa rồi tôi bán nông phẩm, vay thêm tiền của ủy ban xã, mua được chiếc máy cày 18 triệu đồng. Vài năm nữa tôi sẽ giàu, sẽ xây một căn nhà lớn và cho các con ra phố học. Nay dù chưa khá nhưng vẫn sướng gấp trăm lần hồi ở rừng...
Chúng tôi đề nghị gia đình chụp vài pô ảnh, chị vợ thay ngay một bộ váy áo đẹp và cẩn thận xức thêm một chút nước hoa sau khi trang điểm. Đen nhìn vợ ra vẻ rất hài lòng!
Fulro là gì? Ra đời, chấm dứt như thế nào?
Nghe nhiều về Fulro nhưng ít người biết về nguồn gốc của tổ chức này. Vào năm 1955, khi vừa lên cầm quyền, Ngô Đình Diệm đã áp dụng một số chính sách độc đoán đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, quan trọng nhất là đã lấy hết đất của họ để xây dựng các khu dinh điền, một hình thức dồn dân lập ấp chiến lược. Căm phẫn trước sự kiện này, năm 1957, các tri thức, quân nhân các dân tộc thiểu số đã thành lập phong trào Bajaraka (kết hợp tên của 4 dân tộc: Banar, Jarai, Rhadé và KHo) do ông Y Bham Enuôl làm chủ tịch. Phong trào này đã chống chế độ Diệm bằng biểu tình, bạo động vũ trang và có hậu cứ tại các vùng rừng núi biên giới Việt - Campuchia. Tháng 8/1968, Bajaraka được đổi thành Fulro (front unifié de libération des races opprimées - theo tiếng Pháp là mặt trận giải phóng các dân tộc bị áp bức). Sau khi chế độ Diệm sụp đổ, phong trào Fulro chuyển sang đấu tranh với giới cầm quyền miền Nam cũ bằng nghị trường. Khi đạt được một số thỏa thuận, ngày 01/02/1969, các chỉ huy cao nhất của Fulro tuyên bố chấm dứt sự tồn tại của phong trào Fulro và đưa toàn bộ quân lực gồm 5.000 tay súng ra hàng tổng thống VNCH...
Sau 30/4/1975, các thế lực phản động trong và ngoài nước đã dựng lại "xác chết" Fulro để chống phá cách mạng, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây biết bao tội ác với dân với nước, làm hàng vạn gia đình (nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số) lâm vào cảnh chia lìa, chết chóc! Xin trích lại một đoạn trong thư kêu gọi của các ông Tam Bou Sun và Kragian Ha Xuyên, nguyên phó và tư lệnh quân khu 4 Fulro, viết ngày 14/7/1987: "... vì nghe theo âm mưu thâm độc của đế quốc và bọn cầm đầu Fulro, anh em ta đã sống trong rừng sâu nước độc, rày đây mai đó, chẳng có ích gì cho chúng ta và dân tộc ngoài hậu quả đói rách, chết chóc, đau thương! Bao nhiêu anh em ta đã chết cùng với đại tá MBốt - Tổng tham mưu phó - những cái chết vô nghĩa!...".
Không những quấy phá sự yên lành của nhân dân, bọn đầu sỏ Fulro còn mở những cuộc thanh trừng nội bộ đẫm máu. Ông Ahaku, nguyên trung tá, phó tư lệnh quân khu 4 Fulro sau khi ra đầu thú kể lại: "... Từ 1981 đến 1984, ở vùng núi hoang vu thuộc Campuchia, tôi đã thấy bọn chỉ huy Fulro người Rhadê giết hại hàng trăm binh lính, sĩ quan Fulro thuộc các dân tộc MNông, KHo để nắm toàn bộ quyền được làm tay sai cho đế quốc. Thấy rõ bản chất xấu xa, tội ác và nguy cơ tan rã tất yếu của Fulro, chúng tôi cùng một số binh sĩ đã trở về với nhân dân...".
Ông Nahria Ya Đuck, một trong những người thành lập phong trào Fulro, nguyên "đệ nhất phó thủ tướng trung ương" Fulro sau khi được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước cách mạng đã nhận xét: "... Fulro là tổ chức phản động, phản dân hại nước, chia rẽ dân tộc, làm tay sai cho bọn xâm lược. Đi theo Fulro đồng nghĩa đi đến chỗ tối tăm, tội lỗi, chết chóc...".
Một số đối tượng khủng bố ở Đắk Lắk ngày 11/6/2023 bị bắt giữ
Quá trình đấu tranh chống Fulro của Công an Lâm Đồng
Lâm Đồng thuộc địa bàn trung tâm, theo cơ cấu vùng 4 chiến thuật của Fulro. Từ sau 30/4/1975, Fulro đã thành lập ở đây cả một bộ máy gồm 6 ban hành chính cấp tỉnh (hành chính, an ninh, nhân lực, tiền sát - địa dư, dân vận - chiêu hồi, truyền tin) và 3 trung đoàn (Lang Biang, Đồng Xoài, BRahyang), 8 quận (Đam Bur, Đrăng, Kdjut, Liêng Khàng, Đạ Huoai, BLao, Di Linh, Ka RWơi)... Fulro thường tỏa ra đóng quân trong những cánh rừng giáp các trục giao thông, các làng xã vùng sâu, đợi thời cơ bắn phá, cướp bóc, bắt cóc và giết hại dân lành, gây căm phẫn trong nhân dân.
Được sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Thường vụ Đảng bộ Lâm Đồng, sự phối hợp tích cực của quân đội cùng các ban ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân, trong mấy năm sau ngày giải phóng, CA tỉnh Lâm Đồng bằng nhiều biện pháp đã làm tan rã toàn bộ bộ máy vùng 4 chiến thuật của Fulro và kêu gọi hàng vạn cán binh Fulro ra hàng.
Những năm tiếp theo, vừa áp dụng chính sách khoan hồng, vừa mở nhiều cuộc truy quét, truy tìm cứ địa của các nhóm tàn quân Fulro, vừa áp dụng nhiều biện pháp nhân đạo, khoan dung để những sĩ quan, binh lính Fulro được trở về với gia đình, buôn làng, dòng họ, quê hương mình (điển hình như những gì chúng tôi đã phản ánh trong những kỳ trước của loạt bài này). Nhờ vậy, Tây Nguyên đã thật sự bình an sau năm 1998 - khi các nhóm Fulro có vũ trang đã mang súng đạn, cung nỏ ra hàng. Những người trở về đều được đối xử tử tế và có cuộc sống hạnh phúc như mơ ước.
Nhưng KSor Kơk - một thành viên lưu vong của Fulro vẫn điên cuồng với ảo vọng ly khai để hình thành "nhà nước Đề Ga", nên đã lập tổ chức "quỹ người Thượng" ở Mỹ, rồi dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chống đối chính quyền qua 2 vụ biểu tình gây rối vào các năm 2001, 2004. Tiếp đó, KSor Kơk và đám tay sai trong nước xúi giục bà con nhẹ dạ cả tin vượt biên trái phép sang Campuchia để được... "qua Mỹ định cư”!
Tin theo lời dụ dỗ này, hàng ngàn gia đình phải chịu cảnh chia ly; hàng ngàn nạn nhân phải chịu đói khát, khổ sở, nguy hiểm trên đất lạ quê người. Sau này, Chính phủ Việt Nam, chính quyền các địa phương qua đường ngoại giao với các bên liên quan đã nỗ lực giúp đỡ cho những nạn nhân bị dụ dỗ vượt biên trái phép được hồi hương.
Chúng tôi từng theo các đoàn công tác của một số tỉnh Tây Nguyên đi đón những người hồi hương diện này ở cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Tây Ninh. Tất cả đều vui mừng đến trào nước mắt khi được đặt chân lên mảnh đất thân thương của quê hương, được òa khóc vì hạnh phúc trong vòng tay người thân, được bước vào tổ ấm mà mình phải xa rời nhiều năm; được nhận những cảm thông, động viên, hỗ trợ từ phía chính quyền và công an địa phương để hòa nhập cuộc sống trở lại...
Sau 2 vụ kích động biểu tình gây rối vào các năm 2001, 2004; những lãnh đạo cao cấp của Fulro ngày xưa như ông Ya Duk (nguyên đệ nhất phó thủ tướng Fulro); ông Tuné Đen, nguyên tỉnh trưởng Fulro... đã trả lời phỏng vấn trên Báo Công an TPHCM, đều khẳng định: "Fulro là con đường bạo lực, đau thương, chia rẻ, hận thù, không giúp gì cho sự ổn định và phát triển Tây Nguyên". Họ kêu gọi những người lầm lạc hãy sớm trở về đầu thú để được khoan hồng...
Cả hai ông đều khẳng định: nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, cuộc sống đồng bào các dân tộc ít người trên đất Tây Nguyên hôm nay đã tươi sáng hơn trước 1975 rất nhiều. Chỉ có những kẻ suy nghĩ nông cạn hay ảo tưởng mới nuôi tư tưởng ly khai, chia rẻ, hận thù.
Sau vụ khủng bố ngày 11/6/2023; trong cuộc gặp gỡ với Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, ông Marc Knapper - đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định: "Mỹ phản đối, lên án và không dung túng bất kỳ tổ chức, cá nhân nào liên quan đến vụ việc phức tạp về an ninh trật tự xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, sẽ phối hợp với Việt Nam điều tra làm rõ tội ác này...!".
(Còn tiếp...)
(CATP) Ngày 16/4/1998, theo hướng dẫn của CA Lâm Đồng, chúng tôi đi tìm ông Tuné Đen - nguyên trung tá "tỉnh trưởng" Phan Rang của tổ chức Fulro ra đầu thú năm 1994. Từ TPHCM theo Quốc lộ 20 đi khoảng 250km sẽ đến ngã ba Tà In, huyện Đức Trọng.