Sạt lở bủa vây Đồng bằng sông Cửu Long: Mất dần cồn nổi (bài 1)

Thứ Hai, 06/11/2023 13:07  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vựa lúa, vựa cá, vựa thuỷ sản của cả nước, nhưng thời gian qua nạn sạt lở xảy ra triền miên.

Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có việc khai thác cát lòng sông quá mức. Tại nhiều tỉnh, thành, hàng trăm hộ dân phải di dời nhà, hàng ngàn hộ khác nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm. Đời sống người dân bị đảo lộn, các địa phương phải chi khoản kinh phí lớn để khắc phục. Trước những thách thức sống còn đòi hỏi phải có những quyết sách mang tính cấp bách, bền vững để cứu đồng bằng châu thổ.

Sạt lở khiến nhiều hộ dân mất nhà.

Được bồi đắp hàng trăm năm, ĐBSCL có rất nhiều cồn, cù lao hình thành trên sông Tiền, sông Hậu. Đất đai màu mỡ, gần sông giúp cho việc canh tác và đánh bắt thuỷ sản của người dân vô cùng thuận lợi, từ đó hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hộ dân đã lên đây định cư. Thế nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, cồn nổi dần bị thu hẹp, thậm chí đứng trước nguy cơ xoá sổ vì sạt lở.

BẤT LỰC NHÌN CỒN LỞ

Theo ghi nhận nhiều cù lao (cồn) dọc theo sông Tiền và sông Hậu đang bị sạt lở nghiêm trọng, dần biến mất trước sự bất lực của người dân. Những ngày này, về cù lao Long Phú Thuận (đoạn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) sẽ dễ nhận thấy cảnh tan hoang của vùng đất giữa sông Tiền, khiến ai nấy cũng không khỏi nao lòng. Nhiều tuyến đường giao thông bị cắt đứt, nhiều đoạn bị ngoạm sâu vào bờ phơi ra những lớp đất đá, rồi những căn nhà bỏ trống vì chủ nhân dắt nhau tháo chạy. Đến nay địa phương này còn hàng chục gia đình cần tái định cư.

Cù lao Long Phú Thuận bị sạt lở mất nhà, mất đường đi.

Nơi bị sạt lở nặng nhất là ấp Long Thạnh, nơi có nhiều căn nhà trơ trọi, không còn cửa nẻo, dưới chân đất bị đục khoét như vừa bị dội bom. Chạy về gần phía cuối cồn, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng khi tuyến đường giao thông bị chia cắt. Để đi lại người dân đã làm con đường dã chiến luồn lách giữa những căn nhà.

Ông Đặng Văn Lô (76 tuổi, ngụ địa phương) cho biết: “Ấp này còn khoảng 250 hộ chờ được bố trí nền tái định cư bởi nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm. Cạnh nhà tôi là hộ ông Sủn bán nhà lại cho ông Sáu Xê để về Tây Ninh. Sau khi mua được vài tháng, nhà ông Xê bị sạt lở nên buộc phải di dời lên khu tái định cư ở. Thời gian gần đây việc sạt lở diễn ra từ từ chứ không đi từng mảng lớn như trước. Khu vực cồn này 3 lần được cát bồi nhưng rồi bị mất nhà, mất đất vì múc cát quá mức. Đến nay gia đình tôi 10 người 3 thế hệ nhưng phải sống chung cái nhà vì không có nền tái định cư”.

Thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sơ hở trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước để khai thác cát trái phép, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, gây sạt lở bờ sông, mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tấn Tước (85 tuổi, ngụ ấp Long Thượng, xã Kiến An, huyện Chợ Mới) kể, nhà ông nằm trên cồn Chủ Quân, nơi có ngã ba sông Vàm Nao tiếp giáp với nhánh con sông Tiền. Gia đình ông ở đây 3 đời và được ông bà ông để lại 30 công đất, nhưng giờ chỉ còn lại được 3 công, bởi 27 công đã bị “hà bá” nuốt. Nhiều thập kỉ trước, vùng cù lao Chủ Quân sạt lở bờ sông nghiêm trọng, đất đai, cây trồng của dân bị chìm xuống đáy sông, biết bao hộ dân phải dỡ nhà. Ông và nhiều hộ còn ở lại vì nhà nằm xa vùng sạt lở nguy hiểm.

Trên sông Hậu, đoạn qua quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ mấy năm nay đã xóa sổ hoàn toàn cái tên cồn Cả Đôi, nằm cặp với cù lao Tân Lộc. Năm 1960, cồn Cả Đôi rộng trên 20ha, dài trên 4km, hàng năm được bồi đắp phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Do đất đai phì nhiêu, nhiều người dân ở cù lao Tân Lộc và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) ra cồn này cắm ranh khai hoang trồng mía, lúa rất tươi tốt. Cồn này được đặt theo tên của một người dân có công đầu khai phá. Đứng bên cù lao Tân Lộc nhìn ra khoảng sông Hậu nước trắng xóa, nơi từng hiện hữu cồn Cả Đôi, ông Nguyễn Văn Côn nói: “Ngày xưa, cồn đó rộng lắm, chỉ cách nhà tôi vài chục mét, gọi qua là còn nghe rõ mồn một, giờ thì không còn dấu tích gì”.

Tương tự, thời gian gần đây, tại 2 xã cù lao Phú Thành và Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) liên tục xảy ra sạt lở nhà cửa, vườn cây ăn trái. Để giữ đất, giữ vườn nhiều hộ dân phải tự bỏ tiền ra gia cố. Ông Bùi Văn Triều (60 tuổi, ngụ xã Phú Thành) cho biết: “Mỗi năm tình hình sạt lở ngày càng trở nên nghiêm trọng, không ít vườn cây ăn trái đổ sụp xuống sông, còn người dân gồng mình chống chọi. Điều tôi nghĩ đơn giản hiện nay là cố gắng giữ được tấc đất của gia đình để canh tác nuôi cả nhà, nếu buông xuôi thì vài năm nữa bao hộ dân khu vực này không còn chỗ nương tựa”.

Tình trạng sạt lở ở cồn Thanh Long

GIAN NAN GIỮ ĐẤT, GIỮ VƯỜN

Cồn Phú Đa (thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) nằm giữa sông Cổ Chiên, giáp ranh tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long liên tục xảy ra các đợt sạt lở, đe dọa cuộc sống người dân. Cồn Phú Đa có khoảng 8km cần làm bờ kè chống sạt lở nhưng thời gian qua mới đầu tư được khoảng 1km, 7km còn lại cần hơn 200 tỷ đồng. Tình trạng sạt lở xung quanh cồn xảy ra liên tục. Đặc biệt trong 2 lần sạt lở vào năm 2018 và 2021 khiến 12 căn nhà lọt xuống sông gây tổn thất cho nhiều hộ dân. Hiện trên cồn Phú Đa có hơn 2.200 người dân sinh sống bằng nghề trồng cây ăn trái.

Ông Phan Văn Phong (ngụ địa phương) có nhà sát mé cồn cho biết: Tình trạng sạt lở cồn dường như xảy ra ở hầu hết các thời điểm trong năm. Tuy nhiên, thời gian này khi xuất hiện mưa nhiều thì tình trạng sạt lở càng thêm nghiêm trọng. “Chúng tôi sống trong phập phồng lo sợ vì con đê bằng đất phía trong bờ kè (cách bờ kè khoảng 100m) rất yếu. Nếu mùa mưa bão, nước lớn tràn bờ sẽ gây sạt lở ảnh hưởng hàng trăm ha đất trồng cây ăn quả của người dân ở phía trong”, ông Phong lo lắng.

Nhiều người dân vẫn lo ngại việc làm kè sẽ không mang lại hiệu quả vì thời gian qua, một số đoạn kè vừa đầu tư tại cồn này đã bị sạt lở khi vừa đầu tư xong. Điển hình như công trình kè chống sạt lở cồn Phú Đa được khởi công xây dựng vào tháng 11/2019, đến cuối tháng 8/2020 hoàn thành thi công. Công trình xây dựng hai tuyến kè tại bờ bắc và bờ nam cồn với chiều dài gần 1km, tổng kinh phí đầu tư, xây dựng hơn 43 tỷ đồng. Thế nhưng đến tháng 10/2020, khi công trình chuẩn bị tổng nghiệm thu để bàn giao đưa vào sử dụng thì xảy ra sự cố sạt lở tại bờ nam với chiều dài 50m, cuốn trôi toàn bộ đoạn kè, đường bê-tông, rào chắn xuống sông.

Cồn Thanh Long (thuộc ấp Phú Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cũng đang bị dòng chảy tấn công tứ phía. Ông Phạm Minh Hoàng (Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm) chia sẻ: “Có một dòng nước xoáy rất mạnh từ phía bờ Bến Tre ngày đêm khoan phá cồn Thanh Long. Đó là một trong những nguyên nhân khiến chiếc cồn nhỏ bé này kêu cứu nhiều năm qua”.

Tiếng kêu cứu gần đây nhất là các đây hơn 3 tháng, đúng trưa ngày 20/4, những dòng nước từ sông Cổ Chiên làm sạt lở đoạn đê bao đầu cồn Thanh Long dài 50m, ăn sâu vào đất liền từ 10 - 15m. Vụ sạt lở khiến nước ngoài sông tràn vào gây ngập hơn 17ha vườn cây ăn trái, ảnh hưởng 8 hộ dân, trong đó có một căn nhà gần như mất trắng. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng khiến lòng người ở cồn Thanh Long một lần nữa dậy sóng.

Người dân xứ cồn gia cố đê bao để giữ vườn.

Trước năm 2016, cồn Thanh Long rộng khoảng 50ha thì bây giờ còn gần 40ha. Ông Phan Văn Minh (Trưởng ấp Phước Lý Nhì) - người sống trên cồn Thanh Long buồn bã kể: “Mấy năm qua, người dân trên cồn không có đêm nào ngủ ngon giấc khi những tiếng ầm ầm sạt lở ám ảnh quá nhiều lần. Tôi và hàng chục hộ dân ở đây đều là nông dân, không giữ đất thì lấy gì sinh kế”.

Theo ông Minh, cồn Thanh Long có 34 hộ đang canh tác, sản xuất nông nghiệp và có 8 hộ với gần 30 nhân khẩu trú ngụ trên cồn. Dù trên cồn không có điện, nước sạch nhưng vì cuộc sống, họ ráng bám trụ. Vợ chồng ông Minh có 6 công đất đất trồng bưởi da xanh, nhưng hiện nay vườn bưởi của ông ngày một lụi tàn. “Năm nào cũng phải trồng lại cây mới, cứ mỗi bận sạt lở, nước tràn vào lại cây lại chết đi một số. Cây còn sống thì yếu ớt, vừa phải chăm cây cũ, trồng cây mới. Gia đình tôi không có năm nào thu được một mùa trọn vẹn”, ông Minh kể.

Cũng như ông Minh, nhưng hộ dân canh tác nông nghiệp trên cồn cũng phải chịu cùng cảnh ngộ. Anh Nguyễn Chí Bảo nhớ lại: “Chỉ trong 15 phút con đê bao đầu cồn đã bị nhấn chìm dưới dòng nước. Năm nào cũng có sạt lở, không ít thì nhiều. Tình trạng sạt lở diễn ra sớm và liên tục hơn”.

Người dân trên cồn Thanh Long cho biết một trong những nguyên nhân khiến sạt lở ở đây ngày càng nghiêm trọng và phức tạp là do tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cổ Chiên.

Ông Phạm Minh Hoàng (Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm) - cho biết: “Cồn Thanh Long nếu làm kè kiên cố ở đầu cồn là tối ưu, nhưng vốn không hề nhỏ, tỉnh vẫn chưa cân đối, bố trí được. Chúng tôi cũng đã tính tới những phương án là kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư làm du lịch để người dân vừa có sinh kế, vừa giữ được đất. Thế nhưng có doanh nghiệp đến đây khảo sát rồi, nhưng sau đó không thấy quay lại nữa. Một trong những nguyên nhân khiến cồn Thanh Long cách trở là hệ giao thông đường bộ chưa hoàn thiện. Với tình trạng sạt lở như trên, cồn Thanh Long đã được công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp, nhưng để ứng phó, tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa có phương án căn cơ, tối ưu. Do đó những lần sạt lở chỉ có thể khắc phục tạm thời bằng cách đóng cừ dừa và đắp đất gia cố.

Theo báo cáo do Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải ký, qua khảo sát, hiện nay tổng chiều dài các đoạn bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở trên địa bàn tỉnh khoảng 425/8.118 km. Sạt lở bờ sông đã làm hư hỏng gần 28km lộ giao thông và 303 căn nhà, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến khu vực với diện tích hơn 3.700ha.

(Còn tiếp...)

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang