TP.HCM: Nhiều thảm cỏ xanh ở nhếch nhác, bất cập

Thứ Hai, 11/03/2019 16:14

|

(CATP) Với chức năng cải thiện khí hậu, bảo vệ môi trường, tăng giá trị thẩm mỹ của các công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị, mảng xanh đô thị có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người dân TPHCM.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều mảng xanh đô thị trên địa bàn thành phố chưa được quan tâm chăm sóc đúng mức. Không ít nơi, mảng xanh bị “bức tử”, đào bới nham nhở trông rất nhếch nhác.

Bồn trơ trọi, cây “khát” nước

Lưu thông qua ngã ba Nguyễn Văn Nghi - Nguyễn Du (P17, Q.Gò Vấp), người đi đường không khỏi xốn mắt khi giao lộ này có mấy bồn hoa luôn trong tình trạng nham nhở vì chứa đầy xà bần, rác rưởi. Có bồn chỉ còn loe ngoe vài bụi cây lụp xụp, xiêu vẹo, héo queo, còn lại đang “đói” cây, trơ ra những mảng đất khô khan, cằn cỗi.

Là một trong những tuyến đường đẹp nhất thành phố, nhưng nhiều mảng xanh tại một số chỗ hai bên đường Phạm Văn Đồng, nhất là đoạn gần cầu Bình Lợi bị khô héo, úa tàn, trông rất lem nhem.

Chị Nguyễn Hà My nhà gần cầu Bình Lợi, cho biết cây cối ở đây xơ xác một phần do thiếu chăm sóc, trồng mới, một phần do bị nhiều người chiếm dụng làm nơi buôn bán hoặc những người thiếu ý thức lái xe “càn” qua.

Cây xanh hai bên tuyến đường này còn bị nhiều người tận dụng để dán tờ rơi, đóng đinh treo biển quảng cáo, rao vặt, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển bình thường của cây.

Bồn cây hư hại, thiếu thảm xanh như thế này là tình trạng phổ biến trên đường phố ở Sài Gòn

Là một trong những cửa ngõ quan trọng ở phía Đông thành phố, nút giao thông cầu Sài Gòn có rất nhiều mảng xanh, phân bố rộng khắp từ hai bên đường cho tới dải phân cách, chân cầu. Tuy nhiên, nhiều mảng xanh, thảm cỏ tại nút giao thông này bị nhiều người giẫm đạp, lấn chiếm làm nơi buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng.

Xen lẫn bên những lùm cây cọ dầu, hoa sứ, dừa kiểng, tại khu vực dẫn vào Khu du lịch Tân Cảng có xà bần, gạch đá, chai lọ, rác thải chất thành đống. Trên nền đất loang lổ chỉ còn lưa thưa vài đám cỏ héo úa là những bếp than đá, ghế sô pha cũ, hàng trăm mảnh miểng sành, bồn cầu, la-va-bô bể... nằm lăn lóc.

Cách đó không xa, nhiều hàng cau kiểng tạo bóng mát tại dải phân cách trên đường Điện Biên Phủ đang vàng vọt, héo úa. Dưới chân hàng cau này, nhiều thảm cỏ đã chết khô. Dưới chân cầu Sài Gòn chỉ còn cây cỏ mọc lưa thưa, hoa hòe xác xơ do lâu ngày không được chăm sóc, tưới bón. Có chỗ, hoa, cỏ đã lụi tàn, trơ nền đất cằn cỗi. Xen lẫn với đó là hàng đống rác thải nhộm nhoạm.

Thảm cỏ trên đường Huyền Trân Công Chúa (Q1) bên cạnh công viên Tao Đàn xơ xác, đầy rác, đất tràn ra vỉa hè.

Thảm cỏ tại khu vực gần cầu vượt Văn Thánh (Q.Bình Thạnh) bị nhiều người đi lại giẫm đạp trụi lủi. Anh Nguyễn Xuân Vũ (nhà trên đường Điện Biên Phủ) cho biết: Sở dĩ những thảm thực vật tại nút giao thông cầu Sài Gòn ngày càng lụi tàn là bởi đang được đào bới để thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Cỏ cây lâu ngày không được tưới nước, chăm bón cẩn thận, dọn dẹp rác thải, gây mất mỹ quan.

Bị chiếm dụng làm “chợ”, treo quảng cáo

Nhiều thảm xanh ở giữa con lươn và hai bên các tuyến giao thông huyết mạch nối quận 7 và quận 4 với trung tâm thành phố, như: Nguyễn Tất Thành (Q4), Nguyễn Văn Linh (Q7)... cũng xảy ra tình trạng khô khốc, héo úa, bụi bặm. Lem nhem nhất phải kể đến ngã tư Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát (Q7).

Tại giao lộ này, nhiều đoạn vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, với đủ kiểu hàng rong, xe đẩy. Một số khác thì bị đào bới nham nhở, bê-tông, đất, đá, ống cống, dây điện... nằm ngổn ngang, dẫn đến nhiều thảm cỏ bị tàn lụi, thậm chí “biến mất”.

Cây cỏ hai bên xa lộ Hà Nội bị đốt cháy xém, héo queo.

Vốn được xem là tuyến đường có nhiều thảm xanh điển hình của thành phố, trước đây hai bên Xa lộ Hà Nội có rất nhiều cây cối và thảm cỏ xanh mướt. Từ khi dự án metro Bến Thành - Suối Tiên thi công, nhiều thảm xanh, cây kiểng hai bên đường này bị “bức tử”.

Nằm lăn lốc trên một số thảm cỏ vàng cháy, héo úa là những đống rác, bê-tông, xà bần, vật liệu xây dựng, tấm đan lót đường... Cây cỏ thiếu nước héo úa, nhiều chỗ còn bị ai đó châm lửa đốt cháy khét lẹt. Một số thảm cỏ bị chiếm dụng để đồ đạc, bán hàng rong. Có người chạy xe ôm còn dựng lều đón khách tại đây.

Nhiều mảng xanh, cây cối trên QL1A, nhất là đoạn trước Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân) còn bị nhiều người chiếm dụng dán tờ rơi, gắn biển quảng cáo đủ các loại hình như: nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, karaoke... đến những băng-rôn quảng cáo chương trình lô tô, văn nghệ...

Có những cây nằm ở vị trí đắc địa, phải “cõng” trên mình nhiều tờ roi, biển quảng cáo chồng lên nhau, trông rất nhếch nhác. Một số cây khác bị tận dụng để treo quần áo, ba lô, túi xách, giày dép, biến thành khu “chợ” bất đắc dĩ.

Không chỉ thiếu mảng xanh, tại nhiều tuyến đường trong nội thành như: Cách Mạng Tháng Tám, Ba Tháng Hai, Nguyễn Thị Minh Khai, Lý Thường Kiệt..., tình trạng thảm xanh bị giẫm đạp, xâm phạm diễn ra rất phổ biến. Nhiều mảng xanh, cây cối hai bên vỉa hè, tuyến phố hoặc trước trụ sở các cơ quan, đơn vị bị chiếm dụng buôn bán, tập kết rác nên hư hại, xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Nơi thừa, nơi thiếu

Khảo sát các mảng xanh trên địa bàn thành phố, không khó để nhận thấy sự phân bổ của những thảm thực vật chưa đồng đều. Nhiều đoạn đường có dân cư thưa thớt, ít người qua lại, nhưng được bố trí cây xanh, thảm thực vật khá dày đặc, tươi tốt, um tùm. Ngược lại, có những đoạn gần chân cầu, ngã ba, ngã tư, dải phân cách, công trình công cộng tập trung đông người qua lại thì trống trải, cây trồng xác xơ, chết khô.

Thảm xanh dưới chân cầu Sài Gòn chỉ lác đác vài cây xanh.

Là một trong những khu vực đắc địa của thành phố, việc bố trí bồn hoa, mảng cây xanh tại Công trường Mê Linh (Q1) hiện có nhiều bất cập. Nhiều bồn hoa đã cũ kỹ, bị rạn nứt, sứt mẻ, bong tróc nham nhở. Một số rào chắn trên bồn hoa rỉ sét, hoai mục, nằm xiêu vẹo.

Nhiều thảm cỏ khô khốc, héo úa. Là nơi hằng ngày có rất đông du khách nước ngoài qua lại, tham quan, nhưng công trường này lại đang tập kết hàng chục tấn rác thải; bao bì, rác rưởi, nước bẩn chảy nhễ nhại ra giữa mặt đường, bốc mùi hôi thối.

Ngay cả nhiều bệnh viện (BV), trường học trên địa bàn thành phố cũng được bố trí rất ít cây xanh, thảm cỏ. Bên cạnh một số hàng trúc, cây kiểng thưa thớt, vàng úa, xung quanh BV Chợ Rẫy (Q5) có rất ít mảng xanh để điều hòa không khí, tạo mỹ quan đô thị. Một số mảng xanh cạnh BV này bị giẫm đạp trụi lủi.

Cách đó không xa, xung quanh các BV Đại học Y dược TPHCM, Hùng Vương, nhà thuốc BV Răng - Hàm - Mặt Trung ương, Từ Dũ, Ung bướu, Nhi đồng 1, Nhân dân Gia Định... cũng có rất ít mảng xanh. Nếu có thì cũng bị chiếm dụng làm chỗ buôn bán, bị người đi đường, xe cộ càn lướt, nhếch nhác khó coi.

Nhiều bồn cây trên các tuyến đường: Nguyễn Thị Minh Khai, Sư Vạn Hạnh, Tôn Đức Thắng, Trần Hưng Đạo... mất hết thảm cỏ do bị phá hỏng hoặc không được trồng mới. Thay vào đó là những mảng đất trống, đống xà bần, rác rưởi.

Theo Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động quảng cáo, các hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cây xanh nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng. Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định, người nào có hành vi ngắt hoa, cắt cành cây, làm hư hỏng cây xanh, thảm cỏ nơi công cộng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa một triệu đồng. Mức phạt nêu trên cũng được áp dụng đối với hành vi giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định...

Để nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo mỹ quan đô thị và cải thiện môi trường, việc tăng diện tích cây xanh trên đầu người là hết sức cần thiết. Cơ quan chức năng cần sớm chỉnh đốn tình trạng trên, đồng thời tăng cường thêm mảng xanh ở các khu vực công cộng, đặc biệt là trong khu vực nội thành.

Luật sư Nguyễn Hữu Thục - Đoàn Luật sư TPHCM:

Hiện nay, luật chưa quy định xử phạt rõ ràng đối với hành vi tự ý ngắt hoa, ngắt cành, phóng uế, làm hư hỏng cây, vườn hoa, thảm cỏ, lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất cây xanh, tự ý chặt hạ, di dời, đào gốc cây xanh đô thị. Việc xử phạt đối với hành vi xâm phạm mảng xanh còn rất ít, chung chung, chưa chi tiết, không quy trách nhiệm quản lý cho một cơ quan, đơn vị cụ thể.

Về thẩm quyền lập biên bản, xử phạt cũng còn nhiều bất cập, không phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan chức năng. Việc gộp chung nhiều lĩnh vực trong nghị định dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Thực tế, thảm cỏ, cây xanh công cộng bị xâm hại, nhưng vấn đề xử phạt, buộc khắc phục hậu quả vẫn còn bỏ ngỏ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang