Thưa ông, ông có thể cho biết về thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay?
Chúng ta cần phải xem xét sự phát triển của ngành xuất bản, phát hành sách trong vài năm gần đây, nói riêng và thực trạng đọc sách của người Việt Nam nói chung để có một cái nhìn đầy đủ về lĩnh vực xuất bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi quan sát tình hình phát triển của hoạt động xuất bản, phát hành sách của Việt Nam trong vài năm gần đây, có những tín hiệu lạc quan hơn, thể hiện qua thị trường xuất bản phẩm đang có những bước phát triển khá tốt.
Đường sách trên đường Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP. HCM
Mặt khác, cách đây 3 năm, sách điện tử - Ebook tuy có tăng rộ lên nhưng hiện nay đã chững lại, sách in vẫn tiếp tục phát triển tốt. Thực tế cho thấy, thói quen đọc sách in của độc giả không bị mai một theo thời gian bởi sự thay thế của sách điện tử Ebook, người mê đọc sách vẫn cảm thấy sự thú vị khi cầm một quyển sách in bởi có mùi giấy, có thể gạch dưới, ghi chú những điều tâm đắc trên trang sách. Sách in còn có thể trở thành một kỷ vật trong cuộc đời của người đọc, họ lưu giữ lại trong tủ sách gia đình,… mà sách điện tử Ebook dường như không làm được những điều đó.
Ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam
Các sự kiện về sách như giới thiệu sách mới, giao lưu... được PR, quảng bá tốt đó là những lý do để sách đến gần hơn với bạn đọc, đi vào đời sống tốt hơn, đẩy mạnh việc tiêu thụ sách trên thị trường. Có thể thấy, hầu hết người làm xuất bản, phát hành là những người thực tâm muốn hành nghề và đa số đều có lãi trong kinh doanh sách. Một ví dụ ngay trên Đường sách TP. HCM - đường Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP. HCM), hầu hết các đơn vị xuất bản phát hành tại đây đã thành công sau một năm đi vào hoạt động.
Theo ông, sách dịch trong thời đại mở cửa và hội nhập đang có những bước tiến nào?
Sách dịch xuất hiện với số lượng đầu sách, nội dung, đề tài ngày càng đa dạng và phong phú, được công chúng đón nhận tốt. Sự xuất hiện của sách dịch tại Việt Nam thông qua quá trình tương tác và chọn lọc giữa NXB trong nước và nước ngoài.
Sách dịch phần lớn được tiêu thụ rất tốt bởi thứ nhất đó là những sách được mua bản quyền là những tác phẩm thuộc loại Top được xác lập qua thị trường tiêu thụ ở nước ngoài, tác phẩm được khẳng định best seller. Thứ hai, qua các phương tiện truyền thông, mạng Internet, các NXB trong nước có nhiều điều kiện tiếp cận với các ấn phẩm xuất sắc ở nước ngoài. Thứ ba, tính chuyên nghiệp của các NXB trong nước trong việc mua bản quyền của NXB nước ngoài được nâng cao, chuyên nghiệp trong quá trình thỏa thuận, thương lượng, mua bán và dịch thuật… Chính vì những điều trên mà ngày càng có nhiều ấn phẩm nước ngoài được mua bản quyền để phục vụ cho nhu cầu của bạn đọc trong nước.
Ông có thể cho biết tình trạng sách in lậu hiện nay theo ông có những “mảng tối” nào? Giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này?
Hiện nay, việc in lậu vẫn diễn ra đối với với những quyển sách hot, có lượng lớn bạn đọc tìm mua, sách lậu được phát hành gần như công khai ở nhiều cửa hàng sách với kỹ thuật, công nghệ in ấn hiện đại tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng thực hiện việc in lậu một quyển sách nên tình trạng in lậu như “con ngựa bất kham”.
Không gian được đầu tư bắt mắt là điểm nhấn nổi bật của đường sách
Cạnh đó, chế tài bằng luật pháp đối với tội in lậu sách cũng chưa thật nghiêm khắc, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, tính răn đe chưa cao. Việc xử lý tội làm hàng gian hàng giả, có thể bị hình sự hoá, mức nghiêm trọng có thể bị bỏ tù, còn đối với hành vi in lậu sách thì nặng về xử phạt hành chính.
Để làm tăng nặng việc xử phạt hành vi in sách lậu, Hội Xuất bản Việt Nam đã có văn bản kiến nghị bổ sung nội dung hình sự hoá tội danh in lậu, làm giả sách vào điều 344 của Bộ Luật Hình sự 2015 đang chờ Quốc hội thông qua. Với việc hình sự hoá, đưa ra biện pháp xử phạt đến mức bỏ tù đối với tội in lậu sách giống như tội danh làm và buôn bán hàng nhái, hàng giả sẽ góp phần cải thiện tích cực tình hình in lậu sách đang là vấn nạn hiện nay.
Là một trong những người đầu tiên lên ý tưởng thành lập đường sách của Thành phố, vậy chắc hẳn ông là một người rất tâm huyết với sách?
Đường sách TP. HCM trên đường Nguyễn Văn Bình ra đời từ những ý tưởng của những người có trách nhiệm liên quan, trong đó có Hội Xuất bản. Hội Xuất bản phối hợp cùng với Sở Thông tin Truyền thông TP. HCM, mọi người cùng ngồi lại để lập kế hoạch, đề án xin phép UBND Thành phố, vận động các NXB tham gia. Đường sách ra đời là thành quả trái ngọt đầu mùa qua sự hợp sức của nhiều người, trong đó có sự tham gia của Lê Hoàng. (cười)
Đường sách đi vào hoạt động đã mang lại nhiều điều tích cực trong việc tạo dựng nên một không gian văn hóa cho người dân TP. HCM nói chung, cho những người say mê đọc sách nói riêng. Những người yêu thích sách sẽ tìm thấy những quyển sách đáp ứng được nhu cầu đọc của chính mình. Các NXB có nơi tiếp cận nhu cầu, định hướng đề tài xuất bản phẩm, giới thiệu những sách mới và góp phần làm cho hiệu quả kinh tế và sản lượng xuất bản ngày một tăng lên.
Sự góp mặt của nhiều NXB làm cho đường sách thêm phong phú và đa dạng về đầu sách
Đường sách TP. HCM trên đường Nguyễn Văn Bình được ví như một mô hình điển hình cần nhân rộng trên cả nước, tại Hà Nội đã chọn Đường 19 tháng 12 làm phố sách của Thủ đô, Huế đang xây dựng đề án, Đà Nẵng sắp khai trương Đường Sách đầu năm 2017. Như vậy, cả 3 miền Bắc – Trung – Nam đều sẽ có đường sách.
Vừa qua, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong còn chỉ đạo cho Sở thông tin Truyền cùng Hội Xuất bản phối hợp nên có thêm một đường sách mới ở Q.5, TP.HCM. Đường sách ra đời đã có tác động nhất định đến việc quan tâm đọc sách của người dân, đặc biệt những gia đình quan tâm nhiều hơn đến việc đọc sách cho con em mình, hình ảnh những phụ huynh dẫn con em đến đường sách tham quan và mua sách ngày càng nhiều lên.
Mặt khác, tại đường Nguyễn Bình, người dân, du khách còn cảm nhận được một không gian văn hoá tinh thần thú vị với một môi trường xanh, đẹp, yên tĩnh góp phần làm cho chất lượng cuộc sống của người dân Thành phố ngày một tốt hơn.
Cảm ơn những chia sẻ của ông, chúc ông sức khỏe!