TPHCM:

Đẩy mạnh phòng ngừa việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả

Thứ Sáu, 09/05/2025 14:24  | Trung Hiếu

|

(CATP) Nhằm áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TPHCM vừa ra văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành trên địa bàn TPHCM những vấn đề có liên quan cần kịp thời triển khai thực hiện…

Cụ thể, UBND TP yêu cầu Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Thành phố (Sở Công Thương) tăng cường phối hợp với các cơ quan và lực lượng chức năng có liên quan thực hiện đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ thuộc nhóm dược phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền. Đồng thời, tăng cường phối hợp với cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền rộng rãi đến người dân những quy định pháp luật về phòng chống hàng giả, đặc biệt là thuốc giả; thông tin về tác hại và ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Song song đó, cần chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan chức năng và UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức tăng cường công tác quản lý thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ thuộc nhóm dược phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên rà soát hoạt động kinh doanh thuốc trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; phối hợp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Cần áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm sản xuất, buôn bán thuốc phòng, chữa bệnh giả (ảnh minh họa)

Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo Sở Y tế TP phối hợp chặt chẽ với Công an TPHCM trong việc điều tra, xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng khác tăng cường biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường.

Ngoài ra, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm; quản lý chặt chẽ các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, chỉ mua bán thuốc có giấy đăng ký lưu hành, hóa đơn chứng từ đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, Sở Y tế phải chỉ đạo cơ quan kiểm nghiệm tăng cường kiểm tra chất lượng thuốc nhằm kịp thời phát hiện thuốc giả; chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, thu hồi triệt để các loại thuốc giả đã phát hiện nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe người dân.

Qua đó, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược phẩm; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; nâng cao ý thức sử dụng thuốc an toàn, hợp lý theo đơn thuốc.

Công an TPHCM và UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cũng được giao nhiệm vụ tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ theo đúng quy định pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp tuyên truyền rộng rãi đến người dân các quy định pháp luật về phòng chống hàng giả, đặc biệt là thuốc giả; thông tin về tác hại và ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ đối với sức khỏe cộng đồng và xã hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang