Thuốc giả, giả bác sĩ bán thuốc vẫn tràn lan trên mạng

Thứ Tư, 20/12/2023 08:34

|

(CATP) Dù các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo nhưng những vụ lừa đảo bán thuốc dỏm, giả bác sĩ để bán thực phẩm chức năng đội lốt thuốc chữa bệnh vẫn đầy rẫy trên mạng, với nội dung quảng cáo rất phản khoa học, rất nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh...

Cái gọi là "thuốc halipix, hapanix" tiếp tục lừa đảo

Trên số báo phát hành ngày 4-11, Báo Công an TPHCM có bài viết về một trang web quảng cáo thuốc sai sự thật (http://vnedefano.shop), rất nguy hiểm vì giới thiệu một loại thuốc có tên là "Halipix" chữa "dứt điểm" bệnh cao huyết áp. Trang này đến nay vẫn tồn tại trên mạng và chắc chắn lừa đảo nhiều bệnh nhân cả tin.

Bài báo vạch mặt loại thuốc có tên là Halipix, được quảng cáo rất phản khoa học là điều trị "dứt điểm" bệnh cao huyết áp cho người lớn tuổi, mà Hiệp hội dược sĩ Việt Nam (hiệp hội "ma") giới thiệu là của "Viện Nghiên cứu tim mạch" (cũng là một viện "ma") và người Đức sẵn sàng mua với giá 3.950.000đồng/lọ!

Ông Trần Anh Khoa, được trang web này giới thiệu là "Giám đốc trung tâm khoa học phẫu thuật tim mạch" (cũng là một trung tâm "ma") khẳng định: Thuốc "làm sạch mạch máu và làm tan các cục máu đông nhờ hợp chất Alpha hydroxy calciferol được phát hiện bởi một chuyên gia người Nhật đoạt giải Nobel sinh học vào năm 2011". Ông Khoa tiếp tục quảng cáo: "Điều quan trọng là bệnh cao huyết áp, vốn là căn nguyên của mọi bệnh về tim mạch, sẽ được loại bỏ hoàn toàn".

Một luận điệu quảng cáo hoàn toàn phản khoa học và rất nguy hiểm, thậm chí kêu gọi người bệnh cao huyết áp không được dùng thuốc Tây, bởi đó chỉ là cách "kiếm chác, mà không hề biết rằng những thứ thuốc đó đang khiến bệnh nhân nhanh "sang thế giới bên kia" hơn! Theo nhiều bác sĩ (BS) về tim mạch, đó là cách quảng cáo cực kỳ nguy hiểm và khẳng định bệnh tim mạch không thể chữa dứt điểm như quảng cáo này nhưng các loại thuốc Tây hiện nay đều có thể điều trị tốt bệnh này.

Công an tỉnh Bắc Ninh khám xét văn phòng của các đối tượng Ảnh: CACC

Không chỉ Báo Công an TPHCM lên tiếng về loại thuốc này (thực chất là một loại thực phẩm chức năng), nhiều báo khác, cả VTV cũng lên tiếng nhưng cho đến nay trang web này vẫn tiếp tục lừa đảo khách hàng.

Sáng 19/12, chúng tôi click vào đường dẫn trang web nêu trên, lòi ra một quảng cáo mới với loại thuốc khác nhưng cũng tuyên bố "điều trị dứt điểm bệnh cao huyết áp" và cũng với giọng lưỡi lên án thuốc Tây điều trị bệnh này: "Nếu muốn khỏi huyết áp cao, quên ngay những điều BS đã nói đi! Họ chỉ đang làm tiền từ bạn mà thôi"! Trang web giới thiệu "GS Phạm Chấn Phong, Giám đốc Trung tâm Y học cổ truyền Việt Nam uy tín nhất tại TP.Lâm Đồng" nói về thuốc Hapanix (tương tự như thuốc Halipix nêu trên). Thực tế đọc title quảng cáo này cũng thấy đây là trang web dỏm, quảng cáo thuốc (thực phẩm chức năng giả), bởi làm chi có GS Phạm Chấn Phong; làm gì có TP.Lâm Đồng (chỉ có TP.Đà Lạt)!

Và đây là một luận điệu quảng cáo cực kỳ nguy hiểm: "Mỗi năm, hơn 2000 bệnh nhân tăng huyết áp đến điều trị tại TRUNG TÂM Y HỌC CỔ TRUYỀN và 98% trong số họ đều được giải thoát khỏi những đợt tăng huyết áp! Hoặc: "Tất cả các loại thuốc hạ huyết áp được bán ở hiệu thuốc chỉ làm tình trạng tăng huyết áp trầm trọng hơn..."! "Điều trị bằng dược phẩm hạ huyết áp chỉ dẫn đến tử vong"!

Những thông tin quảng cáo phản khoa học, gian dối cực kỳ nguy hiển mà những người có chút ít kiến thức y học đều biết đó là quảng cáo sai sự thật và phản khoa học nhưng vẫn có thể lừa được khách hàng.

Để kiểm chứng, bạn đọc vào trang web này, đọc sẽ rõ: http://vnedefano.shop/,

Cuối cùng cũng chỉ là bán cái gọi là thuốc Hapanix (mà thực tế là thực phẩm chức năng)!

Tang vật trong vụ án lừa đảo bán thuốc dỏm bị Công an Bắc Ninh thu giữ. Ảnh: CACC

Giả danh cả "thiếu tướng bác sĩ” lừa bán thuốc

Lập trang web, dùng mạng xã hội zalo, tiktok, facebook... bán thực phẩm chức năng, thuốc giả thuốc dỏm, quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội thực sự là một vấn nạn xã hội, nhưng nguy hiểm hơn là mạo danh BS các bệnh viện lớn để bán thuốc.

Ngày 11/12, Công an huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố 26 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở đường dây giả danh các BS bệnh viện lớn để bán thuốc giả. Trong đó, công an bắt tạm giam 24 đối tượng; cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú 2 đối tượng. Cầm đầu đường dây trên là Phạm Viết Trung (SN 1995, trú ở Xuân Thành, Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình).

Trung nguyên là nhân viên của một số công ty chuyên bán hàng đa cấp. Qua đó nhận thấy nhu cầu về sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng để điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp rất cao nên tìm cách lập công ty để lừa đảo.

Trung cùng với một số người khác góp tiền thành lập công ty Cổ phần Dược phẩm SPARTA do Trung làm Giám đốc, có trụ sở hoạt động tại tầng 7 tòa nhà số 251 Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Trung và các đối tượng trong công ty dựng kịch bản giả danh các BS của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, rồi chạy quảng cáo để bán thuốc qua mạng. Trung cùng các đối tượng đặt hàng một nhà thuốc gia truyền sản xuất với các sản phẩm như: Hạ đường QY, Thanh mạch QY, Mộc gan QY..., làm mẫu mã, bao bì và tổ chức các nhóm kinh doanh do Trung trực tiếp điều hành.

Trung chỉ đạo từng nhóm lập fanpage trên mạng xã hội như "Bệnh viện Quân đội 108 - Chuyên khoa Nội tiết", "Bệnh viện Quân y 103", rồi chạy quảng cáo, mời chào bệnh nhân; đối tượng còn lại làm sale có nhiệm vụ giả danh BS để tư vấn, bán thuốc. Thuốc bán ra chủ yếu tập trung vào các bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp và xương khớp. Khi có người mua thuốc trên fanpage trên, chúng mời chào để lại thông tin, số điện thoại để "BS" gọi điện lại tư vấn. Thực tế các "BS" chính là những nhân viên của Trung! Như Vũ Quang Vinh (SN 2002, ở Mường Khoa, Chiềng Khoa, Vân Hồ, Sơn La) tự xưng là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trực tiếp nói chuyện điện thoại để tư vấn khiến bệnh nhân rất tin tưởng, lôi kéo bệnh nhân mua thuốc.

Hình ảnh quảng cáo lừa đảo, rất nguy hiểm về "thuốc Hapanix" vẫn tràn lan trên mạng

Với thủ đoạn trên, từ tháng 5/2022 đến 10/2023, Trung và đồng phạm đã bán thành công 12.800 đơn hàng cho hơn 8.000 bị hại ở các tỉnh thành trên cả nước, thu về hơn 30 tỷ đồng.

Điều đáng nói là nhóm này hoạt động cả năm mới bị phát hiện, chứng tỏ chúng sử dụng nhiều thủ đọan tinh vi để lừa đảo, qua mặt các cơ quan chức năng.

Tương tự nhóm này, cuối tháng 11/2023, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng bắt gọn ổ nhóm 10 đối tượng giả danh BS lừa đảo khám chữa bệnh và bán thuốc. Có bệnh nhân bị bọn chúng lừa đảo hơn 1,2 tỷ đồng. Cái đích ổ nhóm này hướng tới là những người cao tuổi, mắc các loại bệnh lý liên quan tới tuổi già, đã mua và sử dụng thuốc đông y nhiều năm nhưng chưa khỏi bệnh.

Công an đã tịch thu hàng chục chiếc máy tính, điện thoại di động, con dấu giả và hơn 600 hộp thực phẩm chức năng là tang vật của vụ lừa đảo.

Kết quả điều tra bước đầu, ổ nhóm này đã lừa đảo hàng nghìn nạn nhân. Số tiền chiếm đoạt lên tới hàng tỷ đồng.

Tại sao vẫn cứ quảng cáo thuốc sai sự thật tràn lan?

Câu hỏi này được đặt ra từ lâu và đến nay vẫn chưa có câu trả lời, dù các cơ quan chức năng rất quyết liệt xử lý nhưng để phát hiện hình như rất khó. Lấy ví dụ như nhóm 26 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong đường dây giả danh các bác sĩ bệnh viện lớn để bán thuốc giả, bị Công an huyện Tiên Du (Bắc Ninh) triệt phá vừa rồi, phải mất cả năm mới bị phát hiện, đủ để nhóm này lừa đảo hơn 8.000 bệnh nhân, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng!

Thực tế là Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vẫn thường xuyên phát cảnh báo về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh nhưng trên mạng vẫn mua bán ì sèo.

Qua kiểm tra, Cục An toàn thực phẩm còn phát hiện trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên bán thực phẩm chức năng trái phép, thậm chí thuê cả người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên... quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng. Nhiều sản phẩm, nhiều nhóm bán hàng còn giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai sự thật. Theo Cục An toàn thực phẩm, việc xử phạt các vi phạm về quảng cáo này không dễ dàng, bởi khi lực lượng chức năng phát hiện những website, tên miền quảng cáo các sản phẩm này, làm việc với doanh nghiệp họ không thừa nhận đây là quảng cáo của mình.

Hiện nay với việc đăng tên miền với tư cách cá nhân, cho phép cấp tên miền ẩn danh nên khi phát hiện sai phạm, việc truy xuất rất khó khăn.

Theo Cục An toàn thực phẩm, việc cho phép công ty phần mềm (không phải người trực tiếp sản xuất kinh doanh) đứng chủ tên miền, nên khi có sai phạm, các công ty sản xuất kinh doanh thường chối không liên quan tới họ, họ không phải là người thực hiện các nội dung quảng cáo này.

Một thực tế cần thừa nhận rằng hiện các thông tin quảng cáo trực tuyến sai sự thật vẫn chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Bộ Thông tin - Truyền thông cần quyết liệt yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có trách nhiệm kiểm soát, gỡ bỏ các nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm

Theo Cục An toàn thực phẩm, người dân có thể tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định mua một sản phẩm liên quan đến thuốc chữa bệnh.

Cục An toàn thực phẩm cũng luôn luôn thông tin các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh. Nhiều loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo có nội dung gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh, người dân cẩn trọng khi mua và sử dụng. Vì vậy, người dân không nên tin vào quảng cáo sai sự thật.

Tại TPHCM, Sở Y tế khuyến cáo người dân lưu ý khi lựa chọn thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh có thể tra cứu vào đường link: https://thongtin.medinet.org.vn/ để biết thông tin của các cơ sở đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Bình luận (0)

Lên đầu trang