Cần đẩy nhanh tiến độ
Được biết, danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2023 được công bố gồm 32 điểm. Cụ thể: TP.Thủ Đức 7 điểm (trong đó 2 điểm đặc biệt nguy hiểm, 5 điểm nguy hiểm); huyện Nhà Bè 7 điểm (3 điểm đặc biệt nguy hiểm, 4 điểm nguy hiểm); huyện Bình Chánh 4 điểm (2 điểm đặc biệt nguy hiểm, 2 điểm nguy hiểm); huyện Cần Giờ 5 điểm (1 điểm đặc biệt nguy hiểm, 4 điểm nguy hiểm); quận Bình Thạnh 5 điểm (1 điểm đặc biệt nguy hiểm, 4 điểm nguy hiểm), quận 12 có 2 điểm nguy hiểm; huyện Hóc Môn 1 điểm nguy hiểm; huyện Củ Chi 1 điểm nguy hiểm.
UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư đang triển khai thực hiện các dự án kè chống sạt lở, gồm: Ban Quản lý Dự án (QLDA) đầu tư xây dựng (ĐTXD) các công trình giao thông TP, Ban QLDA ĐTXD hạ tầng đô thị TP, Ban QLDA ĐTXD khu vực TP.Thủ Đức, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án kè phòng, chống sạt lở thuộc thẩm quyền của địa phương.
Qua đó, đơn vị làm chủ đầu tư cần sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong các khu vực bị ảnh hưởng; đồng thời chủ động hỗ trợ địa phương có biện pháp, phương án phòng chống triều cường tại các khu vực đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa triển khai thi công dự án kè.
Nguy cơ sạt lở nguy hiểm tại rạch Giồng Ông Tố
Cũng theo chỉ đạo của UBND TPHCM, các dự án kè trong quá trình chuẩn bị đầu tư phải khảo sát kỹ địa hình, địa chất; quá trình triển khai thi công phải bảo đảm chất lượng, bền vững, an toàn để phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở. Riêng đối với các dự án kè sau khi đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng phải tổ chức bàn giao cho đơn vị thụ hưởng để quản lý, vận hành và khai thác.
Bên cạnh đó, yêu cầu các sở ban ngành có liên quan cùng vào cuộc thực hiện nhanh chóng theo từng nhiệm vụ cụ thể tại các khu vực sạt lở; giao Công an TPHCM chủ trì, phối hợp với, Sở Giao thông vận tải, UBND các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, không phép trên tuyến sông Sài Gòn (huyện Củ Chi), sông Đồng Nai (TP. Thủ Đức), sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và vùng ven biển huyện Cần Giờ.
Ngoài ra, chú trọng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án công trình kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư trong thời gian ngắn nhất để sớm có mặt bằng phục vụ thi công hoàn thành dứt điểm các dự kè trên địa bàn TP; giao UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh khu vực sạt lở để biết và chủ động phòng tránh, ứng phó.
Tại các vị trí đã xảy ra sạt lở, cần tiến hành rào chắn, khoanh vùng ngăn không cho người và phương tiện vào; bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi tạm cư an toàn. Song song đó, cần nhanh chóng xây dựng và triển khai phương án ứng phó và xử lý cấp bách khu vực sạt lở; tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ bao, đê bao, bờ kè trên địa bàn quản lý; tiếp tục theo dõi các vị trí sạt lở bình thường và phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan đề xuất biện pháp gia cố bờ bao, duy tu, sửa chữa kè bị xuống cấp.
Trong đó, đối với 8/32 vị trí sạt lở trong danh mục đã được công bố nhưng chưa có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở gồm vị trí số 14 (huyện Nhà Bè), vị trí số 18 (huyện Bình Chánh), vị trí số 20, số 21, số 22, số 23 (huyện cần Giờ), vị trí số 29, số 30 (quận 12); cần có kế hoạch đề xuất chủ trương đầu tư dự án xây dựng kè chống sạt lở.
Sửa chữa sạt lở tại bán đảo Thanh Đa
Khắc phục "điểm nóng" Thanh Đa
Trước đó, UBND quận Bình Thạnh đã có công văn gởi UBND TP báo cáo tình hình và kiến nghị khắc phục sạt lở tuyến kè kênh Thanh Đa - đoạn 1.1, phường 25, quận Bình Thạnh. Theo đó, tại vị trí trên (thuộc công trình kè bảo vệ bờ kênh Thanh Đa) xảy ra sụt lún, sạt lở từ ngày 24 đến 25/6/2023; làm đoạn đường bộ hành sau kè bị sụt lún từ 0,5m đến 0,8m trong phạm vi chiều dài 120m; rãnh thoát nước dọc đường bộ hành bị gãy, sụp; mái kè và lan can bị xô đẩy ra phía ngoài kênh Thanh Đa khoảng từ 0,05m đến 0,9m và tiếp tục có nguy cơ xảy ra sạt lở tại khu vực. Điều đáng nói, diễn biến sụt lún nguy cơ mở rộng vào ngày 07/7/2023, khiến phần đỉnh kè và nền vỉa hè tiếp tục sụt lún không bảo đảm an toàn công trình kè, công tác phòng chống triều cường trong mùa mưa bão năm 2023.
UBND quận Bình Thạnh đã chỉ đạo UBND phường 25 tổ chức vận động di dời toàn bộ 15 hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng sạt lở đến nơi an toàn và đã kịp thời tổ chức khoanh vùng, rào chắn không cho người dân, phương tiện qua lại; bố trí lực lượng thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sụt lún, sạt lở. Tuy nhiên, để khắc phục sạt lở về lâu về dài, UBND quận Bình Thạnh cũng đã kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương giao Ban QLDA ĐTXD khu vực quận Bình Thạnh làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng kiên cố tuyến kè Thanh Đa - đoạn 1.1, phường 25.
Đồng thời, giao UBND quận Bình Thạnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư dự án; lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình cấp thẩm quyền phê duyệt sớm bàn giao mặt bằng thi công; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính ưu tiên bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn năm 2021 - 2025 và vốn chuẩn bị đầu tư năm 2024.
Liên quan đến tình hình sạt lở khu vực tuyến kè kênh Thanh Đa - đoạn 1.1, phường 25, đặc biệt tại vị trí sạt lở số 28 đang diễn biến phức tạp hiện nay, mới đây, UBND TPHCM đã có ý kiến chỉ đạo trong Công văn số GA55 /UBND-KT. Theo đó, UBND TPHCM đã chấp thuận toàn bộ kiến nghị của UBND quận Bình Thạnh nhằm khẩn trương khắc phục vị trí sạt lở, bảo đảm tài sản và tính mạng của người dân tại khu vực.