(CAO) UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch số 2804/KH-BCĐ về công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2025, với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và cụ thể nhằm tiến tới mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Theo thống kê tính đến cuối năm 2024, toàn TP ghi nhận gần 23.000 người nghiện ma túy và hơn 4.500 người sử dụng trái phép chất ma túy. Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp, tổ chức sử dụng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ và khu dân cư gia tăng đáng kể.
Hoạt động mại dâm có xu hướng sử dụng mạng Internet, ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua các trang mạng xã hội. Các nhóm, diễn đàn này có nhiều thành viên tham gia và thường được thể hiện dưới dạng nhóm kín gồm các đối tượng là người bán dâm, mua dâm và đối tượng môi giới.
Các đối tượng này có thể tham gia nhiều hội, nhóm kín để tiếp cận nhiều người nhằm móc nối, trao đổ i thực hiện hành vi mua bán dâm hay các tệ nạn xã hội khác. Đặc biệt, tình trạng lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới vẫn tăng.
TP.HCM xác định công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng và lâu dài. Theo đó, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm TP.HCM đặt ra mục tiêu đạt chỉ tiêu 95-95-95 trong phòng chống HIV/AIDS (95% người nhiễm HIV biết tình trạng của mình, 95% người biết tình trạng được điều trị ARV, 95% người điều trị có tải lượng virus dưới ngưỡng lây truyền) vào năm 2025, hướng tới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Kế hoạch nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả điều tra, đấu tranh với tội phạm ma túy, tăng cường kiểm soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện, kiểm tra chặt chẽ các điểm nóng, khu vực nhạy cảm. Việc ứng dụng dữ liệu dân cư quốc gia, công nghệ thông tin và mạng xã hội cũng được triển khai mạnh mẽ trong tuyên truyền và quản lý.
Trong đó, UBND TP giao Công an TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; chủ động tham mưu cho Thành ủy và UBND TP các giải pháp phòng, chống tội phạm về ma túy, mại dâm; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống ma túy và Kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2025 trên địa bàn thành phố.
Ngành y tế tiếp tục mở rộng điều trị HIV/AIDS, điều trị bằng thuốc thay thế như Methadone, PrEP và PEP; triển khai các mô hình hỗ trợ người nghiện, người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo lồng ghép giáo dục phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm vào các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Với quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống, TP.HCM kỳ vọng sẽ từng bước kéo giảm các tệ nạn xã hội, khống chế dịch HIV/AIDS, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi người dân và thu hút đầu tư phát triển bền vững trong tương lai.