Phép thử công năng của 1.900km cao tốc…
Một trong ba đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua là trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km cao tốc. Để đạt được mục tiêu này ước tính nhu cầu vốn đầu tư khoảng 813.000 tỷ đồng. Đó là số tiền rất lớn, buộc phải đầu tư theo phân khúc phân kỳ (đầu tư theo từng giai đoạn), để chạy đua với thời gian, hy vọng đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000km đường cao tốc.
Tính đến Tết Giáp Thìn 2024, cả nước đã có 1.900km đường cao tốc. Trong đó có loại cao tốc hiện đại như tuyến Hà Nội - Hải Phòng được xem là rất hiện đại (rộng 33 mét, 6 làn xe, 2 làn dừng xe khẩn cấp). Một số tuyến cao tốc đang khai thác được đầu tư quy mô 4 làn đầy đủ như: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bắc Giang - Lạng Sơn, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Phan Thiết - Dầu Giây, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Trung Lương. Trong khi đó một số tuyến cao tốc ở miền Trung đầu tư theo phân khúc phân kỳ chỉ có 2 làn xe, thậm chí không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp.
Với 1.900km cao tốc các loại nêu trên, dịp Tết Giáp Thìn vừa qua, có thể xem là một dịp thử công năng của hệ thống đường cao tốc hiện có. Lượng xe người dân về quê qua các tuyến cao tốc tăng cao, nhất là từ các tỉnh phía Nam đi ra Bắc hay từ TPHCM đi miền Tây. Cứ mỗi dự án, với hàng chục km cao tốc được nối tuyến, đường về nhà của hàng ngàn, chục ngàn người gần hơn, nhanh hơn, kể cả phía Bắc hay Nam. Lấy ví dụ cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được đưa vào sử dụng ngay trong những ngày cuối tháng 12/2023 từng bước tháo gỡ những nút thắt hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Với tốc độ triển khai các dự án cao tốc, nếu đến hết năm 2025, với 3.000km cao tốc, năm 2030 với 5.000km cao tốc, thì chắc chắn tình hình giao thông mỗi dịp Tết đến sẽ được cải thiện rất lớn, sẽ góp phần tháo gỡ nhiều nút thắt ùn tắc giao thông mà năm nào Tết đến cũng bị nghẽn.
Một đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tuy nhiên phép thử công năng của hệ thống cao tốc hiện có cũng bộc lộ những hạn chế, đặc biệt các dự án đầu tư phân kỳ. Việc phải phân kỳ đầu tư dẫn tới hiện tượng một số tuyến cao tốc chỉ có một làn đường mỗi chiều, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.
Lấy cao tốc miền Trung làm ví dụ. Hơn 300km cao tốc nối qua 5 tỉnh thành miền Trung được thiết kế mỗi đoạn một kiểu khiến nhiều tài xế gặp khó khăn khi lưu thông qua đây. Ngoại trừ 140km cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng được thiết kế mỗi bên hai làn đường và một làn dừng khẩn cấp, 170km còn lại không có dải phân cách ở giữa, như đường đồng bằng. Đơn cử, tuyến Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ, với những đoạn đường núi quanh co nhưng lại không có dải phân cách, tốc độ tối đa cũng chỉ 80 km/giờ, còn thua tốc độ cho phép trên Quốc lộ 1 ở khu vực ngoại thị.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết theo phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, dự án này mới đầu tư 2 làn, chưa có dải phân cách cứng. Tuy nhiên, rải rác trên tuyến vẫn có một số đoạn 4 làn, có dải phân cách cứng và làn dừng khẩn cấp để các phương tiện vượt. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khuyến cáo các tài xế tuân thủ về các chỉ dẫn giao thông, biển báo, bảo đảm an toàn khi lưu thông.
Sau TNGT hôm 18/02, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp thu phản ánh từ báo chí, người dân, ngay lập tức rà soát, báo cáo bộ phương án tổ chức giao thông theo hướng tối ưu trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Ít nhất 4 làn xe
Chỉ còn 2 năm nữa Bộ GTVT phải hoàn thành dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, như Quốc hội đã thông qua. Đây là dự án giao thông chiến lược quốc gia, dù triển khai có chậm nhưng tốc độ thực hiện khá nhanh. Tuyến cao tốc này có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063km, quy mô từ 4 đến 10 làn xe đang dần khép kín và sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Quy hoạch là ít nhất 4 làn xe nhưng thực tế, theo ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT, thời gian qua lãnh đạo Bộ GTVT đã giải trình trước Quốc hội và báo cáo Chính phủ việc đầu tư phân kỳ đường cao tốc (chưa đầu tư theo quy mô đầy đủ như quy hoạch - ít nhất 4 làn) là căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn, dự báo lưu lượng xe, nhu cầu vận tải trên từng đoạn tuyến cụ thể để đầu tư phù hợp với nguồn lực.
Có thể nói cách làm cao tốc đầu tư phân kỳ là theo kiểu "con nhà nghèo", rất nhanh lạc hậu. Tuyến Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ bộc lộ rất rõ điều này, khi Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nâng cấp dự án này lên 4 làn xe và tổ chức thực hiện một cách nhanh nhất.
Vì sao các cao tốc đầu tư theo hình thức phân kỳ lại nhanh lạc hậu, quá tải gần như ngay lập tức. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần biết rằng tất cả quốc gia trên thế giới muốn phát triển kinh tế - xã hội thì hạ tầng giao thông luôn phải đi trước. Không phát triển hoặc phát triển giao thông đứt đoạn thì hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ khó có thể cất cánh. Trong khí đó ở nước ta, có những điểm trừ khá lớn trong quy hoạch đường bộ là tuyến Quốc lộ 1A nâng cấp hiện đại hóa rất chậm, chỉ mới được nâng cấp từ sau năm 2000. Về đường cao tốc, nhìn lại lịch sử xây dựng cao tốc, chúng ta đã khởi đầu khá muộn và giờ đây đang nỗ lực tăng tốc nhưng dù tăng tốc, ở phía Nam vẫn còn thiếu nhiều tuyến dọc lẫn tuyến cao tốc ngang. Do phát triển chậm, đặc biệt là cao tốc, nên cứ mỗi tuyến cao tốc dù 2 làn hay 4 làn tiêu chuẩn đưa vào hoạt động là gần như ngay lập tức bị quá tải. Điều đó cho thấy hạ tầng giao thông đi sau khá xa so với phát triển kinh tế.
Sau tai nạn trên cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn sáng 18/02, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu rà soát toàn bộ các tuyến cao tốc có 2 làn xe. Với các tuyến cao tốc đã đầu tư theo quy mô phân kỳ, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp, gửi Bộ GTVT trước ngày 15/3/2024.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động, phối hợp với Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề xuất bố trí nguồn vốn sớm thực hiện đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ.
Thực tế từ đầu năm 2023, Chính phủ đã thống nhất chủ trương làm đường cao tốc phải có tối thiểu 4 làn theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, tránh lãng phí, khó khăn khi đầu tư mở rộng; phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh, khi phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình.
Với chủ trương đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong tương lai gần sẽ là những tuyến cao tốc có ít nhất 4 làn xe, phấn đấu xây dựng cao tốc có 4 làn xe đầy đủ. Tất nhiên như vậy vẫn chưa đủ nhưng vẫn hơn những gì đang có; ít nhất loại trừ những tuyến chỉ có 2 làn xe...
Phân biệt cao tốc 4 làn xe và 4 làn xe đầy đủ
Đường cao tốc phân kỳ đầu tư 4 làn xe thường được gọi là đường cao tốc 4 làn hạn chế khi có nền đường rộng 17 mét, mặt đường rộng 16 mét, làn xe cơ giới rộng 3,5 mét, không bố trí dải dừng xe khẩn cấp liên tục; tốc độ khai thác tối đa 80km/giờ.
Phần lớn các đoạn tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe mới đưa vào khai thác thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến đang thi công như Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ, Cao Lãnh - An Hữu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Còn đường cao tốc 4 làn xe có quy mô đầy đủ có nền đường rộng 22,5 mét - 25 mét, mặt đường rộng 23,5 mét, mỗi làn xe rộng 3,75 mét, dải dừng xe khẩn cấp 2 bên được đầu tư đầy đủ, liên tục (mỗi dải rộng 3 mét); tốc độ khai thác tối đa 100km - 120km/giờ. Đó là các tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bắc Giang - Lạng Sơn, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Phan Thiết - Dầu Giây, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Trung Lương.
(Còn tiếp...)