Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Thứ Ba, 20/02/2024 12:12

|

(CATP) Kinh tế phát triển nhanh kéo theo áp lực hạ tầng giao thông rất lớn. Vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam và tuyến TPHCM - Cần Thơ. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh tiến độ để đến năm 2030 - 2035, ít nhất đưa 2 tuyến đường sắt cao tốc chiến lược Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang vào khai thác.

Hạ tầng giao thông chậm phát triển

Tết Giáp Thìn 2024 chứng kiến việc đi lại của người dân về quê ăn Tết và trở lại TPHCM học tập, làm việc rất khó khăn, chật vật khi cả đường không, đường sắt, đường bộ đều quá tải. Áp lực này làm chúng ta phải suy nghĩ đến dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam và tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải cả trong và ngoài sân bay từ 24 tháng Chạp. Đặc biệt là ga quốc tế đông nghẹt do đón người về từ nước ngoài. Số liệu của Trung tâm điều hành sân bay Tân Sơn Nhất: tính từ 0 giờ ngày 01 đến 16 giờ 03/02 (22 - 24 tháng Chạp), sân bay đã khai thác hơn 1.100 chuyến. Trong số đó có 659 chuyến bị chậm giờ, chiếm gần 60%. Nhiều hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy hành khách bức xúc vì trễ chuyến, vạ vật khắp nơi ở nhà chờ...

Trong các ngày cao điểm Tết từ 01 đến 05/02 (22 đến 26 tháng Chạp), ngành đường sắt tổ chức chạy 83 đoàn tàu khách xuất phát từ ga Sài Gòn về các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Đến nay, tổng số vé mà ngành đường sắt đã bán trong dịp Tết Giáp Thìn khoảng 360.000 vé.

Dự án tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ có tổng chiều dài khoảng 175,2km theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa

Đường bộ cũng quá tải. Bến xe, bến phà ken đặc người làm ùn tắc kéo dài tại cửa ngõ ra vào TPHCM và trên các tuyến cao tốc về khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung... Người dân ngày càng sắm nhiều ôtô, làm một số tuyến cao tốc bị tắc nghẽn khi có một tai nạn nhỏ xảy ra. Đường về miền Tây cũng tương tự, dù cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được đưa vào sử dụng ngay trong những ngày cuối tháng 12/2023, từng bước tháo gỡ những nút thắt hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhìn toàn cảnh bức tranh di chuyển của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn cho thấy, các loại hình vận tải chịu không nổi áp lực của người dân đi lại, dù trong vài năm qua nhiều tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được đưa vào khai thác. Tất nhiên, với các nhà quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) không thể quy hoạch nổi lượng hành khách đi lại trong dịp Tết tăng quá cao.

Một điểm trừ khá lớn trong quy hoạch đường bộ Việt Nam là tuyến Quốc lộ 1A nâng cấp hiện đại hóa rất chậm, chỉ mới được nâng cấp từ sau năm 2000. Đây là khuyết điểm trong tầm nhìn rất hạn chế của ngành GTVT. Từ năm 2015 trở đi, phần lớn Quốc lộ 1 có 4 làn xe nhưng một số tuyến đoạn cho đến nay vẫn chưa nâng cấp xong.

Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2023, các đại biểu Quốc hội nhắc về việc mở rộng Quốc lộ 1A do Bộ GTVT thiết kế không có phần đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ đã gây nhiều vụ tai nạn rất thảm thương. Trong khi đó, các tuyến cao tốc miền Trung, tuyến ngang nối Tây Nguyên, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long có quy hoạch nhưng xây dựng khá chậm, vì vậy đến nay nhiều vùng vẫn chưa có các tuyến cao tốc kết nối.

Áp lực GTVT ở nước ta rất lớn khi nền kinh tế ngày càng phát triển, nhưng hạ tầng giao thông cứ lẽo đẽo theo sau. Vấn đề này đang làm cho Chính phủ rất nóng lòng. Song song với việc tiến hành hoàn thành 3.000km cao tốc vào năm 2025, đến năm 2030 phấn đấu đạt ít nhất 5.000km cao tốc như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hạ quyết tâm với ngành GTVT. Thủ tướng còn khẳng định cần đẩy nhanh việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam và tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Ngành GTVT đang nghiên cứu ưu tiên xây dựng 2 tuyến đường sắt này, đặc biệt tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tốc độ tàu hỏa Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 70 - 80km/h, năng lực khai thác tối đa cũng rất hạn chế. Có thể hình dung, nếu 2 tuyến đường sắt cao tốc nêu trên đi vào hoạt động, với tốc độ 250km/h thôi, chắc chắn áp lực giao thông trong dịp Tết Giáp Thìn được giải tỏa.

Về mặt kinh tế, 2 tuyến đường sắt cao tốc này sẽ làm thay đổi cục diện kinh tế - xã hội cả nước. Đường sắt Việt Nam được đánh giá là đang tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì thế, "siêu dự án" đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hứa hẹn sẽ rút ngắn khoảng cách này.

Bộ GTVT đề xuất xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc công nghệ động lực phân tán tương tự của Nhật Bản (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tầm nhìn chiến lược

Một nghiên cứu của Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC), việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ góp phần tiết kiệm thời gian đi lại cho hành khách với giá trị ước tính khoảng 2 tỷ USD; đồng thời giảm chi phí đi lại cho xã hội khoảng 6,5 tỷ USD vào năm 2050. Nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang Bắc - Nam đến năm 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành khách/năm, tương đương 156.000 hành khách/ngày. Với ưu thế vượt trội về năng lực và tốc độ, đường sắt tốc độ cao sẽ giải quyết được nhiều bài toán về kinh tế, xã hội.

Bộ GTVT trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh thành từ tháng 02/2019. Theo đó, đây là tuyến đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h. Cuối năm 2022, Tư vấn thẩm tra dự án đã nêu một số nhược điểm nếu đầu tư đường sắt tốc độ 350km/h và kiến nghị phương án vừa chở khách, vừa chở hàng, tốc độ khai thác 225km/h cho tàu khách, 160km/h cho tàu hàng.

Các chuyên gia cho rằng, phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế cần đạt 350km/h. Nếu đạt tốc độ này, thời gian từ TPHCM đi Hà Nội dài 1.730km chỉ mất gần 5 giờ. Đầu tư đường sắt tốc độ cao liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc nên không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 tuyến đường sắt cao tốc chiến lược nêu trên.

Với đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và khởi công trước 2030. Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026 - 2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.

Mục tiêu của việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tầm nhìn xa này hứa hẹn sẽ định hình lại bức tranh kinh tế của Việt Nam, đồng thời nâng tầm vị thế quốc gia thành trung tâm logistics chiến lược trên bản đồ khu vực, giúp cải thiện đáng kể khả năng kết nối của Việt Nam với các nước láng giềng.

Một lợi ích khác là khả năng phát triển bất động sản gần ga đường sắt là một tác động kinh tế khác, giúp gia tăng giá trị tài sản và cơ hội đầu tư. Việc người dân ngày càng ưa chuộng di chuyển bằng tàu cao tốc cũng góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí bảo trì đường cao tốc và tăng cường an toàn đường bộ. Thời gian di chuyển được rút ngắn còn khiến các điểm đến du lịch trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn.

Xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam là mục tiêu và tầm nhìn chiến lược nhưng có vẻ tiến độ khá chậm. Với tầm quan trọng như vậy, cần phải đẩy nhanh tiến độ để đến năm 2030 - 2035, ít nhất đưa 2 tuyến đường sắt cao tốc chiến lược Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang vào khai thác. Tiến độ này phù hợp với mục tiêu của Quốc hội đề ra: đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...

Dễ dàng hình dung, nếu 2 tuyến này được khai thác, với tốc độ 250 - 300km/h, chỉ tính riêng những cuộc di chuyển như Tết Giáp Thìn năm nay, áp lực vận tải gần như được giải tỏa. Tất cả cho thấy mục tiêu chiến lược xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần được đẩy nhanh tiến độ, dù biết có rất nhiều rào cản, đặc biệt về nguồn vốn.

Trong năm 2024, phải trình cho được đề án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Chiều 09/01/2024, tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR), Thủ tướng Phạm Minh Chính tâm tư rằng, hệ thống đường sắt Việt Nam đã vận hành hơn 120 năm đến nay chưa được nâng cấp. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu ngay trong năm 2024 phải trình cho được chủ trương đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Bên cạnh đó, tại nhiều cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 16/12/2023 tại Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA thế hệ mới cho các dự án chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Với tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký Quyết định số 115/QĐ-BGTVT về việc thành lập hội đồng thẩm định nội bộ để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này. Hội đồng gồm 16 thành viên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang