Ưu tiên dành nguồn lực đầu tư Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025

Thứ Sáu, 20/10/2023 09:58  | Hải Triều

|

(CATP) Báo cáo Quốc hội về chính sách phát triển giao thông đường sắt, Chính phủ cho biết, mạng lưới đường sắt Việt Nam gồm đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt chuyên dùng. Theo đó, đường sắt quốc gia hiện đi qua 34 tỉnh/thành phố với tổng chiều dài 3.143km. Tuy nhiên, do xây dựng từ lâu, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp… nên kết cấu hạ tầng đường sắt chắp vá, chưa đồng bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trong khi đó, một số khu vực kinh tế quan trọng như Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên chưa có đường sắt; hệ thống dường sắt nối vào khu vực cảng biển còn hạn chế, chưa có đường sắt kết nối cảng hàng không quốc tế. Với đường sắt đô thị, Chímh phủ đã quy hoạch 10 tuyến tại Hà Nội, tổng chiều dài 410km; nghiên cứu xây dựng các tuyến kết nối với các đô thị vệ tinh quy hoạch một số tuyến tàu điện một ray nhằm hỗ trợ hệ thống đường sắt đô thị.

Tại TPHCM sẽ xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành đại nối các trung tâm của thành phố với chiều dài khoảng 173km; 3 ruyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Chính phủ cũng định hướng quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị trong một số quy hoạch tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Hương, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Hiện tại, tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đều chậm so với dự kiến, mới đưa vào khai thác 13km (10,4%) tổng chiều dài mạng lưới cần đầu tư trước năm 2020. Đường sắt chuyên dùng có tổng chiều dài 258km, do các doanh nghiệp quản lý, khai thác. Các tuyến này góp phần quan trọng trong việc vận tại hàng hóa của các doanh nghiệp, giảm áp lực lên vận tải đường bộ. Tuy vậy, mạng lưới đường sắt chuyên dùng còn hạn chế, chưa phát triển tuyến mới kết nối với đường sắt quốc gia.

Nêu định hướng phát triển đường sắt đến năm 2030, Chính phủ khẳng định sẽ nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 7 tuyến đường sắt hiện có; triển khai đầu tư hai đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Chính phủ cũng xác định ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối TPHCM với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế. Tổng nhu cầu vốn dự kiến khoảng 240.000 tỷ đồng.

Tàu Shinkansen của Nhật Bản

Tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu vực đầu mối Hà Nội, TPHCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Với các tuyến đường sắt quốc gia, nguồn vốn đầu tư trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 17.320 tỷ đồng. Riêng năm 2023, nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt qua Bộ GTVT là 2.071 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp kinh tế dành cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là 3.000 tỷ đồng. Nguồn vốn của doanh nghiệp chủ yếu dùng cho việc đầu tư phương tiện, thiết bị vận tải.

Vẫn theo Chính phủ, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đến năm 2023 là gần 71.500 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội hơn 39.500 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án (tuyến số 1 là 2.254 tỷ đồng; tuyến số 2 là 1.005 tỷ đồng; tuyến 2A là 16.615,3 tỷ đồng; tuyến số 3 là 19.694,54 tỷ đồng). TPHCM gần 32.000 tỷ để chuẩn bị và thực hiện đầu tư đối với 2 dự án (tuyến số 1 là 27.053 tỷ đồng; tuyến số 2 là 4.713 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư 133,63 tỷ đồng).

Chính phủ cho biết đã chỉ đạo triển khai các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng. Cụ thể là đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Với tính chất phức tạp, quy mô rất lớn của Dự án, Bộ GTVT đã tổ chức đoàn công tác liên ngành đi nghiên cứu kinh nghiệm tại 4 nước có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển (Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Đức) để cập nhật, bổ sung, hoàn thiện Đề án báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị.

Chính phủ phấn đấu hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm nay và được phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2025. Bên cạnh đó, để thúc đẩy tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM, Chính phủ đã chỉ đạo TP.Hà Nội, TPHCM khẩn trương triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án trên địa bàn, trong đó Hà Nội là tuyến số 3 giai đoạn 2 ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc; ở TPHCM đang chuẩn bị đầu tư tuyến số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn); tuyến số 3A (đoạn Bến Thành - Tân Kiên).

Do đặc thù phát triển đường sắt đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, dài hạn, lợi thế thương mại so với đầu tư các lĩnh vực khác thấp nên nguồn lực đầu tư chủ đạo từ đầu tư công, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực đường sắt trong từng giai đoạn của kế hoạch trung hạn. Đồng thời, cũng kiến nghị ưu tiên dành nguồn lực đầu tư riêng cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, huy động nguồn lực của các địa phương để tham gia đầu tư dự án.

Bình luận (0)

Lên đầu trang