Năm 2018 trình Chính phủ thẩm định dự án đường sắt cao tốc

Thứ Ba, 13/09/2016 00:11

|

(CAO) Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã có báo cáo Chính phủ về lộ trình xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Dự kiến khoảng năm 2018 sẽ trình Chính phủ thẩm định lại.

Chiều 12-9, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật đường sắt (sửa đổi).

Bố cục của Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) được xây dựng gồm 9 chương, 95 điều. Trong đó, giữ nguyên 4/114 điều (chiếm 3,5%); sửa đổi, bổ sung 65/114 điều (chiếm 57%); bãi bỏ 45/114 điều (chiếm 39,5%); bổ sung mới 26 điều.

Một chương quy định về đường sắt cao tốc trọng dự thảo

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật dành một chương để quy định về đường sắt tốc độ cao. Theo thứ trưởng Đông cho biết quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam sẽ hoàn thành vào năm 2050.

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu tiền khả thi. Theo đó, dự kiến năm 2018, Bộ sẽ trình Chính phủ thẩm định, sau đó trình Quốc hội phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước 2020. Theo thứ trưởng Đông, bộ GTVT mong muốn đến năm 2050 xây dựng toàn tuyến đường sắt tốc độ cao. 

Thứ trưởng  cũng cho biết đối tác Nhật Bản hỗ trợ nghiên cứu và đề nghị trước mắt nên xây dựng thí điểm tuyến Sài Gòn - Long Thành, sau đó làm các tuyến ưu tiên là Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang trước năm 2030, sau đó sẽ tiếp tục kết nối các tuyến.

Thứ trưởng Đông nhấn mạnh, dù các dự án giao thông đường bộ, đường không khác được làm thì với nhu cầu vận tải của những năm tới vẫn cần phải có tuyến đường sắt mới hướng tới tốc độ cao, kết nối bắc - nam. Những quy định đặc thù cho đường sắt tốc độ cao thì cần đưa vào dự thảo luật đường sắt (sửa đổi).

Thị phần vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,7%

Một số UVTV QH đặt vấn đề về việc thị phần vận tải đường sắt giảm dần từ từ 1,3% năm 2008 xuống còn 0,7 % năm 2012 trong tổng sản lượng vận tải toàn ngành. 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định đây thực tế diễn ra từ năm 2008 cho đến nay.

Thứ trưởng cho biết Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý cả hạ tầng và vận tải nên thiếu tính cạnh tranh. Ngoài ra, kết nối giữa đường sắt với các cơ sở hạ tầng khác còn hạn chế, nhiều nơi hàng hóa từ bến cảng vận chuyển lên tàu phải bốc xếp cho nên thị phần giảm.

Thứ trưởng Đông nhấn mạnh sửa đổi luật là để phát triển giao thông vận tải đường sắt theo cơ chế thị trường, tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá nhiều năm qua ngành đường sắt không huy động được vốn đầu tư từ doanh nghiệp, đầu tư của nhà nước cũng rất hạn chế.

Ông Thanh hi vọng với xu hướng phát triển vận tải đường sắt, nếu tập trung đầu tư thì sẽ thu hút được nhà đầu tư, bởi theo tính toán với các cung đường 500 - 700km, đường sắt có lợi thế cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang