Phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành
Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TPHCM (CATP), Tổ trưởng Tổ giúp việc BCĐ Đề án 06 TPHCM vừa ký báo cáo kết quả công tác phối hợp thực hiện thu thập dữ liệu dân cư (DLDC), cấp định danh cá nhân (ĐDCN), giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP từ ngày 20/4/2023 đến 01/10/2023.
Ngoài việc ban hành các kế hoạch tổ chức phân công, triển khai thực hiện công tác thu thập DLDC, cấp ĐDCN, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với các trường hợp nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP trong lực lượng công an, CATP còn có công văn gửi công an các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Lâm Đồng để phối hợp, hỗ trợ thu thập số liệu về dân cư, cấp ĐDCN, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt đang cư trú tại các Cơ sở trợ giúp xã hội thuộc Sở LĐTB&XH hiện đóng ngoài địa bàn TP.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả, ngoài việc phối hợp với các sở ngành liên quan trong công tác chuyên môn, tổ công tác triển khai thực hiện kế hoạch 1878 còn phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ CATP tham gia công tác chăm sóc, phát quà, hỗ trợ thu thập thông tin dân cư, cấp thẻ CCCD; các cơ quan thông tấn, báo, đài tổ chức đưa tin về các hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những hoạt động vô cùng ý nghĩa, trách nhiệm của Chính phủ đến mọi tầng lớp nhân dân, người lao động.
Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội CATP trong một buổi làm việc với Trung tâm bảo trợ xã hội
Tính đến nay, tất cả các trường hợp nhân khẩu đặc biệt hiện đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trong các trung tâm/cơ sở bảo trợ trên địa bàn TP đã được khai thác, thu thập thông tin dân cư và tiến hành các biện pháp xác minh thông tin dân cư. Tuy nhiên, trong các trường hợp nhân khẩu đặc biệt, sau khi thực hiện các biện pháp xác minh thông tin dân cư, hầu hết không có thông tin và việc xác lập thông tin dân số (cấp giấy khai sinh) chưa có nhiều chuyển biến dẫn đến "nút thắt" trong công tác phối hợp thực hiện Kế hoạch 1878/KH-BCD của BCĐ Đề án 06 TP. CATP đã có công văn gửi Sở Tư pháp TPHCM để tháo gỡ vấn đề này.
Thực hiện Kế hoạch số 1878/KH-BCĐ ngày 20/04/2023 của BCĐ Đề án 06 TP, các đơn vị quận, huyện và TP.Thủ Đức đã xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Kết quả rà soát xác định có 3 trường hợp người không có quốc tịch Việt Nam nhưng đã được giải quyết đăng ký thường trú, cấp CMND/CCCD: hiện đã lập 3 hồ sơ để quản lý, xử lý. Người được cho thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam nhưng chưa xóa đăng ký thường trú: hiện có 527 nhân khẩu và đã lập 309 hồ sơ để quản lý, xử lý.
Con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài nhưng chưa xác định được quốc tịch Việt Nam hiện có 19 trường hợp, đã cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) được 7 trường hợp. Các trường hợp chưa xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký thường trú, cấp CMND/CCCD hiện có 88 trường hợp, đã cập nhật thông tin trên CSDLQG về DC được 29 trường hợp và lập hồ sơ để quản lý, xử lý.
Ngoài ra, có 3.633 nhân khẩu không có giấy tờ tùy thân: hiện đã cập nhật thông tin trên CSDLQG về DC được 1.299 trường hợp và lập hồ sơ để quản lý, xử lý. Có 1.266 người di cư tự do chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú và chưa được cập nhật vào CSDLQG về DC: đã cập nhật thông tin trên CSDLQG về DC 768 trường hợp và lập hồ sơ để quản lý, xử lý.
Đáng chú ý, trên địa bàn TP có 119.503 nhân khẩu thường trú vắng mặt tại địa bàn không rõ đi đâu, làm gì. Hiện các đơn vị quận, huyện và TP.Thủ Đức đã lập hồ sơ 100.298 trường hợp để quản lý và xử lý.
Thu thập dữ liệu dân cư tại một Trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố
Kết quả bước đầu
Từ ngày 15/6/2023 đến ngày 25/9/2023, Tổ công tác TP phối hợp với BCĐ Đề án 06 Q12, Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp, H.Củ Chi và TP.Thủ Đức đã tổ chức, phối hợp thực hiện công tác khai thác, thu thập DLDC, cấp ĐDCN, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 6 trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Thủ Đức (TP.Thủ Đức), Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (Q12), Trung tâm bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức), Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn (Q.Bình Thạnh), Trung tâm Công tác xã hội dạy nghề Thanh thiếu niên TP (Q.Gò Vấp) và Cơ sở Bảo trợ xã hội người cao tuổi Tân Thông (H.Củ Chi).
Bên cạnh đó, đối với các trung tâm/ cơ sở bảo trợ xã hội có số lượng nhân khẩu đặc biệt ít, Tổ công tác TP đã phối hợp với Đội cảnh sát QLHC về TTXH, Công an và Tư pháp cấp xã của các quận, huyện và TP.Thủ Đức có các trung tâm/cơ sở đóng trên địa bàn để làm việc.
Đến nay, Tổ công tác đã phối hợp, xử lý 2.934 trường hợp, trong đó có 1.850 trường hợp đã được cấp Thông báo số ĐDCN, cấp CCCD cho 1.201/1.850 trường hợp đủ điều kiện, còn lại 649/1.850 trường hợp chưa đủ điều kiện cấp CCCD và 1.084 trường hợp chưa có số ĐDCN và chưa được cấp CCCD. Đối với 1.084 trường hợp chưa có số ĐDCN và chưa được cấp CCCD, Tổ công tác đã phối hợp khai thác, thu thập thông tin dân cư và tiến hành các biện pháp xác minh để xác định thông tin dân cư cho 1.084 trường hợp nhưng không có thông tin công dân. Qua đó, Tổ công tác đã hướng dẫn Công an cấp xã thực hiện việc tham mưu báo cáo Tổ trưởng Tổ Công tác cấp xã và phối hợp với Tư pháp để thực hiện việc cấp giấy khai sinh cho 1.084 trường hợp trên.
Quyết liệt làm tới nơi, tới chốn
Công tác xác minh, xác định, phân loại từng trường hợp nhân khẩu đặc biệt của CATP còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc lập hồ sơ xử lý, xác minh và cập nhật thông tin lên hệ thống đạt hiệu quả chưa cao.
Ngoài ra, việc cấp Giấy khai sinh đối với trường hợp sau khi thực hiện các biện pháp xác minh nhưng không có thông tin dân cư, mặc dù Sở Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn giải quyết nhưng một số bộ phận Tư pháp xã còn e ngại. Đặc biệt với những nơi có nhiều trung tâm/cơ sở bảo trợ xã hội với số người thuộc diện nhân khẩu đặc biệt nhiều thì công tác xác minh, cấp lại giấy khai sinh tạo áp lực rất lớn đối với cán bộ Tư pháp.
Quá trình tiếp xúc, khai thác, thu thập thông tin cư dân đối với các trường hợp nhân khẩu đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm/ cơ sở bảo trợ xã hội gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường hợp có bệnh tâm thần. Những trường hợp này rất khó hoặc không thể khai thác thông tin công dân; Hồ sơ cá nhân, bệnh nhân có lưu trữ nhưng không có thông tin hoặc thông tin không bảo đảm thu thập thông tin về dân cư để tổ chức xác minh, xác định thông tin công dân. Công tác xác minh thông tin còn nhiều khó khăn về mặt thời gian, do công dân khai sinh sống nhiều nơi hoặc công dân đi kinh tế mới, trốn nghĩa vụ về nên xác minh không có thông tin hoặc thông tin không rõ ràng, mất nhiều thời gian.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên với nỗ lực không ngừng, CATP quyết tâm không để sót lọt công dân thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn.
CATP đã đề xuất UBND TP bố trí kinh phí tổ chức thực hiện Kế hoạch số 1878/KH-BCD (trích từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án 06/CP) bảo đảm trang thiết bị, cơ sở vật chất sẵn sàng thu thập DLDC, cấp ĐDCN, giải quyết cư trú và cấp CCCD cho các trường hợp nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP, phục vụ công tác khảo sát, phối hợp với các tỉnh nơi có trung tâm và cơ quan bảo trợ xã hội của Sở LĐTB&XH TP đang trú đóng. Ngoài ra, CATP cũng yêu cầu các Sở, ban ngành phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt kế hoạch trên, đồng thời đề nghị Bảo hiểm xã hội TP nghiên cứu, hướng dẫn các giải pháp nhằm hỗ trợ các trường hợp nhân khẩu đặc biệt được bảo đảm đầy đủ quyền lợi, chế độ an sinh xã hội trong quá trình Công an, Tư pháp thực hiện công tác thu thập, xử lý, đồng bộ thông tin công dân lên hệ thống CSDLQG về DC.