(CAO) Ngày 19/10, UBND TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế (TCQT) Cần Giờ. Chủ trì hội nghị có ông Phan Văn Mãi-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; ông Nguyễn Xuân Sang- Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Bùi Xuân Cường-Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Quang cảnh hội nghị
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TPHCM đề nghị nghiên cứu dự án Cảng TCQT Cần Giờ hay bất kỳ dự án nào cũng hướng tới mục tiêu phát triển TP, phát triển vùng, phát triển cho đất nước và hướng đến sự phát triển bền vững. TP không đánh đổi mọi giá để thực hiện dự án mà cân nhắc hài hòa về lợi ích phát triển, tài nguyên môi trường, phát triển bền vững, không xem xét đơn thuần hiệu quả đầu tư tài chính mà đặt trong xu hướng phát triển chung của TP, theo vùng, theo đất nước.
“Nhưng không chỉ đặt vấn đề bảo vệ môi trường mà bỏ qua cơ hội phát triển mà cần có sự hài hòa để phát triển. Việc cân nhắc lựa chọn để yên hay phát triển các dự án đều có sự đánh đổi, nhưng sự đánh đổi đó phải mang lại hiệu quả lớn nhất và hậu quả ít nhất, nên TP mong lắng nghe ý kiến sâu sắc của đại biểu qua hội nghị này” – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Cần tạo một hệ sinh thái chung để phát triển trung tâm logictics
Góp ý cho Đề án, TS Trần Du Lịch-Chuyên gia kinh tế, bày tỏ sự đồng tình việc xây dựng Cảng TCQT Cần Giờ, bởi theo ông phải xem việc phát triển cảng này là vấn đề quốc gia. Để phát triển cảng này, TP cần kiến nghị Ban điều phối vùng Đông Nam bộ. Làm sao hài hòa cả cụm cảng biển phát triển hết tiềm năng vì lợi ích quốc gia chứ không vì thành phố cũng như riêng vùng Đông Nam bộ. Vấn đề xây dựng cảng TCQT Cần Giờ không chỉ vấn đề trung chuyển quốc tế mà cần tạo một hệ sinh thái chung để phát triển một trung tâm logictics và đặc biệt là khu mậu dịch phi thuế quan, điều này cần bổ sung thêm để khai thác cảng quốc tế đó là cái lợi thế và là điều rất quan trọng.
TS Trần Du Lịch cho rằng cần tiếp tục đánh giá về tác động xây dựng cảng biển Cần Giờ với môi trường, xã hội. Cơ hội khi tận dụng cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện Đề án này và cơ hội mất đi thì không thể tìm lại được. Ông Trần Du Lịch cho rằng đây là cơ hội để cụm cảng biển số 4 xây dựng Cái Mép - Thị Vải và cảng TCQT Cần Giờ thành một trung tâm trung chuyển quốc tế ở tầm nhìn 20 năm tới, khi có đường hàng hải quốc tế và những quan hệ kinh tế thay đổi.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng đây là dự án có ý nghĩa, nhiều tiềm năng kinh tế biển với TPHCM và cả Việt Nam. Cần Giờ cũng là nơi có thể liên kết vùng đông tây, địa kinh tế, trung chuyển logistics. Khi hình thành không chỉ tác động gián tiếp mà còn là lan tỏa.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TPHCM, phát biểu
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang lưu ý cần đặt Cảng Cần Giờ trong khu vực cảng biển thuộc nhóm cảng biển số 4, gồm TPHCM, Thị Vải, Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và cần đặt trong tuyến vận tải biển. Mục tiêu xây dựng cảng trung chuyển thì cần đặt cảng này trong cảng quốc tế là quan trọng. Về vấn đề môi trường được nhiều người quan tâm khi xây dựng cảng biển Cần Giờ, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho rằng do vị trí đặt cảng biển ở 2 cù lao có rừng, Bộ GTVT đã giao đánh giá tư vấn môi trường đánh giá khi quy hoạch điều chỉnh chung. Cần có đánh giá sâu hơn về vấn đề môi trường để đưa vào đề án, để Bộ xem xét.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đề nghị đây là nội dung quan trọng và rất khó, định hướng xây dựng đề án mang tính đột phá, yếu tố thời cơ rất quan trọng, tạo ra cơ hội để có bước tăng trưởng nhảy vọt về trung chuyển. Đồng tình quan hệ giữa các cảng là quan hệ tương hỗ, có tác động tích cực với nhau. Vì vậy, TP cần nghiên cứu cần kỹ, cẩn trọng, toàn diện, nhưng do có yếu tố thời cơ nên cần khẩn trương thực hiện, cần có tiến độ hoàn thành đề án để Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể cảng biển. Do đó, TP cần có tiến độ hoàn thành đề án, tiến độ cập nhật quy hoạch, tiến độ trình tự, thủ tục đầu tư.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu
Tận dụng cơ hội để triển khai dự án
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh qua hội nghị đã thống nhất đây là cơ hội và tận dụng cơ hội để triển khai dự án, nhận thức đây là dự án trọng điểm quốc gia và khi triển khai thì tận dụng cơ hội này để triển khai dự án. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, nếu thực hiện thành công sẽ đưa Việt Nam tham gia vào mạng lưới vận tải hàng hóa toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam. Do vậy phải tính lợi ích tổng thể chung để triển khai dự án.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi giao Sở GTVT cùng với đơn vị tư vấn, các đơn vị có liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo Thứ trưởng Bộ GTVT và các ý kiến phát biểu tại đây cũng như các ý kiến góp ý bằng văn bản, để giải trình theo yêu cầu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và khẩn trương hoàn thiện đề án. Đề nghị đến cuối tháng 10 Sở GTVT đơn vị tư vấn và hoàn thiện hồ sơ, đến khoảng 15/11 thì xin lại ý kiến của các bộ, ngành.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu
“TPHCM xác định vai trò, trách nhiệm chính trong việc hoàn thiện đề án và triển khai đề án, tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, phân bổ nguồn lực để đầu tư hạ tầng đồng bộ, kết nối, tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho dự án và các vấn đề có liên quan khác. TP vừa làm khẩn trương, làm chặt chẽ để đạt được kết quả cao nhất” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.