Tính đến ngày 31/5, có 206,4 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 13,7 triệu hồ sơ trực tuyến. Đến 23/5/2023, có 776.889 tài khoản định danh điện tử đăng nhập trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 2.571.728 lượt đăng nhập.
Nhiều hiệu quả to lớn, thiết thực từ ứng dụng CCCD gắn chip
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, trong số 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử có nhiều dịch vụ công tỷ lệ trực tuyến cao như thông báo lưu trú (đạt 99,9%, tăng 0,1% so với tháng 4/2023); Đăng ký thường trú (đạt 89,4%, tăng 3,7% so với tháng 4/2023)...
Một số địa phương làm tốt như Đồng Nai (Đăng ký thường trú: 4.809/4.940 hồ sơ, đạt tỷ lệ 97,35%, đăng ký tạm trú: 3.430/3.458 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,19%); Hà Nam 575/557 yêu cầu cấp điện mới từ lưới điện hạ áp được giải quyết đúng hạn, đạt 100%.
Đối với dịch vụ công đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng, từ ngày 4/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành cho thí sinh toàn quốc đăng ký dự thi chính thức tại phần mềm quản lý thi tốt nghiệp. Tính đến ngày 13/5, đã có 1.025.154 thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có 968.903 thí sinh đăng ký trực tuyến (đạt tỷ lệ 94,51%), 56.251 thí sinh đăng ký trực tiếp (đạt tỷ lệ 5,49%).
Đối với 2 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng”, qua khảo sát trực tiếp tình hình thực hiện thí điểm tại TPHà Nội và tỉnh Hà Nam cho thấy, việc thực hiện thí điểm đã mang lại những kết quả khả quan, cơ bản đáp ứng được yêu cầu liên thông thủ tục hành chính, cũng như sự đồng tình ủng hộ của người dân.
Việc sử dụng bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử phục vụ liên thông thủ tục hành chính đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm bớt công việc, tác nghiệp của cán bộ cơ sở khi thực hiện liên thông thủ tục hành chính (không phải in, scan ký, đính kèm tệp để chuyển hồ sơ).
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an
Kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận” được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành xây dựng, kết nối, tích hợp, công bố, cung cấp dịch vụ công toàn trình mức độ 4 đối với thủ tục nêu trên trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến nay đã có 61/63 tỉnh, thành phố triển khai, phát sinh 8.247 hồ sơ (còn 2 đơn vị chưa hoàn thành).
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết: Ngày 8/5/2023, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký kết Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH với 11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể để phát triển các ứng dụng cho ngành ngân hàng. Đến nay, hai đơn vị đã phối hợp, hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt tỷ lệ 83,28%).
Về thực hiện chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đôn đốc các địa phương rà soát, xác định: Tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thuộc ngành lao động quản lý là 4,4 triệu người (trong đó có 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội; 1,1 triệu đối tượng người có công). Các địa phương đã thực hiện rà soát được 2,8 triệu người (chiếm 64,66%). Tổng số đối tượng đã có tài khoản (mong muốn chi trả qua tài khoản): 478.931 người (chiếm 10,73%/tổng số đối tượng quản lý). Đã thực hiện chi trả qua tài khoản cho 96.988 người (chiếm 20,25% tổng số đối tượng đã có tài khoản), đã thực hiện chi trả qua tài khoản từ tháng 1/2023 đến nay là 68,9 tỷ đồng.
Bộ Công an đã tập trung nguồn lực, triển khai các mô hình điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên -Huế, kết quả: Triển khai thí điểm xác thực sinh trắc học ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử tại Sân bay Phú Bài với 1,520 trường hợp đã sử dụng thẻ CCCD checkin. Phối hợp với Viettel triển khai Kiosk dịch vụ công tự động với 7 dịch vụ công. Hỗ trợ Thừa Thiên - Huế 6 thiết bị đọc mã QR. Cung cấp 15 thiết bị mã QR phục vụ khám chữa bệnh bằng CCCD và triển khai phần mềm ASM tại 15 cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn. Bàn giao 1 thiết bị đọc chip điện tử để tích hợp vào phần mềm quản lý du lịch để mua vé tại các điểm di tích, vé xe, các điểm trông giữ xe. Dự kiến hoàn thành, đưa vào triển khai trong tháng 6/2023 và nhân rộng các điểm du lịch tại các điểm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng từ xác thực dữ liệu
Theo Cục Cảnh sát QLCH về TTXH, tính đến nay nền tảng CCCD gắn chip đã ứng dụng trên các lĩnh vực, tạo được kết quả nổi bật. Cụ thể, đã có 12.434/13.068 cơ sở khám chữa bệnh triển khai bằng CCCD gắn chip tích hợp bảo hiểm y tế (đạt 95,15%, tăng 33 cơ sở so với tháng 4/2023) với 36.412.474 công dân sử dụng CCCD đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc (tăng 2.240.353 công dân so với tháng 4/2023). Triển khai công nghệ xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD gắn chip tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai thí điểm tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình và Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới. Căn cứ kết quả thí điểm và khảo sát tại tỉnh Quảng Bình, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thí điểm, đề xuất phương án mở rộng triển khai trên toàn quốc.
Đồng bộ, kết nối dữ liệu phục vụ công tác khám chữa bệnh, BHYT, BHXH
Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết: Đối với nhiệm vụ liên thông nhóm thông tin cơ bản về y tế với sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID, Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo chuẩn hóa định dạng 80 trường theo Quyết định số 3074/QĐ-BYT và đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện chuẩn hóa và kết nối dữ liệu theo Quyết định số 3074/QĐ-BYT về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Phối hợp với Bộ Công an đảm bảo hạ tầng để kết nối, chuyển dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Công an đã kết nối với 13 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương; phối hợp, hướng dẫn 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Thái Nguyên, Bình Phước, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội với tổng số: Sổ khai sinh (2.778.655 bản ghi); khai tử (465.192 bản ghi); kết hôn (895.233 bản ghi); nuôi con nuôi (1.661 bản ghi). Tiếp tục hỗ trợ các đoàn thể xây dựng dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên toàn quốc. Đã nhập thông tin của 3,7 triệu hội viên Hội nông dân; 1,2 triệu hội viên Hội người cao tuổi; 1,1 triệu hội viên Hội cựu chiến binh. Tiếp nhận 108,7 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao của 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobiphone, có thông tin trùng khớp là 90,27 triệu yêu cầu (= 83%) tiết kiệm được 133 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/5, hệ thống Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xác thực 84.799.551/107.087.778 thông tin nhân khẩu (số người đang tham gia và đã tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội) và 73.353.679/84.641.209 người tham gia Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm y tế có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đạt tỷ lệ 87%). Đối với 11.159.755 người chưa được xác thực (do chưa có số định danh hoặc có số định danh nhưng chưa được xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư), hiện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang tổng hợp, chuyển dữ liệu để Bảo hiểm Xã hội các địa phương phối hợp với lực lượng Công an tiến hành rà soát, cập nhật, xác thực.