(CATP) Ngày 18/6/2023, Ủy ban nhân dân (UBND) TPHCM, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng (DAĐTXD) đường Vành đai 3 TPHCM, DAĐTXD đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và DAĐTXD đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Lễ khởi công được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại TPHCM với các điểm cầu tại BR-VT và Đắk Lắk.
Tại điểm cầu TPHCM, đến dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Tại điểm cầu tỉnh BR-VT có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy BR-VT Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - Nguyễn Hồng Lĩnh. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk - Nguyễn Đình Trung...
Báo cáo tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, DAĐTXD đường Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài 76,3km, đi qua 4 địa phương; trong đó TPHCM 47,35km, các tỉnh: Đồng Nai 11,26km, Bình Dương 10,76km, Long An 6,81km. Dự án (DA) được chia làm 8 dự án thành phần (DATP), gồm: 4 DATP xây dựng, 4 DATP bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố. Dự án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc, cấp đường ôtô cao tốc 100km/h; đường song hành 2 bên, cấp đường ôtô đô thị 60 km/h; quy mô giai đoạn phân kỳ 4 làn xe cao tốc, đường song hành 2 bên, đầu tư không liên tục. Với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng bằng ngân sách (NS) Trung ương và NS các địa phương, tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026.
Các đại biểu nhấn nút khởi công dự án đường Vành đai 3
Phát biểu tại lễ khởi công, trong vai trò điều phối DA đường Vành đai 3, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá, đây là DA có quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của ngành GTVT trong vùng. Chủ tịch UBND TPHCM cam kết với Chính phủ và Trung ương sẽ phối hợp với các địa phương cùng các tỉnh, thành theo dõi sát sao, thúc đẩy thường xuyên để công trình đường Vành đai 3 thông xe kỹ thuật cuối năm 2025, hoàn thành vào năm 2026.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các địa phương trong vùng DA cùng các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ để hoàn thành DA; đồng thời mong muốn nhân dân và các tổ chức tiếp tục ủng hộ, đồng hành và cùng là tác giả công trình trọng điểm này - đường Vành đai 3 TPHCM; mong muốn Thủ tướng, Chính phủ và Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình trọng điểm tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, DAĐTXD đường Vành đai 3 TPHCM được áp dụng cơ chế đặc thù riêng như: Đẩy mạnh phân cấp phân quyền. Theo đó, DA được giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện; áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho DA kết hợp giữa NS Trung ương và NS địa phương; áp dụng chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu thi công DA, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị để triển khai. "Ba cơ chế này đều đã phát huy tối đa tác dụng, khẳng định sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc ban hành cơ chế mới để hoàn thành mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo nghị quyết của Đảng" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Sau khi đánh giá cao sự cố gắng của các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực để DA sớm được triển khai, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn nhân dân TPHCM và các tỉnh đã sẵn sàng di dời nhà cửa, nhường mặt bằng thực hiện DA. Để công trình hoàn thành bảo đảm an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT, các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản DA tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban quản lý DA, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao, tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Quá trình triển khai DA, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải nghiêm túc quán triệt: bảo đảm chất lượng và tiến độ; bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và xử lý nghiêm sai phạm.
Dự án đường Vành đai 3 qua địa phận huyện Bến Lức, tỉnh Long An:
Sẽ khởi công vào cuối tháng 6/2023
Sáng 18/6, ông Lê Thành Út - quyền Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - cho biết, lễ khởi công đường Vành đai 3 qua địa phận tỉnh Long An dự kiến tổ chức sáng 30/6 tại xã Mỹ Yên (huyện Bến Lức) tiếp giáp huyện Bình Chánh (TPHCM). Thời gian triển khai giải tỏa đền bù, di dời và giao mặt bằng chỉ vài tháng, nhưng chính quyền, đoàn thể huyện đã làm rất tốt, được người dân đồng tình ủng hộ.
Dự án đường Vành đai 3 đoạn đi qua huyện Bến Lức có chiều dài toàn tuyến hơn 6,8km, với 395 hộ ở các xã Tân Hòa, Tân Bửu, Mỹ Yên bị ảnh hưởng. Để bảo đảm tiến độ, UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ đầu tư DATP 7 cho Sở GTVT tỉnh Long An, DATP 8 cho UBND huyện Bến Lức. Ông Út cho biết thêm, tiến độ chi trả hiện nay được 379/395 hộ (đạt 95,94%) với tổng số tiền 804,89/835,7 tỷ đồng (đạt 96,30%), diện tích 41,35/43 ha (đạt 96,16%). Theo đó, xã Mỹ Yên giải tỏa đền bù đạt 100%, xã Tân Hòa đã chi 24/25 hộ với số tiền 41,2 tỷ đồng; phần vướng còn lại là xã Tân Bửu, có 14 hộ dân chưa đồng ý do còn đề nghị hỗ trợ kinh phí di dời và tái định cư. Về tái định cư, UBND huyện tiến hành xem xét chính sách này cho 127 trường hợp có nhà ở, đất ở bị ảnh hưởng.
Nhiều hộ bị ảnh hưởng khi giải phóng mặt bằng, di dời được cán bộ huyện, xã xuống tận nơi giải thích, nói rõ yêu cầu phải mở đường Vành đai 3 nhằm phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, người dân được hưởng lợi khi mọi tuyến giao thông thông thoáng... Chính vì ngày đêm tiếp cận trực tiếp từng gia đình nên chủ trương trên được người dân đồng tình ủng hộ và đồng ý bàn giao mặt bằng. "Cách làm thực tế đã tạo sự tin tưởng tuyệt đối với bà con", ông Út khẳng định.
MINH THƯ