Phát huy tiện ích từ Đề án 06: Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh

Chủ Nhật, 18/06/2023 11:35

|

(CATP) Ngân hàng và các ngành, lĩnh vực liên quan đã và đang làm, một số kết quả đã đạt được, định hướng trong thời gian tới của việc sử dụng, khai thác, chia sẻ dữ liệu, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số. Qua đó, phục vụ công tác hoạch định chiến lược, chính sách của cơ quan Nhà nước và công tác triển khai, cung ứng dịch vụ, giải pháp của các tổ chức, doanh nghiệp trong thời gian tới nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06... góp phần vào công tác thực hiện cải cách hành chính và chuyển đổi số quốc gia.

Kết nối dữ liệu...

Chiều 16/6/2023, tại TPHCM, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội". Hội thảo vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự và phát biểu chỉ đạo. Về phía NHNN, tham dự Hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, đại diện lãnh đạo các Vụ (Thanh toán, Truyền thông, Cục Công nghệ thông tin...).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu chào mừng hội thảo. Bên cạnh đó còn có đại diện một số Bộ, ngành, các ngân hàng thương mại (NHTM), Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam, một số tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia kinh tế...

Hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội" tập trung vào những nội dung như vai trò và tầm quan trọng của kết nối dữ liệu trong thanh toán thông minh, đồng thời đưa ra các vấn đề cần giải quyết để tích hợp, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống, các ngành, lĩnh vực, hình thành hệ sinh thái ngân hàng (NH) số nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp thanh toán thông minh, dịch vụ thanh toán đổi mới, sáng tạo, cung cấp dịch vụ đa tiện ích cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06) với mục tiêu ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cũng đã xác định chủ đề năm 2023 là "Năm quốc gia về dữ liệu số", là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Theo đó, các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác đã được Bộ Công an triển khai.

Xác định rõ mục tiêu, định hướng của Đề án 06 và của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, ngành NH đã và đang tích cực ứng dụng dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ NH với nhiều sản phẩm - dịch vụ thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế.

Sự kiện "Ngày không tiền mặt" năm nay sẽ hướng đến các nội dung, nhiệm vụ tại Đề án 06, các giải pháp để gia tăng kết nối, khai thác dữ liệu dân cư vào hoạt động nghiệp vụ NH nói riêng và các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nói chung đảm bảo an toàn, hiệu quả, gia tăng tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy TTKDTM, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế xã hội.

Công nghệ mới đảm bảo an ninh, an toàn

Nhìn lại 4 năm triển khai "Ngày không tiền mặt" cho thấy, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã cùng với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ đó đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong hoạt động TTKDTM. Khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM, chuyển đổi số ngành NH liên tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM...

Hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội"

NHNN tiếp tục tổ chức triển khai các Đề án, Chương trình, Kế hoạch, chính sách nhằm thúc đẩy TTKDTM và chuyển đổi số trong hoạt động NH, như: Kế hoạch triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành NH đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của ngành NH triển khai Đề án 06; Quy định mở tài khoản thanh toán của cá nhân, phát hành thẻ NH, thực hiện dịch vụ bảo lãnh bằng phương thức điện tử eKYC; Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); Đề án phát triển TTKDTM...

Ngày 24/4/2023 vừa qua, NHNN và Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06 bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn, 35 nhiệm vụ cụ thể để phục vụ cho việc làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ của ngành NH. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn luôn được NHNN và ngành NH chú trọng. NHNN cũng thường xuyên triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính với nhiều hình thức đa dạng để hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn, hợp lý.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết: "Sự kiện Ngày không tiền mặt 16/6 năm nay với thông điệp "Dữ liệu và tích hợp dữ liệu mang lại lợi ích gì cho xã hội và người dân" càng khẳng định được dấu ấn, tạo sứ mệnh lan tỏa khi ngành NH đang tích cực trong việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; Quyết định phê duyệt Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án 06".

Chuyển đổi số trong hoạt động NH đã đạt được kết quả tích cực. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập kết nối giữa dịch vụ NH với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế để cung ứng trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, nhiều NH Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Bên cạnh đó, NHNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (tài khoản NH, ví điện tử, tài khoản Mobile-money...) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Tỷ lệ người dân Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại NH đạt khoảng 74,63%. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%; nhiều chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số của ngành. Nhiều dịch vụ NH có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Nhiều sản phẩm, dịch vụ NH được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận, sử dụng. Đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tăng hơn 7 triệu thông tin so với tháng 3/2023).

Thời gian tới, NHNN tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành NH. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách thúc đẩy TTKDTM. Phối hợp rà soát, xây dựng kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của NHNN về ứng dụng, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động NH, thúc đẩy triển khai Đề án 06. Tiếp tục triển khai các chiến lược, Đề án thúc đẩy TTKDTM nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi các NHTM, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số. Tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công.


Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế của thời đại; chủ động rà soát, sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền về ứng dụng, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng triển khai Đề án 06. Rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm, quyền lợi của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và người sử dụng dịch vụ nhằm đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên liên quan. Triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông và nhân dân, sự đồng lòng, quyết tâm và tinh thần chủ động, sáng tạo của tất cả các đơn vị với những kết quả đã đạt được và dư địa phát triển, chắc chắn ngành NH sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành quả trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển của đất nước".

Bình luận (0)

Lên đầu trang