Công an TPHCM và bước chuyển mới trong kế hoạch thực hiện Đề án 06

Thứ Bảy, 29/04/2023 07:40

|

(CATP) Bước sang năm 2023, kế hoạch triển khai các nội dung Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Chính phủ (Đề án 06) từng bước chuyển dịch sang giai đoạn mới. 

Tại Công an TPHCM (CATP), đặc biệt là ở Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CSQLHC về TTXH), đơn vị chủ công được Bộ Công an (CA), Ban giám đốc (BGĐ) CATP tin tưởng giao nhiều trọng trách quan trọng, đã liên tục đổi mới, tìm ra nhiều cách làm hay nhằm đưa thành phố phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Tổng đài nhanh, gọn, hiệu quả

Từ ngày đường dây nóng (ĐDN) tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân (CD) liên quan đến các nội dung thuộc Đề án 06 được đưa triển khai vào giữa tháng 4, gần như ở mọi thời điểm trong ngày, các cán bộ (CB) trực ban của Phòng CSQLHC về TTXH đều nhận được hàng loạt câu hỏi, kiến nghị của người với mong muốn "Được các đồng chí CA giải đáp thắc mắc nhanh và chính xác nhất".

Thậm chí có trường hợp người gọi đến còn ở các tỉnh ngoài TPHCM. "Nhiều bà con theo dõi báo, đài, biết TPHCM có triển khai ĐDN phục vụ người dân nên đã gọi đến nhờ giải đáp, dù không cư trú, sinh sống trên địa bàn. Gặp những trường hợp như vậy, với những nội dung có thể giải đáp, chúng tôi đều hỗ trợ", Thiếu tá Phạm Anh Vũ - CB trực tổng đài của Phòng CSQLHC về TTXH - chia sẻ.

Sáng 17/4, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM có dịp ghé thăm căn phòng đặc biệt, nơi tiếp nhận hàng loạt thắc mắc của người dân từ khắp TPHCM gửi về liên quan đến Đề án 06. Mới hơn 8 giờ nhưng Thiếu tá Vũ - CB trực tổng đài liên tục nhận được nhiều cuộc gọi của người dân. Từ đầu dây bên kia, cô gái trẻ với chất giọng rụt rè, giới thiệu: "Em tên Đoàn Lưu Ngọc Bích, nhà ở quận 8. Từ tháng 12 năm ngoái cho đến nay, dù cố gắng nhưng em vẫn chưa thực hiện được việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT) cấp 2". "Em cho anh hỏi thời gian 2 lần đăng ký của em được không? Sau khi kiểm tra, Phòng CSQLHC về TTXH - CATP sẽ liên hệ với CA địa phương tìm cách giải quyết nhanh nhất, không để ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của em" - đồng chí Vũ nhanh chóng trả lời.

Ngay sau đó, nội dung phản ánh này đã được Phòng CSQLHC về TTXH chuyển đến CAQ8 để xác minh, tìm hướng tháo gỡ giúp người dân. Chỉ sau 2 ngày làm việc, chị Bích đã được mời lên trụ sở Đội CSQLHC về TTXH - CAQ8 làm việc. Qua tìm hiểu, bước đầu đã xác định được nguyên nhân khiến việc đăng ký TKĐDĐT cấp 2 của chị Bích chưa thực hiện được do có sai sót về địa chỉ lưu trú.

Sau khi nắm vấn đề, CB Phòng CSQLHC về TTXH đã cùng CAQ8 trực tiếp giải đáp khúc mắc, đồng thời đưa ra hướng dẫn, giúp chị Bích khắc phục. "Thật sự khi sử dụng tổng đài hỗ trợ người dân của Phòng CSQLHC về TTXH, bản thân tôi không nghĩ lại được lực lượng CA hỗ trợ nhanh như vậy. Tôi mong thời gian tới, ĐDN hỗ trợ người dân về các nội dung liên quan đến thủ tục quản lý hành chính, Đề án 06 sẽ tiếp tục được duy trì, phát huy mạnh hơn nữa", chị Bích tâm sự.

Theo đại diện Phòng CSQLHC về TTXH, ĐDN tiếp nhận giải quyết thông tin đã phát huy hiệu quả cao trong công tác làm sạch dữ liệu, cấp căn cước công dân (CCCD), đồng thời tạo cầu nối niềm tin của người dân vào lực lượng CA, giải tỏa những bức xúc của người dân bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Ngoài ra, thông qua ĐDN còn để CA địa phương kết nối trao đổi thông tin đối với những trường hợp nhân khẩu đặc biệt, nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ, chiến sĩ (CBCS).

"Bên cạnh đó, còn ghi nhận một số đơn vị chưa làm tốt công tác tuyên truyền về các quy định liên quan đến Luật Cư trú, Luật CCCD, Đề án 06 của Chính phủ hoặc chưa giải đáp rõ ràng các vướng mắc, kiến nghị của người dân hoặc chưa thực sự làm tốt trách nhiệm khi xử lý phản ánh của người dân để ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thực của họ”, đại diện đơn vị chia sẻ với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM.

Đẩy nhanh tiến độ cấp tài khoản định danh điện tử

Tổ công tác lưu động gồm 5 đồng chí, được phân chia thành từng khâu cụ thể. Các CB, nhân viên (NV) của Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) được gọi tên sẽ lần lượt được các CBCS hướng dẫn cặn kẽ, giải quyết thủ tục nhanh gọn, dễ dàng, thuận lợi, vì thế mỗi trường hợp khi hồ sơ đầy đủ, rõ ràng chỉ mất ít phút đã thực hiện xong. Trực tiếp ghi nhận không khí làm việc của các tổ công tác lưu động, phóng viên cảm nhận rõ sự quyết tâm, hăng say và cả những áp lực mà các anh, các chị đang trải qua để thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo đảm tiến độ đăng ký cấp TKĐDĐT cho người dân theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ CA.

Từ ngày 15 đến 22/4/2023, tiếp nhận 73 tin phản ánh (đa số các tin liên quan đến việc hủy số định danh cá nhân, cấp CCCD, sai dữ liệu dân cư, kích hoạt TKĐDĐT mức 2...) thuộc thẩm quyền giải quyết của CA địa phương. Trong đó, có 42 tin liên quan CCCD gắn chíp điện tử (đã xử lý 17 tin, đang xử lý 25 tin), 14 tin liên quan dữ liệu dân cư (đã xử lý 6 tin, đang xử lý 8 tin), 9 tin liên quan cư trú (đã xử lý 4 tin, đang xử lý 5 tin) và 8 tin liên quan kích hoạt TKĐDĐT mức 2 (đã xử lý 2 tin, đang xử lý 6 tin).

Để công tác được triển khai nhanh chóng, đạt hiệu quả, các CB của Phòng CSQLHC về TTXH sẽ trực tiếp hướng dẫn CB, NV của Sở TT-TT TPHCM cài đặt ứng dụng VNEID và giải thích về sự thuận tiện khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Theo Trung tá Huỳnh Thị Mỹ Hạnh, để quá trình cấp TKĐDĐT mức độ 2 được thực hiện thuận lợi, trước đó CB của Phòng CSQLHC về TTXH sẽ liên hệ với địa điểm dự kiến tiến hành mở TK để hướng dẫn thủ tục nhằm chuẩn bị. Để thực hiện cấp TKĐDĐT mức độ 2, người dân cần mang theo thẻ CCCD gắn chíp cùng các loại giấy tờ để tích hợp như: giấy phép lái xe (các hạng A1, A2, B1, B2), giấy đăng ký xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Mỗi cá nhân hay tổ chức đều có danh tính điện tử (DTĐT). DTĐT công dân Việt Nam gồm: thông tin cá nhân là số định danh; họ tên, ngày tháng năm sinh; giới tính và thông tin sinh trắc học (ảnh chân dung, vân tay)... Mỗi DTĐT được đăng ký một TKĐDĐT. Tài khoản này là tập hợp tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử là Cục CSQLHC về TTXH - Bộ CA.

Tổ lưu động của Phòng CSQLHC về TTXH triển khai cấp tài khoản định danh điện tử mức 2

Bên cạnh việc triển khai nội dung phổ biến TKĐDĐT cá nhân mức 2, hiện CATP vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân chưa đăng ký. Các kế hoạch thực hiện này được Phòng CSQLHC về TTXH phối hợp cùng CA các quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện thường xuyên. Nhiều sáng kiến, cách làm hay vẫn được thực hiện song song. Như tại CAQ Gò Vấp đã triển khai các xe cấp CCCD gắn chíp lưu động để tới từng khu dân cư, các con hẻm nhỏ giúp người dân sớm sở hữu CCCD gắn chíp điện tử. Tất cả cùng quyết tâm phấn đấu, làm việc quên ngày đêm để cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân đủ điều kiện, thực hiện mục tiêu do Bộ CA đề ra.

Tại Hội nghị sơ kết năm 2022 về tình hình, kết quả thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) trên địa bàn TPHCM được tổ chức vào đầu năm 2023, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã đề nghị CATP và Sở TT-TT xác định kỹ ngân sách chung để đề xuất với UBND TPHCM dành một phần ngân sách mua sắm phần mềm dịch vụ để triển khai dự án này.

Các sở, ngành, địa phương rà soát chức năng, nhiệm vụ của mình để tập trung triển khai đề án; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, khi nảy sinh vấn đề phải có sự phối hợp và phản ánh ngay với Trưởng ban chỉ đạo để điều tiết; trong việc phối hợp giữa TPHCM, các bộ, ngành nếu có trường hợp xảy ra vướng mắc thì phải báo ngay cho Trưởng ban để làm việc.

Tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TPHCM trình bày tham luận với chủ đề "Công an TPHCM phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong đăng ký, triển khai mô hình điểm Đề án 06":

Thời gian qua, với vai trò cơ quan thường trực, Công an TPHCM luôn tích cực, chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của TPHCM triển khai nhiều mô hình điểm theo Đề án 06 phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương.

Điển hình như: Mô hình điểm dịch vụ công để thực hiện thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp, cấp tài khoản định danh diện tử mức 2, hướng dẫn nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến tại 3 chung cư cấp huyện; đến nay, đã nhân rộng tại hơn 1.900 địa điểm thuộc các khu chung cư, nhà văn hóa, trụ sở tiếp công dân... để hỗ trợ hơn 65,5 nghìn lượt người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Mô hình triển khai thực hiện tiếp nhận thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng thẻ CCCD gắn chíp tại các bệnh viện; đến nay đã có 409 cơ sở khám chữa bệnh sử dụng CCCD gắn chíp trong khám chữa bệnh, hơn 5,8 triệu thẻ CCCD đã được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực, có hơn 3,1 triệu công dân sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh và hơn 2,4 triệu công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh tra cứu có thông tin.

Ngoài ra, Công an TPHCM đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM thực hiện mô hình an sinh xã hội trong công tác làm sạch dữ liệu dân cư đối với người có công; đến nay, đã thực hiện tổng hợp hơn 6.300 lượt người đăng ký nhận tiền trợ cấp ưu đãi thông qua thẻ ATM...

Bình luận (0)

Lên đầu trang