5 năm đầu "thử lửa" của lực lượng Công an TPHCM:

Kỳ cuối: "Quả đấm thép" SBC

Thứ Năm, 27/04/2023 11:01

|

(CATP) Từ trước ngày 30/4/1975, trong xã hội miền Nam nói chung, thành phố (TP) Sài Gòn - Gia Định nói riêng đã xuất hiện những băng nhóm tội phạm rất nguy hiểm với những tên cầm đầu liều lĩnh, mù quáng bắt chước theo các "người hùng" dao búa, súng đạn trên phim ảnh, tiểu thuyết.

Những cuốn sách, bộ phim về du đãng thời kỳ đó cuốn hút thanh, thiếu niên. Những giai thoại về các trùm giang hồ, tướng cướp nổi tiếng như: Đại Ca Thay, Bạch Hải Đường, Sơn Đảo, Điềm Khắc Kim hay "tứ thiên vương" Đại - Tỳ - Cái - Thế... được khai thác rất nhiều vì mang lại lợi nhuận lớn cho những người làm sách, làm phim, đã góp phần làm hư hỏng một bộ phận nhỏ độc giả, khán giả trẻ và hình thành "lý tưởng" sống ngoài vòng pháp luật, chống lại tất cả những gì mình không thích. Từ đó một số đối tượng phạm tội muốn thể hiện "anh hùng cá nhân" ra đời, làm khổ xã hội, nhưng lại được báo chí quan tâm, thậm chí là thêu dệt, cường điệu thêm cho tăng sức hấp dẫn (rất nhiều tên trong băng cướp Võ Tùng Hội đều khai trước phiên tòa năm 1977 rằng, đi cướp vì bị ảnh hưởng bởi các sách báo, phim ảnh về du đãng...)

Cảnh sát chế độ cũ ước tính TP Sài Gòn - Gia Định có đến 30 vạn du đãng và cố gắng trấn áp, quản lý lực lượng lưu manh đông đảo này bằng nhiều cách. Nhiều tên tuổi giang hồ rơi rụng bớt qua các biện pháp của nhà chức trách, như Đại Ca Thay "mất tích" sau khi bị bắt ra đảo Phú Quốc; nhiều "con hổ" khác tự giết nhau khi bị giam chung ở Chí Hòa, như Lâm Chín Ngón giết Chương khùng, Cương võ sĩ; "lấy số" Điềm Khắc Kim, Hoàng "đầu lâu"; Phan Bá Y (tức Y cà lết) ám sát đại ca khét tiếng là Sơn Đảo (gốc lính dù) để tranh giành địa bàn làm ăn (năm 1976 Phan Bá Y bị chính quyền cách mạng bắt, tử hình về tội cướp của, giết người)...

Có một số băng cướp bị cảnh sát chế độ cũ đưa vào "sổ đen" nhưng nhiều lần thoát lưới hoặc cảnh sát cũng "ớn", tránh nên càng nổi tiếng và ngông nghênh, như băng Y cà lết, Sơn Đảo, Cóc đen, Thọ ấm, Sao chổi, băng cướp Sòng Sơn... Sau 30/4/1975, nhóm đối tượng manh động nguy hiểm này lại được bổ sung thêm những tướng cướp mới xuất thân từ gốc lính (23% các vụ cướp bằng súng, lựu đạn các năm 1975, 1976, 1977 là do nhóm "gốc lính" này gây ra). Cuộc đấu tranh giữa lực lượng Công an TPHCM (CATP) với loại tội phạm này có thể viết cả bộ sách, ở đây chúng tôi chỉ chọn vài vụ đối đầu điển hình giữa lực lượng săn bắt cướp (SBC) dũng cảm tinh nhuệ với một số băng cướp "đỉnh" nhất của thời kỳ đó...

Đại tướng Mai Chí Thọ - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) chụp ảnh với lực lượng SBC khi ông còn là lãnh đạo TPHCM (Ảnh S.T)

Để kịp thời đối phó và triệt phá các băng, ổ, nhóm cướp ngày càng hoạt động trắng trợn, gây tác động xấu đến tình hình sản xuất, tính mạng, tài sản và đời sống của nhân dân, tháng 3/1978, Sở CATP ra Chỉ thị số 149/HS-Đ11 thành lập các đội SBC. Với nhiệm vụ "bí mật, cơ động, chủ động phòng ngừa, liên tục tấn công", các đội SBC có nhiệm vụ truy đuổi, phục kích nhằm triệt phá các băng cướp trên đường phố, bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) qua nghiên cứu tình hình và qua thực tế đấu tranh đã đề xuất và được Ban Giám đốc chấp thuận. 5 đội SBC được thành lập với 72 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) được tuyển chọn, được trang bị cơ giới, vũ trang với quyền hạn đặc biệt như trong lúc truy đuổi tội phạm được chạy xe máy tốc độ cao trên đường phố đông người, chạy vào đường cấm, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, gặp đối tượng nguy hiểm manh động có vũ khí được phép bắn bị thương hoặc tiêu diệt... Lực lượng SBC cơ động khắp TP; mai phục, tấn công bọn cướp giật trên đường phố.

Đến ngày 05/5/1978, Ban giám đốc Sở CATP cho phép CA quận 5 thành lập thêm một đội SBC và đơn vị này đã chiến đấu gần 100 trận lớn nhỏ, khám phá 61 băng cướp và ổ nhóm lưu manh, bắt 296 tên, thu nhiều phương tiện và tài sản trả lại cho dân (Đội SBC quận 5 đã được Chính phủ và UBND TPHCM tặng bằng khen; kinh nghiệm săn bắt cướp của đội đã được CA cả nước học tập, vận dụng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm).

Việc thành lập các đội SBC có công của một vị lãnh đạo Phòng CSHS khi đó được CBCS thương mến đặt biệt danh là "5T" - tức Trung tá Trịnh Thanh Thiệp. Chính ông Thiệp đã tuyển chọn những chiến sĩ trẻ, gan dạ, thông minh, bắn súng giỏi và giỏi cả võ thuật để đào tạo thêm rồi đưa vào các đội SBC. Sau này nhiều người trong số đó đã lập những thành tích đặc biệt xuất sắc, tên tuổi được nhân dân cả nước biết đến, như Ba Tung (tức Phan Thanh - Đội trưởng SBC đầu tiên), Hai Thành (Võ Tấn Thành), Lý Đại Bàng, Mai Văn Tấn, Dương Minh Ngọc... Một số người sau này được phong Anh hùng lực lượng vũ trang, được lên cấp tướng hay trở thành lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị chấp pháp.

Năm 1976, Phó Thủ tướng Phạm Hùng vào TPHCM họp thì chiếc ôtô của ông đậu bên ngoài địa điểm họp bị trộm mất bánh xe sơ-cua (bánh xe dự phòng). Phó Thủ tướng gọi Trung tá Trịnh Thanh Thiệp - Trưởng phòng CSHS CATP lên cho thời hạn 3 ngày phải tìm ra thủ phạm và thu hồi tang vật. 20 năm sau khi đã về hưu, Tướng Thiệp kể với tác giả loạt bài này là đã "toát mồ hôi" khi nghe cấp trên chỉ đạo như vậy.

CSHS tấn công tội phạm trên đường phố (Ảnh S.T)

Vốn là người có năng khiếu điều tra và cả nhờ may mắn, ông đã hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn 3 ngày. Ông kể: "Gọi là may mắn vì xe của Phó Thủ tướng được Liên Xô tặng là loại xe đặc chủng với vỏ thép dày, kính chống đạn, gầm xe chống mìn hạng nhẹ nên rất nặng. Vì thế bánh xe được thiết kế rất đặc biệt, đạn bắn khó thủng. Tên trộm hí hửng đem chiến lợi phẩm ra chợ trời để "gả” (bán) nhưng không ai mua vì ở Sài Gòn nói riêng, cả Việt Nam nói chung không có chiếc thứ 2 xài được loại bánh xe này và dĩ nhiên nó rất lạ so với bánh xe các hãng của Mỹ, Nhật, Pháp, Anh đang có ở Sài Gòn. Đó chính là "điểm nổi bật" để tên trộm được các trinh sát, đặc tình "chụp ảnh".

Phó Thủ tướng Phạm Hùng rất hài lòng, Trung tá Trịnh Thanh Thiệp qua vụ này và hàng loạt chiến công đặc biệt của Phòng CSHS do ông lãnh đạo đã được khen và món quà đặc biệt của vị lãnh đạo đất nước là một suất du học. Sau này, ông Thiệp bàn giao lại Phòng CSHS cho người kế nhiệm để sang Liên Xô học lớp cấp cao của Học viện Cảnh sát Xô Viết khi ông đã 48 tuổi. Về nước công tác một thời gian, ông được lên Thiếu tướng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an.

Trở lại với lực lượng SBC huyền thoại một thời. Tháng 3/1978, ngay những trận đầu ra quân, lực lượng SBC đã được dịp thử tài với các băng cướp "đỉnh" nhất của thời đó qua những pha đấu súng, đấu võ, đấu trí và bản lĩnh khi rượt đuổi, bắn vào nhau trên các xe máy đôn zên, xoáy nòng đạt tốc độ "bàn thờ" khoảng 100 cây số/giờ trên nhiều tuyến phố đông đúc "người, xe như mắc cửi"... Đó là băng cướp do "Chín Cà Na" tức Nguyễn Tấn Nghiệp cầm đầu.

Băng cướp này là "vua" khu Khánh Hội - Cầu Muối từ trước 1975 với đám đàn em chạy "xế bùa" nổi tiếng. Chính Nghiệp chọn lựa những đệ tử chịu chơi, gan góc nhất thành một đội rồi huấn luyện rất công phu để những tên này thành những "quái xế" không sợ chết với kỹ thuật nằm rạp trên yên xe Honda 67 đôn zên, xoáy nòng, phóng với tốc độ "gãy kim đồng hồ" là gần 200 cây số/giờ. Bản thân tướng cướp Chín Cà Na cũng là tay đua "bắt xác" (thua là giao luôn xe đua cho đối thủ) rất nổi tiếng.

Các đệ tử của y thường khoe Nghiệp dám nằm rạp trên xe máy, chui qua bụng xe công-voa trên xa lộ Đại Hàn. Còn trong hồ sơ cảnh sát chế độ cũ thì nhiều lần Nghiệp cho lực lượng hình cảnh có sự phối hợp với cảnh sát công lộ "ngửi khói" với biệt tài "bay" trên "xế bùa" giữa đường phố đông đúc. Nghiệp từng tuyên bố không một xe tuần cảnh nào có thể rượt đuổi được các đệ tử của hắn thì "tư cách gì” dám đọ tốc độ với hắn.

Cảnh sát Sài Gòn rất hậm hực nhưng chưa giăng lưới được hắn thì Sài Gòn - Gia Định được giải phóng. Dưới chế độ mới, Nghiệp và đàn em vẫn không chịu hoàn lương, tiếp tục ăn chơi, hưởng thụ bằng những đồng tiền vấy máu nạn nhân qua các năm 1975, 1976, 1977... Đầu năm 1978, nghe tin lực lượng SBC vừa thành lập, Nghiệp cho đàn em uống rượu "thề sống chết với SBC" và đứa nào "rớt" (bị bắt) phải tự chịu, không được khai ra đồng bọn thì thân nhân, gia đình sẽ được chia phần chiến lợi phẩm sau các vụ "ăn bay" (cướp giật trên đường phố). Nếu ai phản lại lời thề này sẽ lãnh hậu quả theo luật giang hồ... Lực lượng CSHS và SBC đã tổ chức công tác trinh sát rất công phu, hiệu quả nên khi chúng đột nhập vào một gia đình giàu có ở phường Đa Kao, quận 1 để cướp vàng coi như tự chui đầu vào rọ. Cả băng cướp bị bắt gọn khi chưa kịp rút súng, lựu đạn ra "tử chiến" như lời thề!

Một băng cướp khác cũng xui xẻo dù đã coi ngày, giờ tốt để "xuất hành". 21 giờ đêm cuối tháng 3/1978, nhận tin báo có 10 tên cướp đi trên 5 "xế bùa", có súng, dao găm, lựu đạn đang tìm "mồi" trên các con đường khu vực Chợ Lớn, quận 5. Các tổ SBC lập tức xuất kích đeo bám. Đến ngã tư Ngô Quyền - Trần Hưng Đạo, bọn cướp phát hiện và phát tín hiệu cho nhau về một cặp vợ chồng chở theo con nhỏ trên chiếc Vespa Sprint (loại xe này thời điểm đó có giá ngang với một căn nhà). 5 xe của bọn cướp triển khai đội hình 1-2-2 với một chiếc vọt lên trước "con mồi" để quan sát, cảnh giác "cớm chìm" (tức các trinh sát hình sự xã hội hóa trên đường phố), 2 chiếc đi giữa bất ngờ kẹp ép xe nạn nhân vào lề ở ngã tư Tản Đà - Trần Hưng Đạo. Hai tên ngồi sau nhảy xuống, rút súng ngắn khống chế các nạn nhân buộc họ giao xe.

Hai chiếc đi sau ở trạng thái sẵn sàng hỗ trợ nếu có "nghĩa hiệp" (người dân tham gia bắt cướp) hoặc CA, bộ đội tấn công. Lần này chúng không may như những lần trước khi 3 chiếc xe máy chở 6 chiến sĩ SBC đồng loạt tông thẳng vào đội hình xe bọn cướp. Bọn chúng bất ngờ, tính rú ga bỏ chạy thì bị các dũng sĩ SBC với võ công cao cường quật ngã, bập còng vào tay 4 tên. Biết đụng phải "thứ dữ", 6 tên còn lại rút súng bắn trả dữ dội để giải vây cho đồng bọn. Thấy SBC quá lì, chúng mất tinh thần phóng xe bỏ trốn, các tổ SBC đồng loạt nổ súng chỉ thiên trấn áp và kéo hết ga đuổi theo. Đám cướp với kỹ năng siêu hạng từng thách thức xe tuần cảnh trước năm 1975 truy đuổi, giờ sợ hết vía khi thấy đối thủ của mình còn "bay" điệu nghệ hơn. Sau hơn 40 phút truy đuổi nghẹt thở, chúng bị ép văng vào lề. CA thu được 4 xe máy, 2 súng ngắn và bắt giữ thêm 4 tên. Hai tên còn lại sau đó cũng sa lưới, đó là 2 tên cầm đầu băng cướp. Chúng khai nhận chỉ trong 9 tháng từ tháng 6/1977 đến ngày bị bắt cuối tháng 3/1978 đã gây ra 121 vụ cướp giật trên đường phố - một con số quá khủng khiếp.

Thừa thắng xông lên, lực lượng SBC tiếp tục ghi thêm hàng loạt chiến công làm nức lòng nhân dân thành phố và trở thành "huyền thoại" đến tận ngày nay. Năm 1989, SBC được đổi thành Đội trinh sát đặc nhiệm hình sự, tiếp tục lập thêm nhiều thành tích vẻ vang, góp phần cùng toàn lực lượng CATP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, ngành giao phó; nhân dân trông đợi.

Kỳ 2: Trộm cướp đồng hành cùng tệ nạn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang