5 năm đầu "thử lửa" của lực lượng Công an TPHCM:

Kỳ 2: Trộm cướp đồng hành cùng tệ nạn

Thứ Tư, 26/04/2023 15:30

|

(CATP) Cuộc chiến nảy lửa trên đường phố giữa lực lượng săn bắt cướp (SBC) với hàng trăm băng cướp dữ tợn đã tạo nên huyền thoại SBC một thời. Từ lời khai của các hung thủ nói lên mối liên hệ khắng khít giữa 2.438 băng, ổ cướp lớn, nhỏ, với 18.439 tên (tính từ tháng 5/1975 đến năm 1980) với các chợ trời tiêu thụ đồ gian và các hoạt động tệ nạn xã hội ở TPHCM. 

Một số chuyên gia tội phạm thời kỳ đó nhận định "tội phạm là bạn đồng hành của tệ nạn và ngược lại. Tuy hai mà một...". Bọn trộm cướp như thiêu thân lao vào tội ác với mục đích duy nhất là kiếm tiền để thỏa mãn cơn nghiện ma túy, cờ bạc, tình dục, ăn nhậu... Tệ nạn, chợ trời sống bám vào loại "khách hàng" máu lạnh này vì tiền và vì "cùng hệ" sống ngoài vòng pháp luật, làm những chuyện sai trái để tồn tại.

Đầu tiên là cướp gắn với lừa đảo và giả mạo. Giả mạo Cảnh sát giao thông, Kiểm soát quân sự (thời đó gọi là Kiểm soát quân nhân) để chặn xe, bắt (cướp) hàng, tiền và các tài sản khác. Rồi giả mạo công an để khám nhà, khám cơ sở kinh doanh, thậm chí dám vào cả cơ quan Nhà nước để thực hiện các âm mưu. Rồi cướp giả nhân viên điện, nước đến nhà "trinh sát" trước hoặc tìm cơ hội ra tay. Bằng nhiều lý do, chúng còn giả mạo là cán bộ Nhà nước đang điều tra buôn hàng quốc cấm, vượt biên nhằm điều nạn nhân đến nơi thuận tiện để cướp, tống tiền (48,2% các vụ cướp bắt đầu từ các vai giả mạo này; 5% khác giả danh nhân viên bưu điện chuyển thư, quà biếu...; 4% lấy lý do trao đổi, mua bán để xem hàng rồi cướp). Một số vụ lại là "đầu trộm đuôi cướp", khi "nhập nha" bị chủ nhà phát hiện thì khống chế hoặc "xử" luôn để bịt đầu mối...

Trong một thành phố (TP) đông đúc, phức tạp như thế, các hoạt động phạm pháp "nuôi" lẫn nhau, trở thành "hệ sinh thái" của nhau. Những kẻ nghiện ma túy, cờ bạc, tình dục, bia rượu... gây tội ác để kiếm tiền hưởng lạc, giải nghiện. Nhiều phi vụ chúng kiếm cả trăm lượng vàng, nhưng chỉ vài ngày sau đã "sạch túi", phải đi trộm, cướp để có tiền ăn chơi tiếp. Đó là lý do bọn tội phạm không thể dừng lại, đó cũng là câu trả lời cho những băng cướp trong vài tháng đã gây trên dưới 100 vụ cướp tàn bạo, giết nhiều người, cướp lượng tài sản rất lớn, nhưng khi bị bắt thì chỉ có phương tiện gây án là mấy chiếc "xế nổ" đã "bùa", vài khẩu súng nhuốm máu, lẩn quẩn oan hồn các nạn nhân vô tội và thân xác bệ rạc vì sa đọa của các tên cướp... còn tiền, vàng và các "chiến lợi phẩm" bọn cướp đã "gửi" hết ra chợ trời, nhà thổ, động hút, sòng bạc!

"Lầu xanh" trước năm 1975 ở Sài Gòn dưới ống kính phóng viên nước ngoài (Ảnh S.T)

30 vạn tên lưu manh, côn đồ từ chế độ cũ và sau ngày giải phóng tăng cường thêm hàng ngàn "loạn quân" của các đơn vị quân đội VNCH tham gia cướp bóc, chống phá cách mạng là thị trường béo bở cho các hoạt động tệ nạn như chợ trời mua bán đồ gian, cờ bạc, đĩ điếm, kể cả các chốn ăn chơi bí mật "nhất dạ đế vương" được lưu truyền trong nhân dân thời kỳ này. Những chợ trời nổi tiếng đồng thời là trung tâm giao dịch đồ gian, là sào huyệt và sân sau cung cấp tiền bạc, phương tiện vũ khí cho bọn tội phạm. Đó là chợ xe đạp Trần Quốc Toản, chợ Hàm Nghi, chợ Huỳnh Thúc Kháng... Xin nói thêm là từ trước ngày Mỹ rút quân khỏi miền Nam, đã có những phóng sự trên các báo, đài quốc tế về nạn tuồn hàng viện trợ và cả vũ khí, quân trang của quân đội Mỹ ra các chợ trời ở Sài Gòn - Chợ Lớn và các phóng viên nước ngoài coi đây là vấn đề "nhức nhối gây tức tối...".

Sau ngày 30/4/1975, qua các đợt truy quét những chợ trời, công an phát hiện nhiều vụ cướp, băng cướp khét, như băng cướp Vũ Cẩm Thành hay vụ trộm bánh xe của chiếc ôtô đặc chủng của Liên Xô tặng đồng chí Phạm Hùng, Phó Thủ tướng năm 1976... (Chúng tôi sẽ kể trong kỳ tiếp theo).

Không có hàng vạn tội phạm với từng bó tiền đẫm máu và nước mắt của các nạn nhân thì các hang ổ, dịch vụ, tệ nạn sẽ tự chết vì chứng... "nghiện tiền"! Đó cũng chính là lý do để các chủ chứa tệ nạn, tiêu thụ đồ gian phải bảo bọc, chiều chuộng cho số khách hàng máu lạnh này. Họ luôn nở nụ cười với các "hung thần" và hồ hởi đếm tiền trên nước mắt tang thương của các gia đình bị cướp, bị giết.

Gần 10 năm sau ngày 30/4/1975, tác giả bài này từ quê ở Tây Nguyên về Sài Gòn học thì con đường Nguyễn Văn Cừ đối diện Đại học Tổng hợp và trường PTTH Lê Hồng Phong suốt ngày đêm đều có hàng chục con nghiện chui rúc trong các gốc cây chích ma túy. Ở các công viên cũng có những cảnh tương tự.

Đêm xuống, trước cổng vườn Tao Đàn (quận 1) và khu Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tông - quận 10; bến xe Miền Đông và Tân Cảng - quận Bình Thạnh hay nhiều con đường, khu phố khác ở các quận: 1, 3, 5, Gò Vấp, Nhà Bè... gái điếm đông như đi hội. Cùng với gái điếm là bọn ma cô, lưu manh dắt mối và cho các cô vay nặng lãi, bảo kê, móc túi, giật dọc... Nói như vậy để thấy những khó khăn, gian khổ trong đấu tranh chuyển hóa địa bàn và TPHCM phát triển được như hôm nay là có phần đóng góp rất lớn từ những cống hiến, hy sinh của lực lượng Công an TPHCM và các đơn vị bạn, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân đã chung tay, góp sức.

Cụ thể là ngay trong những ngày đầu Sài Gòn - Gia Định được giải phóng, lực lượng An ninh T4 và Ban An ninh nội chính sau này đã tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền huy động hàng chục vạn học sinh, sinh viên xuống đường giữ gìn trật tự trị an. Lực lượng này đã bắt rất nhiều tên trộm, cướp phá hoại giao cho chính quyền cách mạng. Gom nhặt hàng tấn súng, lựu đạn, các loại vũ khí và quân trang, quân dụng của lính chế độ cũ bỏ vào kho quản lý, không để các đối tượng xấu sử dụng vào mục đích phạm pháp. Mặc dù các biện pháp nghiệp vụ cũng như nhân sự của lực lượng trị an buổi đầu còn rất hạn chế, song nhờ đó mà TP rộng lớn này dần đi vào trật tự, an ninh khá tốt. Thời kỳ này 60% tội phạm các vụ cướp là do nhân dân bắt giữ giải giao đến các cơ quan chức năng.

Đầu năm 1976, chính quyền TP mở các chiến dịch truy quét lưu manh, du đảng với sự góp sức của hàng chục vạn người dân. Họ được học tập, thảo luận các nội dung, như: các phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm hình sự, nhất là trộm, cướp. Quần chúng cùng bàn bạc, đưa ra biện pháp đối phó, phòng ngừa, phát động toàn dân tố giác tội phạm, giáo dục hướng dẫn con em trong gia đình, khu phố tham gia giữ gìn ANTT, tuần tra, bảo vệ khu phố và hăng hái tham gia bắt tội phạm. Qua những đợt học tập này, quần chúng đã cung cấp cho công an hàng vạn nguồn tin giá trị để truy bắt hàng trăm tên lưu manh, trộm cướp còn lẩn trốn. Bên cạnh đó, hàng trăm gia đình đã tự nguyện đưa con em hư hỏng đến nhờ chính quyền, công an giáo dục, cải tạo. Các đội thanh niên bảo vệ, đội dân phòng ở các phường, xã hoạt động sôi nổi, góp phần nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân và nâng cao tỉ lệ khám phá các vụ cướp trong năm 1976 lên 62%.

Hình ảnh về chợ trời Sài Gòn những năm đầu sau giải phóng (Ảnh S.T)

Đến năm 1977, Thành ủy TPHCM ra Chỉ thị 16, 17 theo nghị quyết phát huy quyền làm chủ của nhân dân sau Đại hội Đảng lần IV, toàn TP phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc rất rầm rộ với 4 chiến dịch truy quét tội phạm, tệ nạn rất sôi nổi. 1.000 đối tượng liên quan đến cướp giật được đưa ra kiểm điểm trước dân, 500 đối tượng khác bị tập trung cải tạo tại chỗ; chính quyền địa phương răn đe, giáo dục 1.500 đối tượng khác. Các quận huyện Tân Bình, Hóc Môn... tổ chức các lớp tuyên truyền giáo dục chính sách, pháp luật. Nhờ đó tỉ lệ quần chúng bắt quả tang các vụ thường án lên đến hơn 80%, các vụ trọng án hơn 65%, riêng các vụ cướp cũng chiếm tỉ lệ 45%

Năm 1978, phong trào "Bảo vệ an ninh Tổ quốc" đi vào chiều sâu, nhiều đợt phát động quần chúng đấu tranh chống tội phạm hình sự rất rầm rộ, tính trấn áp rất cao, nhất là trong các đợt cải tạo tư sản, đổi tiền, triển khai Chỉ thị 19, Kế hoạch 193 truy quét để bảo vệ Tết, thực hiện Nghị quyết 44 của Thành ủy, Quyết định 1531 của UBND TP, phân loại đối tượng và đối sách với các loại đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội. Có 85 vạn người (gồm cả 5 vạn cán bộ, công nhân viên Nhà nước) đã tham gia, đóng góp 2 vạn ý kiến, cung cấp 1.800 nguồn tin có giá trị, xin gửi 289 con em hư hỏng cho chính quyền giáo dục.

Lực lượng công an còn phối hợp với Thành đoàn, Sở Thương binh - Xã hội đưa hàng ngàn chủ chứa gái bán dâm, cờ bạc, ma túy đi tập trung cải tạo. Kết quả năm 1978 số vụ cướp tài sản 453 vụ, giảm hẳn so với năm 1977 là 528 vụ. Năm 1979, Sở Công an TPHCM mở nhiều đợt truy quét, 8.954 vụ phạm pháp hình sự được khám phá với 12.105 đối tượng bị bắt trong 348 băng nhóm tội phạm bị xóa sổ, thu 197 súng... Thế trận "an ninh nhân dân" cũng đã bắt đầu phát huy hiệu quả cao hơn, cùng với các lực lượng chức năng tạo thành "thiên la, địa võng" bịt dần các đường thoát thân của các đối tượng cướp manh động, nhất là từ sau khi lực lượng SBC ra đời...

Trong 5 năm đầu sau giải phóng, TPHCM có khoảng 3,2 - 3,5 triệu dân, trong đó có hơn 10 vạn gái bán dâm, 15 vạn người nghiện ma túy, 5.000 tay cờ bạc chuyên nghiệp... Số lượng tệ nạn khổng lồ này hoạt động trong các khu ăn chơi nổi tiếng ở TP. Theo thống kê từ 01/5/1975 đến tháng 10/1978 trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 44.923 vụ phạm pháp (trong đó có 1.386 vụ cướp như chúng tôi đã nêu ở kỳ 1 của loạt bài này). Như vậy cứ 40 phút lại xảy ra một vụ phạm pháp hình sự và mỗi ngày đêm lực lượng trị an của TP phải đối mặt với khoảng 36 vụ án. Tất cả đều xuất phát từ mối quan hệ khăng khít đáng sợ giữa tội phạm, các ổ tiêu thụ đồ gian ở chợ trời và các loại tệ nạn. Cuộc chiến để giải quyết "liên minh đen" này vô cùng khó khăn, gian khổ và tốn rất nhiều thời gian, công sức của các lực lượng chức năng.

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Những con số kinh hoàng buổi giao thời
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang