Sửa đổi Luật Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia

Thứ Ba, 25/04/2023 08:28

|

(CATP) Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đang chuẩn bị tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra chính thức dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân (CAND) theo quy định để kịp thời trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo trình tự tại một kỳ họp.

Khắc phục những vướng mắc, bất cập

Qua 3 năm triển khai thực hiện, Luật CAND năm 2018 đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, toàn diện để lực lượng CAND thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Từ thực tế triển khai cho thấy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, mục đích xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật CAND là nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo: "Xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại" tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật là bảo đảm lực lượng CAND đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý của Chính phủ, sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an, dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

Theo dự án Luật, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an hiện nay chưa phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động. Hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an được quy định trên cơ sở điều kiện, môi trường, tính chất công việc và đặc thù về tổ chức bộ máy của lực lượng CAND, đồng thời luôn bảo đảm tương quan với tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) thì tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Do đó, khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ, chiến sĩ CAND với người lao động tăng lên.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND được thông qua sẽ giúp lực lượng Công an ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Bộ luật Lao động được coi là "Luật gốc" về tuổi nghỉ hưu của người lao động, vì vậy, khi tuổi nghỉ hưu của người lao động nói chung thay đổi thì cũng cần phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật CAND và Nghị định số 49/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật CAND cho phù hợp.

Bên cạnh đó, thực tiễn thực hiện nhiệm vụ cho thấy, trong lực lượng CAND có nhiều cán bộ thời gian công tác lâu năm, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, thông thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phức tạp, trọng điểm về an ninh, trật tự; được nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp tín nhiệm cao về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực trong thực tiễn bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đang trực tiếp chỉ đạo giải quyết, điều tra, xử lý những vụ việc, vụ án, chuyên án đặc biệt lớn, phức tạp, đấu tranh với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, ma túy, tội phạm xuyên quốc gia... nếu được kéo dài hạn tuổi sẽ bảo đảm việc chỉ đạo giải quyết, điều tra, xác minh vụ án, chuyên án liên thông, liên tục cho đến khi kết thúc.

Mặt khác, khoản 2 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam quy định về kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan QĐND trong trường hợp đặc biệt nhưng Luật CAND chưa quy định về nội dung này. Vì vậy, việc bổ sung quy định về kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt là cần thiết và phù hợp.

Tăng hạn tuổi phục vụ

Về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, dự án Luật đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan, công nhân công an thêm 2 tuổi; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; công nhân công an, nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi; quy định tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an cơ bản như quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, tức là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ; riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì có thể thực hiện tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình nêu trên. Thời điểm để tính tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất bắt đầu từ năm 2021 và không áp dụng đối với trường hợp đã nghỉ công tác trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND có hiệu lực.

Qua các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật CAND nhằm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, về xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

Tài liệu của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND đã được chuẩn bị đúng với quy trình và các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rất kỹ lưỡng, nghiêm túc và bảo đảm chất lượng; về quan điểm, nguyên tắc sửa đổi luật, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Các nội dung sửa đổi xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, quá trình soạn thảo cơ bản thống nhất với các luật khác có liên quan.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

Quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Công an đã có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan. Thực tiễn thay đổi, đường lối thay đổi, chúng ta phải sửa đổi Luật. Yêu cầu sửa Luật CAND là rất xác đáng. Thực tiễn phòng chống tội phạm hiện nay đặt ra yêu cầu cần nhiều cán bộ có thời gian công tác lâu năm, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, năng lực chuyên môn giỏi để chỉ đạo chỉ huy điều tra phá án, đào tạo nguồn lực. Vì vậy, việc luật điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chính là để tận dụng nguồn cán bộ có năng lực và kinh nghiệm. Thực tế là có nhiều cán bộ, chiến sĩ từng là chỉ huy, có học hàm, học vị sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục ở lại công tác với vị trí chuyên viên đã có những đóng góp rất quan trọng, đặc biệt là những vụ việc khó.

Thượng tá Phạm Hữu Từ Tâm, Phó Viện trưởng Phân viện Khoa học Hình sự tại TPHCM (C09B):

Hiện nay, chất lượng cuộc sống được nâng cao, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam nâng lên 73 nên tuổi 50, 60 của cán bộ chiến sĩ vẫn bảo đảm sức khỏe phục vụ cho ngành. Họ là những người đã có kinh nghiệm, sở trường công tác, gia đình ổn định nên việc tăng tuổi cao nhất phục vụ của CAND, hạ sĩ quan, sĩ quan CAND là phù hợp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang