5 năm đầu "thử lửa" của lực lượng Công an TPHCM:

Kỳ 1: Những con số kinh hoàng buổi giao thời

Thứ Ba, 25/04/2023 08:21

|

(CATP) Từ sau ngày 30/4/1975 đến hết năm 1979 là 5 năm cực kỳ khó khăn, gian khổ của lực lượng trị an thành phố Sài Gòn - Gia Định vừa được giải phóng (có hơn 3 triệu dân, hàng trăm tổ chức phản động, hàng ngàn băng nhóm tội phạm, hàng vạn đối tượng tệ nạn và vô số vấn đề nhức nhối cần giải quyết). 

Lực lượng An ninh T4 trong kháng chiến đã lập rất nhiều chiến công xuất sắc, đã được đổi tên thành Ban An ninh nội chính, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Quân quản thành phố nhanh chóng triển khai các hoạt động, vừa làm tốt công tác tiếp quản, ổn định đời sống kinh tế - xã hội, vừa xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Ngày 02/7/1976, Quốc hội quyết định đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Ban An ninh nội chính Sài Gòn - Gia Định được đổi tên thành Sở Công an TPHCM (đến năm 1981 được gọi là Công an TPHCM theo quyết định của Bộ Nội vụ).

Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an TPHCM (CATP) đã nối tiếp truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, chiến đấu anh dũng, kiên cường, sáng tạo để đập tan mọi âm mưu phá hoại, mọi tham vọng chống phá, mọi tổ chức tội phạm, mọi thủ đoạn gây án... để giữ bình yên cho thành phố, giữ cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân... Nhìn lại 5 năm "thử lửa" sau ngày đất nước thống nhất cũng là nhìn lại một giai đoạn nhiều biến động với "thù trong, giặc ngoài", nhìn lại những cố gắng và thành tựu phi thường của lực lượng CATP dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND TPHCM và Bộ Nội vụ (hợp nhất giữa Bộ Nội vụ và Bộ Công an ngày 01/8/1975, đến ngày 07/5/1998, Bộ Nội vụ đổi lại thành Bộ Công an).

11 giờ 30 trưa 30/4/1975, khi xe tăng Quân giải phóng húc đổ cánh cổng thép của dinh Độc Lập, nội các chính phủ Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, dân Sài Gòn - Gia Định đổ ra đón chào Quân giải phóng, đón chào hòa bình và thống nhất đất nước. Trong giờ phút lịch sử hào hùng, thiêng liêng của cả dân tộc đó, CBCS thuộc lực lượng An ninh T4 vẫn "lao vào lửa" với nhiệm vụ chiếm giữ, bảo toàn tuyệt đối hồ sơ, tài liệu ở 3 cơ quan trọng yếu của địch là Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia, Nha cảnh sát đô thành Sài Gòn và Ty cảnh sát Gia Định.

Nhờ sự chủ động theo kế hoạch từ lúc khởi động chiến dịch giải phóng Sài Gòn (sau được gọi là Chiến dịch Hồ Chí Minh), sự hỗ trợ đắc lực của các cơ sở nội tuyến, An ninh T4 đã thu giữ được nguyên vẹn kho hồ sơ, tài liệu khổng lồ gồm 6 dãy kệ, dài đến 150m. Hai ngày sau, tức 02/5/1975, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn từ Hà Nội vào Sài Gòn đã đánh giá: "... Đây là kho báu vô giá...". Chính nhờ "kho báu vô giá” này, lực lượng An ninh T4 hay Ban An ninh nội chính, Sở CATP (CATP sau này) đã có "chìa khóa" để "giải mã” nhiều tổ chức phản động, nhiều kế hoạch hậu chiến của địch, nhiều băng cướp rất nguy hiểm. Qua đó cũng hình dung được nhiệm vụ nặng nề, phức tạp trong việc giữ ổn định chính trị, trật tự xã hội và an toàn, hạnh phúc cho cuộc sống của hơn 3 triệu dân tại Sài Gòn - Gia Định hay TPHCM sau này...

Khi Quân giải phóng chiếm dinh Độc Lập, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chính quyền sụp đổ, lực lượng quân đội, cảnh sát Việt Nam cộng hòa (VNCH) buông súng, rã ngũ là điều kiện tốt để hàng vạn tên tội phạm hình sự, trong đó có cả những tên cướp đặc biệt nguy hiểm đã phá nhà tù, thoát ra ngoài. Rất nhiều trong số đó đã nhặt súng, đạn, quân trang, quân dụng vứt đầy đường để trang bị. Đó là chưa kể đến hàng ngàn sĩ quan, binh lính, cảnh sát, công chức... của chế độ vừa sụp đổ nuôi mộng "phục quốc" cũng tập trung lại thành ổ, nhóm lập "chính phủ”, "căn cứ", "mật khu" hay các "đơn vị cảm tử"... để chống phá chính quyền cách mạng.

Nhiều băng đảng gốc lính này còn tổ chức rất nhiều vụ cướp bằng súng, lựu đạn, máy truyền tin quân sự rất manh động, tàn bạo để lấy tiền, vàng ăn chơi, hoặc làm lộ phí vượt biên. Đội ngũ tội phạm mới gốc lính này làm tăng con số 30 vạn lưu manh, côn đồ mà cảnh sát Sài Gòn - Gia Định đã thống kê. Chúng gây án ở khắp địa bàn TPHCM, từ ngoại thành vắng vẻ đến những đường phố đông đúc ở trung tâm thành phố.

Nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (Ảnh S.T)

Sau khi làm rõ 1.386 vụ cướp xảy ra từ 01/5/1975 đến tháng 10/1978, lực lượng công an phát hiện có tới 48% hung thủ gây án là thành phần lưu manh, tội phạm chuyên nghiệp; 29% là các thành phần khác. Đặc biệt 23% là các đối tượng từng làm việc cho chế độ cũ. Đây là điều khá bất ngờ vì ai cũng nghĩ loại đối tượng là sĩ quan, binh lính, quân cảnh, cảnh sát, công chức chế độ cũ chỉ tham gia các tổ chức phản động. Hơn nữa, đa số họ có học vấn, được đào tạo chuyên ngành, lối sống theo quân kỷ, nội quy nên sẽ có suy nghĩ, lương tâm không cướp bóc, cuồng sát như bọn du đảng thất học hay bọn nghiện ma túy mất lí trí.

Thế nhưng thực tế này đã làm thay đổi nhận thức những ai còn cố nghĩ tốt hay bênh vực cho nhóm đối tượng gốc nhà binh hoặc "cổ cồn trắng" này. Nhất là khi các tướng cướp khét tiếng như: AK Bá Xếp, Năm Chảy, Cóc Đen, Sơn mã tấu, Sao Chổi, Lê Văn Giỏi, Trần Đức Thuận, Vũ Cẩn Thành, Thọ Ấm, Võ Tùng Hội... lộ ra gốc là lính trước ngày giải phóng! (băng cướp Võ Tùng Hội khét tiếng tàn bạo có 50 tên thì hơn 20 tên xuất thân từ các đơn vị VNCH. Còn Nguyễn Thanh Tân, kẻ cầm đầu băng cướp 14 tên chuyên bắt cóc trẻ em để tống tiền, đã bắn chết nghệ sĩ Thanh Nga gây phẫn nộ cho hàng triệu người, là trung sĩ quân đội Sài Gòn...).

Ngoài việc cướp đi sinh mệnh, tài sản của người dân, bọn cướp còn để lại những hậu quả tâm lý khủng khiếp cho gia đình, thân nhân và bản thân các nạn nhân, như: những đứa trẻ mồ côi, những người già mất chỗ dựa lúc xế chiều, những con người đang nguyên vẹn thành mang thương tật, thậm chí có người hóa điên, đổ bệnh vì tài sản dành dụm cả đời, cả hai ba đời bị chúng cướp mất! Nhiều khu vực, khu phố bị bọn tội phạm hoành hành làm người dân khiếp sợ không dám đi lại, làm ăn bình thường khi có tới 21,2% số vụ cướp xảy ra trên đường.

Táo bạo hơn, chúng xông vào nhà riêng, cơ quan để gây án. Loại này chiếm tỉ lệ 34,1%. Cuộc sống đang yên vui, bình an bỗng xáo trộn, người ta nhìn nhau nghi ngờ, cảnh giác. Thậm chí quan hệ ruột thịt, họ hàng cũng không còn tin nhau khi 2,7% vụ cướp là có người trong gia đình, nơi làm việc thông đồng chỉ điểm cho các băng cướp. Đã vậy chúng còn gây án vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào (nhà riêng, cơ quan, trường học, công viên, quán trọ, đình chùa, trên xe, trên tàu...).

Đối tượng nào cũng trở thành nạn nhân của bọn cướp chứ không riêng trẻ em, người già hay phụ nữ. Có vụ chúng tấn công cả cảnh sát đang làm nhiệm vụ hay bộ đội có súng để cướp tài sản. Phương tiện, vũ khí phổ biến của chúng là xe máy đã "bùa", như: Honda 67, Vespa, Gobel... xài biển số giả đã đôn zên, xoáy nòng để tăng tốc; nếu bị truy đuổi chúng sẵn sàng dùng các loại súng quân dụng để bắn trả hoặc dùng lựu đạn đối phó. Theo tổng kết của cơ quan chức năng, 41,8% vụ cướp được thực hiện bằng xe máy đã "bùa" như vậy. Đặc biệt có băng cướp Võ Tùng Hội còn dùng cả 3 xe du lịch đi gây án. Ngoài xe "bùa", món bọn cướp rất thích là "hàng nóng". 52,4% các vụ cướp hung thủ dùng súng, lựu đạn để gây án và chống trả khi tẩu thoát trong giai đoạn 1975 - 1976.

Đến năm 1977 thì tỉ lệ dùng súng, lựu đạn lên đến 65,1% tổng số các vụ cướp. Có băng cướp dùng cả súng AK đóng giả công an, bộ đội để ngang nhiên chặn xe trên đường để cướp (băng cướp Nguyễn Văn Thịnh). Băng cướp Phú Salem còn gây bất ngờ hơn khi ngoài súng, lựu đạn bọn chúng còn dùng cả máy truyền tin để chỉ huy đồng bọn gây án, rút chạy, tẩu tán tang vật như đang đánh trận (vụ án xảy ra cuối 1975). Hay băng cướp Phùng Ngọc Anh xuất hiện vào giữa năm 1977 y như trong phim hình sự Mỹ với những tên tội phạm đeo mặt nạ, găng tay... khống chế nạn nhân bằng dao, súng và còng số 8...

Những băng cướp rất manh động, dã man. Chúng sẵn sàng xả súng vào cả gia đình nạn nhân khi lớn, bé, già, trẻ đã khiếp sợ co rúm không dám phản kháng. Chúng cũng không run tay khi ném lựu đạn vào đám đông hoặc nổ súng giữa phố đông người để thoát thân. Băng cướp Bùi Văn Đắc đã giết 5 người rồi đốt xác phi tang; băng cướp Nguyễn Anh Tuấn giết một lúc 3 người ở quận Tân Bình. Ngoài giết người, chúng còn tàn độc hơn khi thay nhau hãm hiếp nạn nhân; đánh đập, trói chân tay, nhét chanh, vải vào miệng không cho nạn nhân kêu cứu; đánh nạn nhân ngất xỉu hoặc phun thuốc mê rồi nhốt vào nhà vệ sinh. Tàn bạo hơn có bọn còn phun axít vào mặt, các đầu ngón tay của nạn nhân để hủy hoại nét mặt, dấu vân tay để cơ quan điều tra không thể nhận diện, tìm ra danh tính nạn nhân!

Các vụ giết người, cướp tài sản chiếm tỉ lệ đến 49%. Đặc biệt nhiều thành viên của các băng cướp là nữ. Thậm chí có băng cướp do những "tướng cướp tóc dài" chỉ huy như 3 chị em ruột Tôn Nữ Kim Hoàn chuyên gài bẫy đàn ông háo sắc để cướp tài sản; băng cướp Sòng Sơn khét tiếng có "chị cả” (Thúy Mai - vợ tiếng cướp Trần Đức Thuận) và "chị ba" cũng rất máu lạnh, được đàn em kính nể, nạn nhân khiếp sợ. Lãng mạn như tiểu thuyết là sinh viên văn khoa Nguyễn Thị Thúy Tâm cũng là "sếp" một băng cướp...

Tính từ 01/5/1975 đến hết tháng 10/1978, địa bàn TPHCM đã xảy ra 1.386 vụ cướp. Tính trung bình cứ 22 giờ xảy ra 1 vụ, nghĩa là nhiều gấp 6 lần số vụ cướp xảy ra trên toàn miền Bắc trong 10 năm sau giải phóng (từ 1955 - 1964, toàn miền Bắc chỉ có 203 vụ cướp). Đặc biệt là tính chất nguy hiểm, manh động, mất nhân tính của bọn cướp trong buổi giao thời với 166 người bị giết chết, 192 người bị thương. Tài sản bị cướp gồm: 15 ôtô, 370 xe máy, 35 xe đạp, 460 đồng hồ, 176.000 đồng tiền mặt, 1.201 lượng vàng, 67 hột xoàn (trong đó có những viên lớn đến 8 carat có giá hơn 100 nghìn USD...).

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang