Đề xuất sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết năm 2025

Thứ Tư, 26/04/2023 17:44

|

(CAO) Bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Các địa phương có thời gian xây dựng, ban hành bảng giá đất mới từ khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực đến hết năm 2025.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, Chính phủ đã hoàn thiện tờ trình dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) gửi Quốc hội.

Theo đó, tại dự thảo lần này, Chính phủ chỉnh lý dự luật theo hướng “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật”.

Dự luật đất đai (sửa đổi) cụ thể hoá tiêu chí "đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ"

Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; đồng thời được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở.

Về quy định bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở, dự thảo luật cụ thể hóa việc tái định cư cho người thu hồi đất phải có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ bằng các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông đảm bảo kết nối với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc); hạ tầng xã hội (đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ).

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất ưu tiên tái định cư tại chỗ, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi; tại địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc trung ương nơi có đất thu hồi, địa bàn khác có điều kiện tương tự để bố trí tái định cư.

Liên quan đến tài chính đất đai, giá đất, sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân, Chính phủ chỉnh lý quy định về định giá đất theo hướng “định giá đất phải bảo đảm phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong việc xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất”.

Căn cứ xác định giá đất gồm thời hạn sử dụng đất (đối với đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức giao đất nông nghiệp, đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền thì không căn cứ vào thời hạn sử dụng đất); thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất; các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất; quy định của các pháp luật có liên quan tại thời điểm định giá.

Giá đất còn được xác định dựa trên thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.

Cũng theo dự thảo mới, bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường.

“Qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy với việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20%, rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” – Chính phủ lý giải.

Để bảo đảm quy định này có tính khả thi, dự thảo luật đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31-12-2025. Với quy định này, các địa phương có thời gian từ khi luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31-12-2025, đủ để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của Luật. Việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi gồm 16 chương, 247 điều, bổ sung mới 24 điều và bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân. Theo chương trình dự kiến, dự luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang